Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Con riêng của vợ có thể kết hôn với con riêng của chồng – Vợ có quyền không ghi tên chồng trong giấy khai sinh của con không?

(HNTTO) – Mới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các doanh nghiệp thành viên và một số người dân nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến con riêng của vợ và chồng kết hôn có được hay không. Đồng thời, vợ có quyền ghi tên chồng vào giấy khai sinh của con hay không?

Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:

Con riêng của vợ được kết hôn với con riêng của chồng

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo quy định của khoản 2, điều 5 Luật hôn nhân và gia đình thì các hành vi sau đây sẽ bị cấm: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Yêu sách của cải trong kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính; Bạo lực gia đình; Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Theo đó, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Căn cứ tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định khi nam nữ kết hôn phải tuân theo điều kiện như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn… Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Do đó, con riêng của hai vợ chồng của quý doanh nghiệp không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn nên hai con của quý vị nếu đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định thì có thể đăng ký kết hôn với nhau.

Vợ có quyền không ghi tên chồng trong giấy khai sinh của con không?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015 (Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch) việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ được quy định như sau: Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Như vậy, căn cứ pháp lý nêu trên có thể hiểu rằng phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ chỉ được để trống khi chưa xác định được cha. Còn với trường hợp của quý doanh nhân, ngườivợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân thì con sinh ra là con chung của vợ chồng. Khi đăng ký khai sinh cho con, dù vợ có đề nghị hay không ghi tên của người chồng vào giấy khai sinh của con thì cán bộ tư pháp cũng sẽ không chấp nhận đề nghị đó.

Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thường xuyên tổ chức toạ đàm khoa học, tham vấn pháp lý nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật với những nội dung cơ bản của Luật hôn nhân, gia đình; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống buôn bán người, bình đẳng giới; những tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; các quy định về xử phạt hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xây dựng nếp sống văn minh…Thông qua trả lời các ý kiến của người dân, doanh nghiệp các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến công tác gia đình khi có nhu cầu.

Tin rằng, thông qua việc tham vấn pháp lý của Trung tâm TTLCC hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân về trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng gia đình và xã hội ngày càng phát triển, văn minh, hạnh phúc./.

Văn Hải – Tuấn Tú

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button