Nghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Dù bị hại không khởi kiện nhưng vẫn có thể khởi tố đối vụ hành hạ dã man trên tàu cá tại Cà Mau

(HNTTO) – Liên quan đến việc hành hạ dã man thuyền viên xảy ra từ tháng 5/2022. Theo đó, các đối tượng hành hạ người khác cần phải bị xử lý, trừng trị theo quy định pháp luậtngười bị hại không đề nghị xử lý hình sự.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh người đàn ông mặt sưng húp, chảy máu đang bị nhóm người khác hành hạ bằng cách dùng kìm bấm vào môi, ngón tay và hạ bộ… mặc cho nạn nhân đau đớn thét lên, van vỉ xin tha. Sự việc được cho là xảy ra trên một tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang đang hoạt động ngoài biển.

Nạn nhân bị một nhóm người lấy kìm bấm vào ngón tay cái. (Ảnh cắt từ clip)

Theo các cơ quan truyền thông, truyền hình đưa tin, vụ việc xảy ra từ tháng 5/2022, lực lượng chức năng xác định có 2 người bị hành hạ là Trương Văn Trung (47 tuổi) và Lê Văn Bình (38 tuổi). 2 bị hại đã tới Công an thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trình báo vụ việc bị đánh gây thương tích trên ghe biển, nhưng không yêu cầu xử lý hình sự mà chỉ yêu cầu bồi thường. Sau đó, 2 bên tự thỏa thuận; chủ tàu và người đánh đã bồi thường cho các nạn nhân.

Theo các cơ quan truyền thông đưa tin, ông Trung bị các đối tượng Nguyễn Công Toàn (con ruột chủ tàu – tài công), Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Hùng (thuyền viên) đánh gây thương tích. 3 người này đã dùng kìm bấm vào ngón tay, bẻ gãy 04 cái răng, đánh dập môi và gối chân phải. Còn anh Bình bị các đối tượng Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải, gãy một cái răng. Nạn nhân đều không dám nói tên người đánh. Sau đó, các đối tượng này hăm dọa nạn nhân không được khai báo khi tàu cập bờ.

ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn, Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, nhấn mạnh: “Với các tình tiết, diễn biến sự việc xảy ra theo như các cơ quan truyền thông đưa tin thì hành vi của các đối tượng trên thì theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Do đó, cơ quan điều tra cần đưa người bị hại đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể. Sau khi có kết luận giám định, nếu trường hợp tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại dưới 11%, tuy nhiên các đối tượng thực hiện hành vi có tình tiết định khung là có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm thì vẫn các đối tượng vi phạm vẫn có thể bị khởi tố.

Theo ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn cho rằng, trong vụ việc này, nếu những người bị hại từ chối giám định thì các đối tượng thực hiện hành vi tàn ác trên tàu cần phải được xem xét xử lý về “Tội hành hạ người khác” theo Điều 140 BLHS vì những người bị hại là người làm công, lệ thuộc gia đình đối tượng Nguyễn Công Toàn (con trai chủ tàu cá).

Phân tích thêm, ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn nêu quan điểm: “Với những hành vi mà các đối tượng Toàn, Tỵ, Hùng thực hiện đối với người bị hại theo thông tin báo chí đăng tải thì có thể nhận định rằng, những đối tượng này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác. Vì vậy, cần phải bị xử lý, trừng trị theo quy định của pháp luật, qua đó nhằm đảm bảo tính giáo dục và tính răn đe chung, tránh trường hợp các đối tượng này tiếp tục hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác”.

Trong đó, đáng chú ý là vụ việc đã xảy ra từ tháng 5/2022, sau đó người bị hại đã làm đơn trình báo đến cơ quan có thẩm quyền nhưng lại không đề nghị xử lý hình sự. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại dưới 11% theo quy định của khoản 1 Điều 134 BLHS thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn khuyến nghị sự việc đã lan truyền trên không gian mạng xã hội, như vậy đã thu hút sự quan tâm của người dân. Có thể thấy, việc xử lí chưa triệt để, không tới nơi tới chốn của các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực thi pháp luật, kịp thời trấn áp tội phạm của các cơ quan chức năng. ThS. Hồ Minh Sơn, đề nghị “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần khắc phục, xử lí vụ việc một cách nghiêm túc hơn”…

Bên cạnh đó, ThS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 205 BLTTHS 2015 đối với thương tích, theo thông tin ban đầu thì hai ngư dân bị thương tích ở tai phải, vùng bả vai, bị mất răng…Trong trường hợp cá nhân bị gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe thì phải trưng cầu giám định.

Cùng với đó, kết quả giám định về tỉ lệ thương tật là cơ sở để xác định hành vi của nhóm người trên tàu có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) hay chỉ có dấu hiệu của tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS). Đây cũng là cơ sở để xem xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ThS. Hồ Minh Sơn cho hay.

Thế nhưng, ThS. Hồ Minh Sơn thông tin, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp dẫn giải trong trường hợp “người bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS.

Đặc biệt, sự việc đã diễn ra từ tháng 5 đến nay đã 7 tháng thì các thương tích có thể đã thay đổi. Mặc dù vậy, căn cứ vào hồ sơ bệnh án, dấu vết thương tích…, bằng kiến thức chuyên môn, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, cơ quan giám định hoàn toàn có thể xác định được tỉ lệ thương tật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 thì có chín trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại. Tức, nếu hành vi phạm tội thuộc vào một trong chín trường hợp trên mà không có yêu cầu của bị hại thì không có căn cứ khởi tố vụ án. Điển hình, trong chín trường hợp này có trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 134 BLHS (về tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), ThS. Hồ Minh Sơn cho biết thêm.

Song song đó, trong điều kiện hai ngư dân không yêu cầu xử lý hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định hành vi của nhóm người trên tàu có thuộc khoản 1 Điều 134 hay không. Trường hợp không thuộc khoản 1 Điều 134 thì dù nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự, cơ quan công an vẫn có thể khởi tố vụ án. Nếu không xử lý hình sự thì hành vi của những người tham gia đánh hai ngư dân sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, phạt tiền 5-8 triệu đồng. Ngoài ra, phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và có thể phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015, ThS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

Văn Hải

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button