Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) phúc đáp những trường hợp liên quan đăng ký thường trú, quy định khi sinh con hoặc nuôi con nuôi

(HNTTO) – Mới đây, một số cá nhân và doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến đăng ký thường trú và quy. Định khi sinh và xin con nuôi…Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:

Trong trường hợp như thế nào thì bị xóa thường trú?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 có 9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Người dân cần nắm rõ những trường hợp nào bị xóa thường trú để tránh bị ảnh hưởng không đáng có trong sinh hoạt hàng ngày.

Căn cứ tại Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 quy định, các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú gồm: chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết; ra nước ngoài để định cư; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 35 Luật Cư trú 2020; vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, công dân còn bị xóa đăng ký thường trú trong trường hợp người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.

Đồng thời, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Mặt khác, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, mượn, ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Trong đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan có thẩm quyền cập nhật thông tin cá nhân của người đăng ký trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi bị xóa thường trú thì quyền và lợi ích của người dân sẽ bị ảnh hưởng, người dân sẽ gặp phải bất cập khi thực hiện một số công việc, đặc biệt là các thủ tục hành chính như cấp giấy tờ tùy thân, căn cước công dân, khai sinh cho con, đăng ký kết hôn…Vì lẻ đó, đăng ký thường trú có ý nghĩa rất quan trọng, không những đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân mà còn góp phần phục vụ các nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.

Quy định khi sinh con hoặc xin con nuôi như thế nào?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có quy định: “Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con”. Từ ngày 1-7-2023, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng sẽ là 3,6 triệu đồng cho mỗi con (khi mức lương cơ sở thay đổi từ 1.490.000 đồng sang 1.800.000 đồng).

Tương tự, theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH năm 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ (cả nữ quân nhân) bao gồm: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 31 của luật này (lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền…).

Trong suốt năm 2023 vừa qua, Viện IMRIC đã phối hợp chặt chẽ với Viện IRLIE, giao Trung tâm TTLCC xem hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các buổi toạ đàm khoa học, hội thảo, trả lời trực tiếp và trực tuyến bởi vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em… Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, ngoài vấn đề trọng tâm là tuyên truyền những nội dung cơ bản, các luật sư, luật gia, các tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật của Trung tâm TTLCC còn truyên truyền những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luât Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Bộ Luật hình sự năm 2015, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân của họ, về vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế…Đồng thời, tiếp nhận, tư vấn, giải đáp trực tiếp hàng trăm câu hỏi, đơn yêu cầu tư vấn pháp luật của bà con nhân dân. Nội dung câu hỏi thường xoay quanh những vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự, khiếu nại, đền bù, giải phóng mặt bằng, hộ khẩu, hộ tịch, thủ tục ly hôn. Các luật sư, luật gia, tư vấn viên và cộng tác viên của Trung tâm đã trực tiếp tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật của người dân. Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì trước đó, có những vụ việc rất đơn giản nhưng do không nắm rõ các quy định của pháp luật và trình tự, thủ tục giải quyết nên người dân đã mất nhiều thời gian, công sức liên hệ với nhiều cơ quan để giải quyết nhưng vẫn không đạt kết quả.

Viện IMRIC và Viện IRLIE, tin rằng, thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý của Trung tâm TTLCC, nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân được nâng cao, giúp người dân tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong đời sống hàng ngày. Hoạt động này cũng được cấp ủy, chính quyền các phương ghi nhận, đánh giá cao và mong muốn thời gian tới, Trung tâm TTLCC thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các địa phương. Mặt khác, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, doanhnghiệp trong thời gian tới, Trung tâm TTLCC tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, doanh nghiệp hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, cac đối tượng chính sách, trẻ em) và nhân dân, doanh nghiệp. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại các địa phương, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button