Nghiên cứu trao đổiSức khỏeThể thao

“Vai trò của Y học Giấc ngủ trong Phát triển – Thể thao Thành tích cao: Thực trạng và Giải pháp”

(HNTTO) – Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người vì hơn một phần ba cuộc đời mỗi người được dành cho giấc ngủ. Giấc ngủ giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bớt bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, tinh thần minh mẫn và sáng suốt hơn khi thức giấc, giúp việc học tập, lao động, thi đấu thể thao hiệu quả và với hiệu suất và thành tích cao hơn. Đối với vận động viên thể thao, đặc biệt là cầu thủ bóng đá, thời gian ngủ cũng là lúc các hệ cơ quan trong cơ thể ở vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày tập luyện và vận động và cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để cơ thể chuẩn bị cho một tình trạng thể lực tốt nhất và sẵn sàng cho một ngày huấn luyện mới hoặc thi đấu đạt phong độ tốt nhất.

  1. Vai trò của Y học giấc ngủ trong thể thao thành tích cao

Y học giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người vì hơn một phần ba cuộc đời mỗi người được giành cho việc ngủ. Giấc ngủ giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp hệ cơ xương khớp khỏe hơn, tinh thần minh mẫn và sáng suốt hơn khi thức giấc, giúp việc học tập – lao động, luyện tập thể thao hiệu quả hơn và thi đấu với hiệu suất và thành tích cao hơn. Đối với vận động viên thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, thời gian ngủ cũng là lúc các hệ cơ quan trong cơ thể ở vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày tập luyện và vận động ở mức độ cao; đây cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để cơ thể chuẩn bị cho một tình trạng thể lực tốt nhất và sẵn sàng cho một ngày luyện tập mới hoặc thi đấu đạt thành tích cao nhất. Do vậy đòi hỏi vận động viên và cả huấn luyện viên phải được trang bị những kiến thức cần thiết về y học giấc ngủ và có đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành y học thể thao được trang bị kiến thức về y học giấc ngủ.

Tuy nhiên, dù rằng từ nhiều thập niên qua, ở các nước phát triển có nền y học thể thao tiên tiến đã có sự quan tâm cải thiện chất lượng giấc ngủ và chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trọng điểm, vận động viên thành tích cao đã được liên đoàn thể thao các quốc gia quan tâm và đưa vào trong các chương trình kiểm soát sức khoẻ, chương trình theo dõi thành tích cao, chương trình dự phòng chấn thương và hệ thống phát triển nguồn vận động viên từ ươm mầm tài năng trẻ tuổi; các nước đang hội nhập và chưa phát triển và cụ thể là tại Việt Nam, vai trò của y học giấc ngủ trong phát triển thể thao thành tích cao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Những bằng chứng khoa học được công bố từ các nghiên cứu của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ và các nước châu Âu về mối liên quan giữa giấc ngủ và chất lượng thi đấu thành tích cao của vận động viên đã khẳng định vai trò rất quan trọng của sức khoẻ giấc ngủ nhằm duy trì giấc ngủ chất lượng tốt, hiệu suất giấc ngủ tối ưu trong việc cải thiện – đạt và duy trì thành tích cao, trong việc làm giảm nguy cơ chấn thương trong luyện tập và thi đấu, giúp điều chỉnh theo hướng tích cực hành vi và thái độ chuẩn mực của vận động viên khi tham gia thi đấu ở những môn thể thao có tính đối kháng và tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng đá, đua thuyền, chạy tiếp sức và các môn thi đấu đồng đội.

GS.TSKH.Dương Quý Sỹ và Lãnh đạo Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam thăm trụ sở Liên đoàn Bóngđá Việt Nam và nhận quà “Quả bóng Tuyển Bóng đá Việt Nam Vô địch AFF Cúp 2018”.  

  1. Vai trò của sức khoẻ giấc ngủ đối với thể thao thành tích cao

Để luyện tập và thi đấu đạt hiệu suất cao nhất, vận động viên thành tích cao phải chuẩn bị toàn diện về các mặt sức khỏe thể chất, tinh thần và cân bằng về cảm xúc. Đặc biệt chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ có tác động rất quan trọng đến sự phát triển thể chất của các vận động viên nhỏ tuổi, vận động viên trẻ và thậm chí các vận động viên trên 18 tuổi. Do vậy, các vận động viên thành tích cao, ngoài việc phải duy trì chế độ luyện tập thường xuyên theo giáo án của ban huấn luyện, cần phải bảo đảm một chế độ ăn khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng và đặc biệt nhất là phải giành đủ thời gian để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và ngủ đúng giờ – ngủ đủ giấc. Khi ngủ không bảo đảm thời gian tối thiểu, hoặc không đúng với nhịp sinh học như là bị lệch múi giờ (jet-lag) do phải luyện tập hoặc thi đấu ở các quốc gia khác không cùng một kinh tuyến với Việt Nam, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì hiệu suất thi đấu thành tích cao của từng cá nhân và của tập thể sẽ bị ảnh hưởng.

Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp cho hệ thần kinh, hệ hô hấp – tim mạch, hệ vận động – cơ xương khớp và hệ thống chuyển hoá – bài tiết của vận động viên, nhất là vận động viên thành tích cao được nghỉ ngơi, hồi phục, thực hiện chức năng sinh lý đúng nhịp sinh học sau một ngày luyện tập hoặc thi đấu với cường độ cao, giúp cơ thể tái sinh các tế bào khỏe mạnh và các tổ chức cơ xương khớp bị các chấn thương mức độ vi thể được sửa chữa và làm lành. Ngoài ra, giấc ngủ chất lượng tốt còn giúp vận động viên tăng cường khả năng ghi nhớ, tích lũy kiến thức được huấn luyện, phát triển những kỹ thuật tinh vi và phức tạp. Bên cạnh đó, sức khoẻ giấc ngủ tốt với biểu hiện bằng một giấc ngủ chất lượng tốt cũng giúp cho việc điều hòa – cân bằng trạng thái tinh thần và cảm xúc, giúp tránh các rối loạn cảm xúc lo âu, căng thẳng và trầm uất. Y học giấc ngủ cũng đã chứng minh rằng giấc ngủ ngon giúp vận động viên luôn lưu giữ được những cảm xúc và ký ức đẹp trong luyện tập và thi đấu, giúp xóa đi những hình ảnh và cảm xúc tiêu cực. Do vậy, sức khoẻ giấc ngủ tốt sẽ giúp các vận động viên thành tích cao thuận lợi hơn trong việc luyện tập hoặc học tập các kỹ năng mới, giúp làm tăng khả năng tư duy sáng tạo và đồng cảm, kiến tạo ký ức tốt đẹp và sẽ góp phần cải thiện thành tích cao trong thi đấu.

Nếu sức khoẻ giấc ngủ không tốt, giấc ngủ không bảo đảm thời gian hoặc chất lượng giấc ngủ kém thì sự hình thành năng lực giúp cho sự học hỏi và ghi nhớ – thực hiện đúng và chính xác sẽ không thể được duy trì bền vững, làm tăng nguy cơ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu. Đặc biệt là mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến sự suy giảm về nhận thức và có thể gây ra những tác động bất lợi đối với các vận động viên khi bị đặt vào tình huống đòi hỏi sự tập trung cao độ của tư duy, sự nhạy bén của phản xạ và khả năng suy đoán ở mức độ cao như là khi đưa ra quyết định quan trọng trong thi đấu, khi cần xử lý chính xác các tình huống kỹ thuật cao.

Ngoài ra, giấc ngủ chất lượng tốt cũng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần – tâm sinh lý của vận động viên nói chung và vận động viên thành tích cao nói riêng. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp làm tăng các suy nghĩ – cảm xúc tích cực, giúp ngăn ngừa những buồn phiền – lo lắng không đáng có trong hoạt động thường ngày khi luyện tập hay thi đấu, giúp hạn chế việc thiếu kiềm chế hay dễ bị kích động trong các tình huống thi đấu đối kháng dễ gây va chạm trong thi đấu thành tích cao ở một số môn thể thao.

  1. Vai trò của sức khoẻ giấc ngủ trong luyện tập và thi đấu thành tích cao

Y học giấc ngủ đã chứng minh việc tăng thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ ở vận động viên, nhất là vận động viên thành tích cao có liên quan đến việc cải thiện hiệu suất và thành tích trong thi đấu. Thêm vào đó, sức khoẻ giấc ngủ tốt còn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ chấn thương của vận động viên và do vậy sẽ làm tăng hiệu suất thi đấu thông qua việc tăng cường tần suất và cường độ tham gia luyện tập và thi đấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng thời gian ngủ của các vận động viên sẽ giúp họ thi đấu ở phong độ cao nhất và đạt thành tích tốt nhất. Ngược lại, chất lượng lượng giấc ngủ kém hoặc thiếu ngủ sẽ làm cho vận động viên thành tích cao giảm khả năng tập trung, giảm những phản xạ nhanh nhạy – chính xác và giảm khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt, chiến lược hợp lý khi thực hiện các tình huống thi đấu của vận động viên.

Do vậy rất đáng lo ngại khi các vận động viên thành tích cao không được hướng dẫn và trang bị kiến thức về thực hành tốt cho sức khoẻ giấc ngủ, không tuân thủ việc ngủ đủ giấc, chưa quan tâm đến việc thực hiện vệ sinh giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ làm cho các vận động viên giảm động lực thi đấu vì tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, căng cứng cơ bắp xảy ra thường xuyên hơn và do vậy làm giảm khả năng thực hiện tốt các yêu cầu của thể thao thành tích cao. Thiếu ngủ sẽ làm cho vận động viên mau chóng bị kiệt sức hơn, nhất là khi thi đấu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như quá lạnh hay quá nóng, ở độ cao. Thiếu ngủ cũng sẽ làm giảm khả năng thực hiện các động tác kỹ thuật phức tạp và cần độ chính xác cao trong các môn thể thao như thể dục dụng cụ, võ thuật, bắn súng … so với tình trạng ngủ ngon và đủ giấc. Trong các môn thể thao thành tích cao mang tính đối kháng, vận động viên bị thiếu ngủ hay chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ có những phản xạ hay những phản ứng tình huống kém chuẩn xác và chậm hơn.

Nguy cơ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu ở vận động viên thành tích cao bị rối loạn giấc ngủ (ngủ ngáy – ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, rối loạn cận giấc ngủ) hoặc thiếu ngủ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu đã được công bố trong thời gian qua. Kết quả các nghiên cứu đã cho thấy rằng tình trạng thiếu ngủ mãn tính làm gia tăng có ý nghĩa tỷ lệ chấn thương của vận động viên thành tích cao trong luyện tập và trong thi đấu. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm gia tăng tổn thương và sang chấn của hệ cơ xương khớp của vận động viên. Thật vậy, nguy cơ và tỷ lệ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu của vận động viên thành tích cao có liên quan mật thiết đến cường độ tập luyện quá mức và thời gian ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém. Thiếu ngủ cấp tính hay mãn tính đều làm gia tăng sự thiếu chuẩn xác và thiếu tập trung hơn khi thực hiện các động tác kỹ thuật cao và do vậy vận động viên dễ bị chấn thương trong luyện  tập và thi đấu.

  1. Một số phương pháp giúp vận động viên thành tích cao bảo đảm sức khoẻ giấc ngủ tốt

4.1. Tuân thủ việc thực hiện vệ sinh giấc ngủ

Vận động viên cần phải được trang bị kiến thức cơ bản và tuân thủ một chế độ vệ sinh giấc ngủ nghiêm ngặt và khoa học phù hợp với điều kiện tập luyện và thi đấu. Các cấu phần chung của việc vệ sinh giấc ngủ bao gồm việc tránh uống rượu, cà phê tối thiểu 6 giờ trước khi đi ngủ, vì đây là những thức uống có chất nồng độ cồn cao làm gián đoạn giấc ngủ hoặc làm cho giấc ngủ dễ bị xáo trộn hơn; đặc biệt chất caffein sẽ làm tăng sự tỉnh táo và kéo dài thời gian đi vào giấc ngủ nông và sâu (tiềm thời giấc ngủ); tránh thói quen hút thuốc lá trước khi đi ngủ và nên bỏ thuốc lá.

Tránh thói quen sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc chơi các game điện tử sau 20 giờ vì cường độ ánh sáng xanh trên các thiết bị này sẽ tác động trực tiếp vào võng mạc gây ức chế sự bài tiết melatonine, đây là một loại hormone sinh học do tuyến tùng tiết ra gây buồn ngủ và giúp đi vào giấc ngủ sâu. Ngoài ra melatonine còn giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trong một thời gian dài vào buổi tối sẽ làm cho các vận động viên bị thay đổi nhịp sinh học và trở nên có thói quen ngủ muộn và dậy muộn (giấc ngủ lệch pha muộn); đây là một giấc ngủ gây mệt mỏi khi thức giấc và làm cho vận động viên thành tích cao luôn có cảm giác bị thiếu ngủ.

4.2. Thực hiện các kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Để có một giấc ngủ sâu và chất lượng giấc ngủ tốt, các vận động viên thành tích cao cần phải được tư vấn hướng dẫn các kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ như là duy trì thói quen thư giãn trước khi đi ngủ bằng các hoạt động như đọc sách, tắm nước ấm, tập thở theo phương pháp yoga hoặc thiền. Đây là những hoạt động rất tốt để có thể tạo ra một giấc ngủ ngon sau một ngày luyện tập hoặc thi đấu với cường độ cao.

Khi vận động viên có thời gian đi vào giấc ngủ (tiềm thời giấc ngủ) kéo dài thì cần lưu ý không nên nằm trên giường đợi giấc ngủ đến mà cần phải chủ động ra khỏi giường nếu không thể ngủ được sau 20 – 30 phút, cố gắng dỗ giấc ngủ bằng cách thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng, yên tĩnh trong một không gian khác cho đến khi cảm thấy buồn ngủ thì mới quay lại giường. Mỗi cầu thủ cần tạo cho mình một môi trường và không gian trong phòng ngủ thích hợp như là chỉ sử dụng ánh sáng nhẹ của đèn ngủ trong phòng, phòng ngủ phải mát mẻ và yên tỉnh, trang phục phù hợp, trời lạnh nên mang vớ giử ấm.

4.3. Duy trì một chế độ luyện tập và thi đấu hợp lý – khoa học

Để có một sức khoẻ giấc ngủ tốt và có một giấc ngủ ngon, vận động viên thành tích cao cần tránh việc tập luyện quá mức gây kiệt sức về thể lực và căng dãn quá mức của hệ cơ gây ra các vi chấn thương làm đau nhức xương khớp – cơ bắp và khó đi vào giấc ngủ và khó có giấc ngủ sâu. Ngoại trừ những lý do khách quan trong lịch trình thi đấu, vận động viên và ban huấn luyện cần tránh tối đa việc tập luyện hoặc thi đấu với thời gian biểu quá sớm hoặc quá muộn trong ngày vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học vả giấc ngủ sinh lý.

Ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, duy trì một giấc ngủ trưa khoảng 20 phút sẽ rất tốt cho vận động viên, vì giúp cho việc tập luyện và thi đấu vào buổi chiều sẽ hiệu quả hơn và cải thiện tình trạng mệt mỏi sau thời gian tập luyện buổi sáng. Bên cạnh đó, vận động viên thành tích cao cần tránh tối đa các yếu tố hay tác nhân gây căng thẳng tinh thần quá mức trong quá trình tập luyện hay nghỉ ngơi vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

4.4. Thích nghi sớm với việc lệch múi giờ (jet-lag)

Một yếu tố khách quan thường là nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp sinh học của giấc ngủ ở vận động viên và ban huấn luyện đó là tình trạng lệch múi giờ (jet-lag) khi phải tập luyện và thi đấu tại các quốc gia khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho vận động viên và ban huấn luyện luôn có cảm giác mệt mỏi sau những chặng đường di chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu, nhất là khi tham gia các giải đấu quốc tế.

Do vậy trước mỗi chuyến đi sang các quốc gia khác luyện tập – thi đấu, ban huấn luyện và vận động viên cần phải căn cứ vào múi giờ chênh lệch giữa hai quốc gia để điều chỉnh nhịp sinh hoạt tiệm cận với giờ giấc sinh hoạt, bữa ăn và thời gian ngủ nơi sắp đến. Đặc biệt ngay khi lên máy bay thì cần phải điều chỉnh đồng hồ theo thời gian hiện hữu của nơi đến. Ngoài ra trong suốt chuyến bay đường dài cần phải duy trì nhịp sinh hoạt và giấc ngủ đúng nhịp sinh học với thời gian của nơi sắp đến; điều này giúp vận động viên và ban huấn luyện có thể hội nhập ngay với thời gian biểu của nơi đến ngay khi máy bay hạ cánh.

  1. Các giải pháp chính sách phát triển y học giấc ngủ trong chăm sóc sức khoẻ toàn diện vận động viên thành tích cao

5.1. Cần thực hiện các đánh giá khoa học khách quan, đầy đù về thực trạng sức khoẻ giấc ngủ trong vận động viên thành tích cao

Đây là cơ sở khoa học giúp thu thập số liệu về những rối loạn giấc ngủ, tình trạng thiếu ngủ, thiếu vệ sinh giấc ngủ vì không tuân thủ tránh các hành vi có hại cho giấc ngủ tốt, chất lượng giấc ngủ. Theo thống kê nghiên cứu, có khoảng trên 8,5% người Việt Nam trên 18 tuổi bị rối loạn thở trong khi ngủ (ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ), gây mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày; trên 25% lứa tuổi này và nhỏ hơn bị thiếu ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, các đơn vị chức năng về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thể dục thể thao, y tế, khoa học công nghệ cần đưa nhiệm vụ khoa học đánh giá thực trạng sức khoẻ của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao vào các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.

5.2. Nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ toàn diện, sức khoẻ giấc ngủ cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ cho vận động viên thành tích cao

Đây là một trong những yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam theo tiêu chí “Sức khoẻ giấc ngủ là nền tảng thành tích cao”. Hiện nay, đội ngủ cán bộ y tế địa phương và tại các cơ sở thể dục thể thao nói ching và thể thao thành tích cao nói riêng chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về y học giấc ngủ, chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của sức khoẻ giấc ngủ với chất lượng luyện tập – thi đấu và thành tích cao. Do vậy các cơ quan chủ quản chuyên ngành cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo cấp chứng chỉ năng lực y học giấc ngủ cho cán bộ y tế chuyên trách phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho vận động viên thành tích cao thông qua các chương trình đào tạo của Hội Y học giấc ngủ Việt Nam và các hội thảo chuyên đề của quốc gia và khu vực và quốc tế.

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ và Lãnh đạo Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, ký biên bản ghi nhớ sựhợp tác giữa Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam và Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam (Hà Nội, tháng7/2022).

5.3. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích, đánh giá mối tương quan đặc thù giữa các thông số về sức khoẻ giấc ngủ với các chỉ số luyện tập và thành tích

Thực hiện hiện nay cho thấy dù rằng một số địa phương rất phát triển về kinh tế – xã hội và ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động thông tin truyền thông, dịch vụ hành chính công, là đô thị thông minh ngang tầm các nước phát triển trong khu vực, nhưng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) vào vấn đề chăm sóc sức khoẻ và sức khoẻ giấc ngủ dựa trên việc “học máy – học sâu” (machine learning, deep learning) và phân tích “dữ liệu lớn” (big data) vẫn còn đang bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên thành tích cao hiện nay trở nên dễ dàng và khả thi hơn vì các thiết bị thông minh có khả năng thu thập các dữ liệu trực tuyến và trực tiếp thông qua các nguyên lý thăm dò không xâm lấn tích hợp trong các đồng hồ đeo tay, vòng đeo, gối ngủ thông minh, giường thông minh… dựa trên nguyên lý cử động ký, sóng âm, điện từ trường, sóng điện não chức năng và các hằng số nhịp sinh học.

Trên cơ sở “học sâu” các thiết bị trí thông minh nhân tạo giúp cá thể hoá các đặc điểm và yêu cầu sức khoẻ giấc ngủ đặc thù cho từng loại hình vận động viên thành tích cao phù hợp với lứa tuổi, cường độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, lên phương án luyện tập phù hợp dựa trên các dữ liệu sức khoẻ toàn thân của các hệ thống cơ quan và sức khoẻ giấc ngủ; đưa ra những khuyến cáo giúp tránh chấn thương trong luyện tập và thi đấu thành tích cao.

5.4. Xây dựng chiến lược phát triển y học giấc ngủ cá thể hoá cho vận động viên thành tích cao và trang bị kỹ năng, kiến thức và phương tiện cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ

Đây là yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển y học giấc ngủ, thực hiện mục tiêu “Sức khoẻ giấc ngủ tốt tránh chấn thương và nâng cao thành tích”. Do vậy tại Việt Nam, cần phải xây dựng các đơn vị chuyên sâu về chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên thành tích cao thông qua việc thành lập các “Trung tâm chăm sóc giấc ngủ” cho nhân dân nói chung và đặc thù cho thể dục thể thao nói riêng. Đây là các cơ sở chuyên sâu về y học giấc ngủ được tranh bị các trang thiết bị hiện đại, chuyên dụng giúp kháo sát, đánh giá sức khoẻ giấc ngủ định kỳ cho vận động viên, xây dựng các chương trình tư vấn và các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm sức khoẻ cho vận động viên ở mức cao nhất và nhằm đạt thành tích tốt nhất. Đây cũng là tiền đề cho việc thành lập “Viện Y học giấc ngủ ứng dụng trong thể thao thành tích cao” nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo huấn luyện, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ chuyên ngành về sức khoẻ giấc ngủ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng và cập nhật những thành quả nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo trong phát triển toàn diện vận động viên thành tích cao về thể chất, trí tuệ cảm xúc, năng lực chuyên môn, phẩm chất văn hoá thể thao chuyên ngành dựa trên các nguyên lý y học thể thao, y học giấc ngủ thông qua một chương trình cá thể hoá về dinh dưỡng, vận động, kỹ năng – kỹ thuật đặc thù trong luyện tập và thi đấu đạt thành tích tốt nhất cho địa phương Bình Dương và cho quốc gia.

  1. Kết luận

Y học giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm khả năng luyện tập và đạt được kết quả thi đấu tốt ở vận động viên thành tích cao. Bên cạnh các vấn đề sức khoẻ liên quan đến y học thể thao, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, luôn duy trì phương pháp luyện tập “tích cực – hiện đại – khoa học”, kết hợp với sức khoẻ giấc ngủ tốt sẽ giúp cho vận động viên thành tích cao phát huy được năng lực để đạt được những kết quả tốt nhất. Sự quan tâm và đưa y học giấc ngủ vào phối hợp với y học thể thao, y học cá thể hoá, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong luyện tập và thi đấu, kết hợp với những tố chất đặc biệt của vận động viên thành tích cao sẽ giúp cho hệ thống thể thao đỉnh cao của Việt Nam sẽ đạt được bước phát triển vượt bậc.

Do vậy các học viện thể thao quốc gia cần phải bổ sung những nội dung cơ bản về y học giấc ngủ trong đào tạo; các đơn vị đào tạo – huấn luyện cần phải đặt nhiệm vụ bảo đảm sức khoẻ giấc ngủ tối ưu cho vận động viên thành tích cao lên hàng đầu bên cạnh các vấn đề về dinh dưỡng hợp lý, chương trình luyện tập khoa học nhằm bảo đảm cho vận động viên đạt được thành tích tốt nhất. Các địa phương cần phải tiên phong trong việc xây dựng chiến lược “Sức khoẻ giấc ngủ tốt cho vận động viên thành tích cao”, phối hợp với cơ quan chuyên môn quốc gia là Bộ Y tế, Hội Y học giấc ngủ Việt Nam thành lập các “Viện y học giấc ngủ – Y học thể thao thành tích cao”, đây là một trong những đột phá mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030, giúp gắn kết y học thể thao, y học giấc ngủ, kết hợp với đánh giá chất lượng giấc ngủ định kỳ, tích hợp trong một chương trình huấn luyện khoa học và tiên tiến là rất quan trọng, vì “ Giấc ngủ tốt là tối cần thiết để đạt thành tích cao ”./.

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam

Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL Việt Nam. Phó Trưởng Tiểu ban GDNN

Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button