Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có phạm pháp – Vợ ngoại tình có bị mất quyền nuôi con?

(HNTTO) – Gần đây, một số doanh nghiệp thành viên, người dân đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) quan tâm việc nam, nữ sống chung (sống thử) với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì có vi phạm pháp luật không hoặc sống với nhau được 10 năm, có con chung với nhau nhưng bị phát hiện vợ mình ngoại tình liệu ngừoi ngoại tình có bị mất quyền nuôi con hay không?

Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm xin trả lời về hai việc nêu trên, cụ thể như sau:

Chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có phạm pháp hay không?

Ngày nay, xã hội càng phát triển khiến quan niệm về hôn nhân và gia đình thoải mái hơn. Tình trạng chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn ngày càng phổ biến.

Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nêu chung sống như vợ chồng (sống thử) là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Theo đó, được chứng minh bằng việc họ có đời sống sinh hoạt chung; có tài sản chung; có con chung với nhau và được mọi người xung quanh thừa nhận là vợ chồng.

Căn cứ theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cấm các hành vi sau: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Yêu sách của cải trong kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính; Bạo lực gia đình; Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Do vậy, trường hợp hai bên nam nữ không tồn tại quan hệ hôn nhân, không đăng ký kết hôn mà sống chung (sống thử) như vợ chồng thì pháp luật không cấm và sẽ không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc kết hôn là tự nguyện chứ không có quy định sống chung thì phải đăng ký kết hôn. Khi trường hợp rơi vào các hành vi cấm như trên thì sẽ vi phạm pháp luật.

Vợ ngoại tình có bị mất quyền nuôi con?

Ngoại tình là việc một người đã kết hôn, đã có vợ hoặc chồng nhưng lại có tình cảm hoặc sống chung như vợ chồng với người khác, đó là hành vi không chung thủy trong hôn nhân.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác… Điều đó đồng nghĩa ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật chỉ công nhận quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng.

Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Theo đó, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định…

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Vì lẻ đó, pháp luật hiện chưa có quy định về trường hợp vợ/chồng ngoại tình thì sẽ không được quyền nuôi con. Việc giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn sẽ dựa vào quyền lợi của con và được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Qua đó, nếu như vợ/chồng ngoại tình nhưng vẫn có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt thì vẫn có thể được quyền nuôi con và ngược lại.

Như vậy, nếu vợ, chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp có quyền nuôi con như trường hợp nêu trên, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn thì tòa sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con đã được bảy tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình, kiến thức về giới, về quyền của phụ nữ, sức khỏe tình dục, sức khoẻ sinh sản; kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình,  giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Tư vấn những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho công dân Việt Nam; Tư vấn, giúp đỡ người nước ngoài tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam; Cấp giấy xác nhận cho công dân Việt Nam sau khi đã được tư vấn, bồi dưỡng theo quy định. Hợp tác với Tổ chức Di dân Hàn Quốc tổ chức lớp sơ cấp tiếng Hàn, kiến thức về phong tục, tập quán, văn hoá, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về nhập cư cho nữ công dân Việt Nam kết hôn di dân. Giúp đỡ các bên kết hôn tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của mỗi bên và các vấn đề khác liên quan mà các bên yêu cầu, tạo điều kiện để họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tư vấn, hỗ trợ, hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật./.

Ông Phạm Trắc Long – CVP Viện IMRIC, PGĐ Trung tâm TTLCC

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button