Doanh nghiệp

Doanh nhân Trần Khắc Tâm có nhiều ý kiến quan trọng tại kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng

(HNTTO) – Doanh nhân Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng (là đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng) đã có nhiều ý kiến quan trọng tại kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Doanh nhân Trần Khắc Tâm phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng ngày 28/2.

Cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 2/2022 mới đây, tại Hội trường Tỉnh ủy Sóc Trăng. Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trần Liên Hưng và là đại biểu HĐND tỉnh này, ngoài việc tham gia biểu quyết đồng ý thông qua 21 dự thảo nghị quyết liên quan đến kinh tế – xã hội, đầu tư công và công tác cán bộ, ông Trần Khắc Tâm còn đóng góp nhiều ý kiến khi thảo luận về các tờ trình, nghị quyết.

Trong đó, ông Trần Khắc Tâm và nhiều đại biểu quan tâm đến khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến bởi dự thảo nghị quyết được ban hành đến lần thứ 9.

Theo quyết nghị, khu vực không được phép chăn nuôi là các phường, thị trấn thuốc huyện, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cũng là nơi không được chăn nuôi. Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi như quy định ở trên.

Đối với những tổ chức, cá nhân đã xây dựng chuồng, trại để chăn nuôi trước ngày nghị quyết có hiệu lực, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cho thời gian di dời ra khỏi khu vực cấm trước ngày 1/1/2025. Đối với nhà nuôi chim yến hoạt động trước ngày nghị quyết có hiệu lực thì được phép tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và không sử dụng loa phóng, phát âm thanh.

Bổ sung cụm từ cần thiết vào Nghị quyết liên quan đến nuôi chim yến

Trước khi dự thảo này được thông qua, đại biểu Trần Khắc Tâm đã đóng góp ý kiến về tính rõ ràng của văn bản để người dân không bị nhầm lẫn giữa vùng chăn nuôi và vùng nuôi chim yến. Chủ tọa kỳ họp đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để bổ sung cho phù hợp.

Theo ông Tâm, sự cần thiết phải xem xét và đưa vào quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới để cho người dân biết chỗ nào được xây nhà yến để dẫn dụ chim yến nhằm phát triển kinh tế cho gia đình của người dân. Khi chúng ta đã thống quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận biết là vùng nào, khu vực nào đã quy hoạch cho phép xây nhà yến để dẫn dụ chim yến và vùng nào, khu vực nào không cho phép xây nhà yến để dẫn dụ chim yến. Đồng thời, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền ở địa phương (là UBND cấp xã) và các cơ quan chuyên môn có liên quan đến ngành chăn nuôi được thuận lợi trong quá trình quản lý trong lĩnh vực này trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ông Tâm chỉ ra rằng tại Điểm a, Khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, đã quy định vùng nuôi chim yến là do UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định. Do vậy, HĐND tỉnh Sóc Trăng đưa ra để thảo luận, xem xét để quyết định ban hành Nghị quyết quy định về vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là sự cần thiết phải thực hiện.

Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng và thực hiện quy định của Nghị quyết, ông Tâm cho rằng cần phải quy định một cách cụ thể và rõ ràng hơn trong nội dung của Nghị quyết, để trong quá trình áp dụng và thực hiện được thống nhất. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết, theo tôi cần bỗ sung cho rõ thêm, như sau: Điểm a: “Các tổ chức, cá nhân có cơ sơ chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thuộc khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 2 Nghị quyết này, trong thời hạn kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 1 tháng 1 năm 2025 phải di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi, trừ Vùng nuôi chim yến quy định tại khoản 2 Điều này”.

Nhà nuôi chim yến tại TP Sóc Trăng sẽ tồn tại nếu xây dựng trước ngày Nghị quyết có hiệu lực.

“Việc tôi góp ý ở trên tức là tại “điểm a, khoản 1 Điều 4” của Nghị quyết mà HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành nên bổ sung thêm cụm từ “trừ vùng nuôi chim yến quy định tại khoản 2 Điều này” để không gây nhầm lẫn giữa quy định về ‘chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi’ với quy định về ‘vùng nuôi chim yến””. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện Nghị quyết, tôi đề nghị cần phải bổ sung “cụm từ” như tôi đã nêu trên vào “điểm a, khoản 1 Điều 4” của Nghị quyết này để cho cụ thể và đầy đủ hơn. Việc này đã được chủ tọa kỳ họp đổng ý”, ông Tâm nói.

Tìm hướng tháo gỡ kiềm hãm tốc độ phát triển kinh tế – xã hội

Ngoài tờ trình liên quan đến vùng nuôi chim yến, đại biểu Trần Khắc Tâm còn góp ý tờ trình 21/TTr-UBND ngày 23/2/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022. Theo ông Tâm, bên cạnh một số nguồn, chúng ta giải ngân đạt cao, vẫn còn một số nguồn giải ngân chậm. Cụ thể: Nguồn vốn xổ số kiến thiết thu vượt dự toán năm 2020 (không bao gồm vốn bố trí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), mới giải ngân được 18,7% kế hoạch. Tương tự, nguồn vốn xổ số kiến thiết thu vượt dự toán năm 2019, cũng mới đạt 40,25% và nguồn thu tăng ngân sách tỉnh năm 2020 từ kết dư năm 2019 cũng đạt 71,25%…

Do kết quả giải ngân chậm, chúng ta phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 các nguồn vốn ngân sách địa phương.

Theo đó, tổng vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 là gần 405 tỷ đồng. Trong đó, nguồn cân đối ngân sách địa phương và thu tiền sử dụng đất là 69 tỉ đồng (làm chẳn); nguồn xổ số kiến thiết là gần 55 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết thu vượt dự toán năm 2020 là trên 79 tỷ đồng…

Theo nội dung tờ trình thì có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm.

Qua theo dõi nhiều năm, ông Tâm thấy rằng một trong những nguyên nhân mà lúc nào chúng ta cũng nêu ra. Đó là năm nào cũng nhắc lại do giải phóng mặt bằng khó khăn, vướng mắc. Trong đó phổ biến nhất là tình trạng khiếu nại về giá bồi thường, người dân không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.

“Ông bà xưa có câu rằng: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước khi trách người dân, tôi nghĩ, chúng ta cần xem lại khâu giải phóng mặt bằng các dự án, công trình của mình có thực hiện minh bạch, công khai chưa? Có thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định hay không? Đặc biệt, khi xuất hiện ý kiến trái chiều, khiếu nại, chúng ta có làm tốt công tác dân vận chưa, có giải thích, tuyên truyền đủ lâu, đủ kiên nhẫn chưa?  Tôi nghĩ, nếu làm tốt công tác này, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân. Mà một khi dân đã đồng thuận rồi, dù khó cũng trở nên dễ dàng hơn”, ông Tâm chia sẽ tại nghị trường.

Ông Tâm còn đặt vấn đề về giải phóng mặt bằng, có địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Tôi để nghị chúng ta tổ chức học tập, rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm hay.

Doanh nhân Trần Khắc Tâm trong một lần đóng góp ý kiến tại Kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng

“Hiện Chính phủ thực hiện quy định nếu địa phương nào giải ngân vốn đầu tư công chậm, thì điều chuyển vốn này sang địa phương khác và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ tỉnh ta cũng nên vận dụng quy định này. Vì nếu không, cũng chẳng ai bị xử lý, kiểm điểm, gây lãng phí nhiều thứ, làm kiềm hãm tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương và phúc lợi khác cho người dân”, vị đại biểu HĐND tỉnh nói.

Hàm Yên

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button