Doanh nghiệpDoanh nghiệpKhoa học công nghệNghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng IMRIC: Chuyển đổi số giúp DNNVV ứng phó thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao cạnh tranh

(HNTTO) – Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển trong giai đoạn cuộc CMCN 4.0. Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Ảnh minh hoạ 

Có thể thấy, với 40% của tất cả các tìm kiếm di động là dành cho các doanh nghiệp địa phương và 60% sẽ không truy cập hoặc giới thiệu doanh nghiệp sau khi gặp sự cố với trang web di động…một yêu cầu chuyển đổi số cấp thiết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)…Đây là sự thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho rằng chuyển đổi số được hiểu đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy, từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Không chỉ có tác động đến cách làm việc, cách quản trị doanh nghiệp mà nó còn có tác động đến văn hóa, môi trường làm việc của doanh nghiệp. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một trong những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Mặt khác, chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ là việc tích hợp công nghệ số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sự phát triển của công nghệ giúp các thiết bị di động ngày càng trở nên thông minh hơn. Cũng chính vì vậy mà khách hàng đang mong đợi nhiều hơn ở những trải nghiệm trên thiết bị di động.

Việt Nam, hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Do vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện. Cho đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sau đó, ngày 26/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NÐ-CP, đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã triển khai một số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững. Khẳng định rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, một số doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đã đạt những thành quả nhất định, từ đó đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số.

Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho rằng chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng doanh thu cho doanh nghiệp: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể vận hành mọi lúc, mọi nơi.Trước đây, nhân viên khó có thể làm việc tại nhà hay xử lý những việc phát sinh ngoài giờ do không có tài liệu, máy móc tại chỗ. Hiện nay, chúng ta đã có thể làm việc tại nhà với chỉ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, nhờ đó, nhân sự doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Việc tăng năng suất lao động giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian để cải tiến dịch vụ khách hàng. Việc tăng năng suất làm rút ngắn thời gian khách hàng phải chờ đợi để nhận được một sản phẩm hay dịch vụ. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số làm tăng năng suất cũng giúp doanh nghiệp cải thiện dịch vụ rõ rệt hơn. Theo đó, kết quả của việc giảm thiểu chi phí vận hành, tự động hóa quy trình… là sẽ góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Qua đó, với việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm bởi nhiều thách thức. Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số, họ cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí, lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ, lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh…Hầu hết các doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ đủ khả năng chi trả cho sản xuất cơ bản, còn đầu tư lớn cho chuyển đổi số thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được ngay, bởi các vấn đề chi phí, tư vấn, định giá, giải pháp thực hiện… Bên cạnh đó, vấn đề vay vốn ngân hàng cũng gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn ngân hàng, năng lực quản lý dòng vốn.

Tương tự, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho hay, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nhận thức, phụ thuộc vào người đứng đầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài xu thế chung, họ cần phải thay đổi, ứng dụng từ phương thức sản xuất cho đến đầu ra của các sản phẩm. Vì vậy, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện chuyển đổi số, tạo động lực cho họ vì mục tiêu phát triển kinh tế chung. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung chuyển đổi số, thì chính quyền cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng cần được bảo đảm để bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.

Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp trong quá trình chuyển đổi số vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.

Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh :“Việc nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả. Từ đó, xác địnhđịnh hướng, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.

Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong thời gian qua đã liên tục tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhằm bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện IMRIC, Viện IRLPIE và công tác pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM trong năm 2023. Vì vậy, Viện IMRIC và Viện IRLPIE cam kết làm đầu mối để phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số một cách sâu rộng tới các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

 Văn Hải – Mạnh Linh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button