Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Pháp luật không cấm uỷ quyền đòi nợ, các bên có thể thực hiện ủy quyền cho người khác về đòi nợ.

(HNTTO) – Ngay sau đại dịch Covid – 19, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn đối với một số cá nhân, tổ chức. Từ đó, khiến cho chủ nợ cũng gặp khó khăn trong việc đòi nợ, việc trì hoãn thanh toán nợ đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ nợ. Vì vậy, trong thời gian qua đã có không ít vụ việc liên quan đòi nợ sai cách khiến chủ nợ vướng vòng lao lý…

Có thể thấy, trước tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều cá nhân, tổ chức nợ nần, không có khả năng chi trả cho người cho mượn nợ. Khi không có khả năng chi trả, họ trốn tránh trách nhiệm trả nợ của bản thân, dẫn đến việc người cho mượn nợ không thể đòi nợ, gây bất lợi và thiệt hại đến quyền lợi của người cho mượn nợ. Gần đây, một số cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nhờ giải đáp việc uỷ quyền thu hồi nợ ra sao để có thể vừa thu hồi nợ vừa không vi phạm pháp luật.

Để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, các chủ nợ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện đòi nợ đúng theo quy định pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau: Ủy quyền đòi nợ là hoạt động không bị cấm theo quy định của pháp luật, các bên có thể thực hiện ủy quyền cho người khác về đòi nợ.

Trong quan hệ vay tài sản, bên vay có nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận khi đến hạn, việc trả nợ đúng hạn thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, uy tín của bên vay trong quan hệ vay tài sản. Thế nhưng, trên thực tế việc bên vay tài sản vi phạm thời hạn, nghĩa vụ thanh toán khoản vay lại diễn ra vô cùng phổ biến, điều này đã gây ra nhiều thiệt hại cho bên cho vay.

Do đó, trong trường hợp bên vay tiền không chịu thanh toán khoản vay theo thỏa thuận thì bên cho vay có thể ủy quyền cho người khác thay mình đòi nợ?

Căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì giấy ủy quyền đòi nợ được hiểu là sự thỏa thuận của các bên, trong đó bên được ủy quyền (bên đòi nợ thay) sẽ thực hiện các công việc nhân danh bên ủy quyền và nhận thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trước đây, việc ủy quyền đòi nợ có thể được thực hiện thông qua hình thức thuê các đơn vị đòi nợ thuê thực hiện thủ tục đòi nợ hoặc ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt mình thực hiện thủ tục đòi nợ. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thì dịch vụ đòi nợ thuê này đã bị cấm hoạt động. Theo Điều 6 Luật đầu tư 2020 có quy định về ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, trong đó có dịch vụ đòi nợ. Vì vậy, việc tìm đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã không còn hợp pháp theo quy định pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ cấm hoạt động ngành nghề kinh doanh đòi nợ, nghĩa là cấm các cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Pháp luật hiện chưa quy định chi tiết về cấm hoạt động ủy quyền để đòi nợ. Do đó, trên thực tế hoạt động ủy quyền đòi nợ vẫn có căn cứ để thực hiện. Việc ủy quyền đòi nợ sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

Căn cứ theo Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 có quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Hiện nay, Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 và chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thay thế nên có thể hiểu rằng mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có thể hiểu rằng, đòi nợ thuê là hoạt động của người cho vay chuyển giao quyền đòi nợ cho một cá nhân, tổ chức khác thông qua hình thức chuyển giao bằng lời nói hoặc bằng văn bản còn khoản nợ vẫn là của người cho vay. Mua bán nợ là hoạt động mua bán mà bên bán nợ sẽ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ, quyền đòi nợ đối với khoản nợ cho bên mua nợ.

Theo đó, các quy định pháp luật nêu trên, bên cho vay tiền có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện các biện pháp, cách thức hợp pháp để đòi nợ. Sau khi hợp đồng ủy quyền có hiệu lực, trong phạm vi nội dung ủy quyền, bên được ủy quyền sẽ liên hệ, trao đổi, làm việc với bên vay tiền với mục đích để thay mặt bên ủy quyền đòi lại khoản tiền đã cho vay.

Mặc dù vậy, việc ủy quyền cho người khác đòi nợ không đồng nghĩa với việc bên cho vay bị mất quyền của mình đối với bên vay. Trường hợp ủy quyền chỉ là để người khác thay mặt mình thực hiện các thủ tục cần thiết. Do vậy, trong trường hợp bên cho vay muốn tự mình thực hiện đòi nợ thì vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhằm tránh rắc rối và tranh chấp không đáng có xảy ra, giữa các bên nên có sự thông báo, thống nhất về việc đòi nợ.

Trong khi đó, đối với thủ tục ủy quyền nói chung, pháp luật hiện không có quy định phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Các bên có thể tự lập hợp đồng ủy quyền bằng văn bản, có chữ ký của các bên, nội dung ủy quyền đáp ứng theo quy định pháp luật.

Tương tự, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người nào thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Đây là mức phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt của cá nhân. Khi thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Người thực hiện hành vi đòi nợ thuê có thể bị phạt đối với một số hành vi vi phạm như: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn và buộc xin lỗi công khai (điểm a khoản 3, điểm b và c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); Sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các biện pháp khác mà pháp luật không cho phép để tiến hành đòi nợ thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng (điểm d khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Đồng thời, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền tù 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); Gây rối trật tự công cộng có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);…

Đòi nợ thuê mà có những hành vi đe dọa con nợ thì tùy vào tính chất, mức độ của từng vụ việc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội sau: Người đòi nợ có những hành vi xúc phạm nghiệm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2025): Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Người nào xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Người nào xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác mà thuộc một trong các trường hợp sau: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Khi đòi nợ mà có thực hiện hành vi đe dọa giết con nợ thì có thể bị Tội đe dọa giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015): Người có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Người có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này mà phạm tội đối với 02 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đối với người dưới 16 tuổi hay để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Hay có hành vi xâm phạm chỗ ở khi chưa được sự cho phép của chủ nhà thì có thể bị Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017): Người nào thực hiện một trong các hành vi sau: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ hay xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; Người nào thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; gây ảnh xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, những hành động ẩu đả, đánh nhau gây thương tích,…có thể xảy ra khi đi đòi nợ mà có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017)), Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Căn cứ vào Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, bên ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền chỉ trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn ủy quyền sẽ do các bên thỏa thuận với nhau, còn không có thỏa thuận hay pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm từ ngày xác lập việc ủy quyền. Tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015, một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.

Cùng với đó, để đảm bảo có giá trị với bên thứ ba cũng như với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có tranh chấp thì hợp đồng ủy quyền của các bên nên được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Để lập hợp đồng ủy quyền, các bên có thể liên hệ với Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã (phường) để được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ủy quyền đòi nợ là hoạt động không bị cấm theo quy định của pháp luật, các bên có thể thực hiện ủy quyền cho người khác về đòi nợ. Việc ủy quyền này cần tuân thủ quy định pháp luật. Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ hỗ trợ, tham vấn pháp lý để các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thành viên nói riêng sớm thu hồi nợ nhưng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật liên quan, tránh sử dụng các biện pháp, phương thức đòi nợ trái quy định pháp luật./.

Luật sư Phạm Lan Thảo – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button