Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC: Lực lượng CSGT được phép sử dụng vũ lực để trấn áp, khống chế người vi phạm ở một số trường hợp nhất định

(HNTTO) – Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về thì là lúc người dân lên kế hoạch đi du xuân. Theo đó, người dân còn chứng kiến nhiều trường hợp người vi phạm giao thông bất hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT. Một số trường hợp còn chống đối, đe dọa, thậm chí tấn công CSGT. Do đó, nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề này!?

Ảnh minh hoạ

Giải đáp thắc mắc này, Tiến sỹ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông. Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh&Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho hay nếu hành vi chống đối của người vi phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội; xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể dùng vũ lực để không chế đối tượng. Thế nhưng, hành vi cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” đã được Bộ luật Hình sự quy định.

Đồng thời, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn viện dẫn theo Thông tư 01/2016/TT-BCA về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ quy định: CSGT có quyền dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định pháp luật…Quađó, Thông tư này cũng quy định CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.Tuy nhiên, không quy định rõ CSGT có quyền được đánh người vi phạm. Nhưng trường hợp người vi phạm chống đối, thì CSGT có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Dẫn chứng thêm, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết theo Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát như sau: Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật; Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản; Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật, Tiến sỹ. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Tương tự, theo Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ nêu rõ để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Trong đó, nếu người vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm, thì cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ. Tiến sỹ  Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Nghị định số 208/2013/NĐ-CP cho phép trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Cụ thể, Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra; Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ; Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật; Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

Cùng với đó, trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho hay.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ được phép dừng xe người đi đường trong 04 trường hợp, điển hình: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài các trường hợp đã nêu, CSGT không được tùy tiện yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

Dịp này, Tiến sỹ. Hồ Minh Sơn khuyến cáo theo Điều 330, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Song song với đó, bị phạt tù từ 2 – 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Theo quy định này, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Ngoài ra, nếu chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:Phạt tiền từ 1 – 4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn khẳng định.

Như vậy, để du xuân được trọn vẹn, ngừoi tham gia giao thông hưởng một mùa xuân thật đầm ấm, ý nghĩa thì phải nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT, mọi hành vi vi phạm giao thông và chống đối người thi hành nhiệm vụ là vi phạm pháp luật. Chắc chắn rằng, các hành vi chống đối đều sẽ bị xử lý nghiêm. Vì vậy, người tham gia giao thông cần tuyệt đối chấp hành các quy định của Luật GTĐB cũng như sự phân luồng, hướng dẫn của lực lượng CSGT…

Văn Hải – Thuỳ Duyên – Quang Huy

 

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button