Doanh nghiệp

Doanh nghiệp tăng chủ động, ngân hàng nâng năng lực thẩm định

(HNTTO) – PGS.TS. Nguyễn Văn Nam (ảnh), Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, cũng như nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác, việc cung cấp gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của mỗi bên, nhưng lợi ích mang lại thì rất lớn để đảm bảo hoạt động kinh doanh thuận lợi, tránh rủi ro.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh 

Ông đánh giá như thế nào về các gói tín dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu được nhiều ngân hàng công bố hiện nay?

– Với sự phát triển của ngành ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đã nhận được nhiều ưu đãi, với các gói tín dụng dành riêng. Việc xây dựng riêng này được các ngân hàng chú trọng, bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế cao, tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ngày càng có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, việc vay vốn như thế nào, hưởng lãi suất ưu đãi ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với những doanh nghiệp ký được hợp đồng dài hạn, lượng hàng xuất khẩu ổn định sẽ cần huy động vốn thì mới sẵn sàng ký vay vốn. Còn với những doanh nghiệp chỉ có hợp đồng ngắn hạn, giá trị không lớn thì sẽ cố gắng sử dụng nguồn vốn sẵn có để duy trì sản xuất. Bởi hiện nay, mức lãi suất ưu đãi mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn cần nhiều điều kiện nhất định, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.

Hơn nữa, lãi suất cho vay vẫn là một khoản chi phí kinh doanh không nhỏ với các doanh nghiệp, trong điều kiện giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, giá dịch vụ vận tải, logistics vẫn ở mức cao do tác động từ những căng thẳng chính trị, diễn biến dịch bệnh, nên việc gánh thêm chi phí lãi vay như thế nào là vấn đề được các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng, để vừa duy trì sản xuất lâu dài vừa có lợi nhuận. Doanh nghiệp nào cũng muốn được vay lãi suất thấp, nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh nên phải tìm được khách hàng tiềm năng, có thương hiệu, có uy tín, có thời gian hoạt động dài và có dòng tiền để trả nợ và mức lãi suất hợp lý với dòng vốn mà ngân hàng huy động được.

Bên cạnh tín dụng ưu đãi, các ngân hàng còn đưa ra các gói giải pháp tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo ông, điều này sẽ tạo thuận lợi nào cho các doanh nghiệp?

– Vụ việc một số doanh nghiệp xuất khẩu điều bị lừa đảo, mất hàng, mất tiền xảy ra thời gian gần đây đã minh chứng cho việc các doanh nghiệp phải tìm được một trung gian thanh toán, giao dịch hợp lý, đúng đắn. Hiện các ngân hàng trong nước đều đã có dịch vụ được thiết kế dành riêng cho hoạt động xuất nhập khẩu như bảo lãnh thanh toán, bảo hiểm tỷ giá, chuyển tiền ngoại tệ… Nhưng giải pháp này sẽ giúp các hoạt động mua bán, giao dịch được ngân hàng đảm bảo, mọi thủ tục đều qua ngân hàng, ngân hàng cũng sẽ nhận nợ và thu hồi nợ cho doanh nghiệp…

Tất nhiên, những nghiệp vụ này từ phía ngân hàng thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải mất thêm chi phí. Nhưng chi phí này vẫn là quá ít nếu so sánh với những thiệt hại, rủi ro có thể gặp phải khi doanh nghiệp tự thực hiện hoặc qua các trung gian, môi giới thiếu uy tín. Chính các cơ quan chức năng những ngày gần đây đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên nâng cao cảnh giác, lựa chọn đối tác tin cậy, đảm bảo, nên việc thực hiện qua các ngân hàng là một giải pháp hữu ích.

Thuận lợi là có, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa coi trọng các gói giải pháp tài chính riêng cho mình, theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp để khắc phục?

– Mức độ chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay còn hạn chế, nguyên nhân do trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa được như các doanh nghiệp tại quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa đề ra được kế hoạch dài hơi, có chiến lược dự phòng hợp lý nên sẽ bị động trước những rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Vì thế, các doanh nghiệp, nhất là những lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng trình độ quản lý, phải có dự báo, kế hoạch dài hạn. Đặc biệt, những người chủ doanh nghiệp phải có sự nhanh nhạy trong việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác. Cùng với đó, các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ, tăng cường năng lực thẩm định để hỗ trợ đúng doanh nghiệp đang có đà phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Minh Chi 

https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-tang-chu-dong-ngan-hang-nang-nang-luc-tham-dinh-162042-162042.html

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button