Sức khỏe

Nhà báo Lữ đắc Long (huongnghiepthitruong.vn) – Trọn đời này tôi phải mang ơn bác sĩ

(HNTTO) – Đi qua cơn dịch bệnh đầy ám ảnh và thương đau, có những bệnh nhân đã để lại lời tri ân sâu sắc nhất dành cho các y bác sĩ. Họ viết ra giấy, họ nhắn tin, họ thì thầm trong ống thở… một lời vỏn vẹn: Xin cảm ơn các y bác sĩ!

Mùa hè năm 2021, câu chuyện của anh Lữ Đắc Long một cascadeur, nhà báo nổi tiếng. Từ một người dám nhào lộn từ ngọn núi Ba Hòn xuống nước với độ cao 20 mét, rồi tự đốt cháy người toàn thân đến 4 lần trong các bộ phim Việt Nam, vậy mà khi nhiễm Covid-19, anh chỉ đi bảy bước chân là có thể bị xỉu do thiếu oxy.

Trải qua cơn thập tử nhất sinh đó, anh đã hồi phục một cách diệu kỳ. Trong đó, anh đã đặc biệt tri ân những y bác sĩ đã đưa anh trở về từ cửa tử.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi lại có dịp ngồi lại cùng Lữ Đắc Long. Một lần nữa, anh lại nhớ về những tháng năm đau thương, ám ảnh đó để thấy được rằng, “biệt đội Blouse trắng” đã thật sự chiến đấu anh dũng!

Anh có thể chia sẻ câu chuyện mắc Covid-19 vào năm ngoái và giai đoạn mang tính “thập tử nhất sinh” được khong ạ?

Tôi bị nhiễm ở thời kỳ đầu của đợt bốn ở Việt Nam. Đây là đợt bùng phát dịch covid mạnh nhất mà người dân Sài Gòn phải hứng chịu một cách nặng nề nhất. Nhà của tôi 4 người dính F0, xóm nhỏ của tôi dính gần 60 ca F0, cả khu phố hơn 100 người phải lên đường đi cách ly tập trung ở khắp nơi.

Có thể gọi là tứ tán, tan hoang, bởi không ai biết mình sẽ đi đâu, chữa trị như thế nào, thông tin cứ như nhỏ giọt không rỏ ràng bất cứ điều gì. Lúc đó tôi một mình ở một xóm, đêm về cả con hẻm gần 30 căn hộ tối đen (vì phải cúp cầu dao điện khi đi cách ly) nó giống như một nghĩa địa thu gọn. Phải lây lất như thế 18 ngày, và trong một cơn honag3 loạn tôi bị bất tỉnh trong nhà tắm và được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Trãi. Tại đây tôi mới biết mình chính thức bị F0. Hoang mang, rệu rã từ tinh thần đến thể xác, và may mắn khi tôi được nghệ sĩ Quyền Linh đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy có chuyên khoa covid, nơi có đội ngũ Y – Bác sĩ trên cả tuyệt vời.

Phải mất gần một tháng chữa trị, có lúc tưởng chừng như tôi không qua khỏi vì con covid quỷ quái này. May nhờ vào sự tận tâm của đội ngũ y – bác sĩ mà cuộc đời tôi đã được hồi sinh từ cái bệnh viện “thần tiên” này.

Trong thời gian đó, các y bác sĩ đã tận tình, giúp đỡ anh như nào?

Lúc đó phải nói là cả Sài Gòn đều quá tải, các điều dưỡng, bác sĩ đã là làm việc quá sức tưởng tượng của chính họ. Tất cả đều trùm lên người “bít chịt” với bộ đồ chống khuẩn, bệnh nhân gần như nằm la liệt, ca F0 nào vào khu nhiệt đới của Chợ Rẫy đều rơi vào tình trạng mê man, nên các Bác sĩ gần như tập trung cao độ. Tính theo con số của bệnh viện lúc đó mỗi ngày có khoảng 56 người chết thì các bạn cứ hình dung nó ám ảnh đến dường nào.

Điều vui nhất của Bác sĩ là cứu được một bệnh nhân nào đó, nhưng khi cả ê kíp chưa kịp vui mừng thì tin tức ập về: Đang có hai người đã ra đi. Cảm xúc buồn vui lẫn lộn của Bác sĩ lúc ấy mình chỉ nghe thôi là đủ thấy nghẹn lời.

Riêng các y – bác sĩ ở phòng cấp cứu của tôi lúc nào cũng tất bật, gần như là họ chạy chứ không phải đi để theo dõi diễn biến phức tạp của các bệnh nhận. Bác sĩ không đơn giản là kê toa, chích thuốc mà bác sĩ ở phòng cấp cứu lúc đó họ dường như làm tất cả mọi việc. Chuyển giường bệnh nhân và chỉnh máy thở, máy trợ tim liên tục để phù hợp với từng ca bệnh đang cần oxy. Việc thay tả, đút ăn, chích thuốc, chụp hình phổi cho từng bệnh nhân gần như là liên tục… Riêng bản thân tôi, nếu bác sĩ không kịp thời gắn ống thở oxy khi tôi bị té ngã trên giường (do cố gắng tự đứng dậy tắt quạt) có lẻ giờ này tôi đã không còn trên dương thế.

Anh cảm nhận như thế nào những ngày khốc liệt ấy như thế nào ạ? Đồng thời, anh có thể chia sẻ sự vất vả của các y bác sĩ mà anh đã thấy và cảm nhận dược không ạ?

Sự cực khổ của bác sĩ thì không cần phải nói vì lúc đó luôn trong tình trạng quá tải, bệnh covid thì diễn biến phức tạp khó lường, sáng thấy tỉnh táo nói chuyện vui cười, chiều tối đã nhận tin bệnh nhân vừa tắt thở đã ra đi. Người bệnh covid rơi vào vào cảnh tứ cố vô thân bởi không có người thân bên cạnh, khi mất người nhà chỉ còn nhạn một hủ cốt. Ngoài chuyên môn chữa bệnh, các y – bác sĩ còn phải đóng thêm vai trò động viên người bệnh để họ cảm thấy không cô độc.

Chuyện Bác sĩ nam thay tả, đút ăn, bơm sữa cho bệnh nhân đã trở thành hình ảnh quen thuộc, các nữ điều dưỡng sau phần chăm sóc bệnh nhân liên tục suốt nhiều giờ đã ngồi thừ trong một góc phòng để… thở khiến nguời bệnh vô cùng cảm kích. Có Bác sĩ đi đến từng bệnh nhân năn nĩ: Bà con nhớ mang khẩu trang để tránh việc lây lan cho bác sĩ, vì bác sĩ mà bị nhiễm thì không ai lo cho bà con hết.

Ở giai đoạn này, ngoài sự căng thẳng chữa trị cho bệnh nhân, các bác sĩ vẫn phải lo cho gia đình mình. Có người ba tháng chưa về thăm ba mẹ, vợ con, rồi người nhà bị nhiễm họ đã phải vất vả xoay sở trăm điều. Không chỉ khổ cực, tủi thân mà họ sống trong tình trạng nguy hiểm rình rập từng giờ, từng phút bởi lúc nào cũng đối diện với hàng trăm ca nhiễm F0. Với tôi họ không chỉ là một chiến sĩ dũng cảm đối diện với kẻ thù vô hình đang chực chờ gây nguy hiểm ở khắp nơi.

Lời nói, hành động, sự tận tâm nào của các y bác sĩ đã làm anh xúc động?

Hình ảnh một bác sĩ nam thay tả cho các bệnh nhân nữ khiến tôi tê tái. Bởi đó là công việc của điều dưỡng nhưng khi thiếu người vị Bác sĩ này không nề hà công việc “tế nhị” này. Một nữ điều dưỡng với chất giọng oanh vàng cứ mỗi lần xuất hiện là cô truyền tải sự sôi động giúp các bệnh nhân có thêm tinh thần để chống lại cơn bệnh quái ác. Nhớ nhất là động tác gắn ống oxy điệu nghệ khi tôi gần như tắt thở, giọng nói nhỏ nhẹ của bác sĩ Thơ thì thầm bên tai: “Chú Long khó thở đúng không, chú nhớ bên ngoài còn có nhiều người khó thở hơn chú, thậm chó có người không được thở như mình đâu, ráng lên nhe chú, rồi sẽ qua hết thôi”. Suốt cuộc đời này tôi sẽ không quên giọng nói y như bà tiên của vị bác sĩ này.

Trải qua thời gian đó, anh có sự biết ơn sâu sắc nào với các y bác sĩ không ạ?

Tôi muốn dùng từ tri ơn để thể hiện được hoàn cảnh và tâm tư của người từ cõi chết như tôi được trở về với cuộc sống này. Bác sĩ cứu mình sống lại, không một ai cần sự trả ơn, và chắc chắn họ cũng không nhớ hết đã cứu sống được bao nhiêu người.

May mắn là khi hết bệnh, tôi đã được theo chân một đoàn phim của công ty Đạt Phim do đạo diễn Lê Ngọc Lượng thực hiện: Những ngày giông bão nói về công việc lặng thầm và nguy hiểm của những vị y – bác sĩ đáng kính này. Hình ảnh hàng chục xe tải chở các bác sĩ từ các nơi đổ bộ xuống bệnh viện covid ở Thủ Đức vào mỗi sáng sớm luôn nằm trong tâm trí tôi. Các cuộc phỏng vấn ghi hình từ các vị bác sĩ này, tôi thấy họ tưởng chừng là người rất đổi bình thường, nhưng trách nhiệm và đức độ của họ trong việc cứu người đã trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết.

Bác sĩ Tuyển trưởng khoa bệnh viện Chở rẫy, lúc đang ở đỉnh dịch, mang trong nguời những trọng trách nặng nề, nhưng ông vẫn cứ phải bình tỉnh, vui vẻ để truyền tải tinh thần vững chắc cho các y – bác sĩ cấp dưới. Hỏi ông sẽ làm gì khi hết dịch? Ông nói trong nước mắt: ” Tôi thèm được hết dịch để về nhà chăm sóc cây cối, nuôi chlm, rồi làm thơ, nấu ăn cho bà xã tôi. Các điều dưỡng thì mong hết dịch sẽ rủ nhau đi ăn bánh xèo, chạy về nhà ôm mẹ vào lòng… những ước mong cực kỳ đơn giản. Hình ảnh hàng trăm con người xuống xe đi vào bệnh viện thay ca trực như đang đi ra chiến trường để cứu người bị covid luôn mãi trong lòng tôi. Công việc của họ cứ âm thầm, lặng lẻ. Tài năng, đức độ của họ đã cứu hàng ngàn bệnh nhân, họ cứu người như một công việc hàng ngày của người thầy thuốc bình thường, không một ai cần sự vinh danh hay báo đáp nào cả. Bác sĩ, hai từ này với tôi nó cao cả và thâm sâu vô cùng tận.

Anh chia sẻ giúp em về hành trình hồi phục sức khỏe của anh được không ạ?

Sau hai ngày đỉnh điểm bị covid hành hạ trong bệnh viện Nguyễn Trãi khiến tôi ăn không được, ngủ không yên. Nằm không xong, ngồi không ổn mà đi thì không đủ sức. Các cơn ho kéo dài tưởng chừng như bể lồng ngực. Sự hụt hơi khó thở vì thiếu oxy đã khiến tôi mơ rằng: Ước gì mình được ra… đi cho nhẹ thân xác mình.

Phải mất 6 ngày “nằm liệt” trên giường, hơn 10 ngày thoi thóp bên các loại bình oxy cùng các đơn thuốc diệu kỳ đã giúp tôi hồi phục.

May mắn của tôi là có y – bác sĩ đã luôn túc trực, đưa ra rất nhiều giải pháp để chữa trị kịp thời. Những mũi kim tiêm để chống đông máu, những viên thuốc phục hồi hai lá phổi đã bị trắng xoá sẽ luôn mãi trong tiềm thức của tôi. Và sau 26 ngày nằm viện, khi cầm trên tay tờ giấy xuất viện tôi mới biết mình chính thức được tái sinh lần thứ hai, và công ơn này là nhờ vào đội ngũ y – bác sĩ đã tái sinh tôi lần thứ hai trong đời.

Hiện tại, SG đã bước vào giai đoạn bình thường. Theo anh, đóng góp của các y bác sĩ quan trọng như nào ạ?

Covid đã biến Sài Gòn từ nơi nhộn nhịp thành một vùng đất chết suốt một thời gian dài. Nếu không có đội ngũ y – bác sĩ ngày đêm xã thân lao vào công việc cứu người đầy nguy hiểm này thì có lẻ giờ đây chuyện gì xảy ra sẽ không một ai đoán nỗi. Không có đội ngũ Bác sĩ quên thân mình để ngày đêm túc trực cứu người, tôi nghĩ sẽ có một thảm hoạ xảy ra mà không một ai dám nghĩ đến. Sự đóng góp của đội ngũ y – bác sĩ không thể nào tả được, chỉ biết rằng mỗi bệnh nhân từng trải qua bệnh covid, và cả xã hội này đều phải mang ơn họ. Xin phép cho tôi được gởi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các vị Y – Bác sĩ đáng kính này.

(Bài được xuất bản Tc in Hướng nghiệp Thị trường số T3/2022)

Khải Anh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button