Sáng tạo đoàn làm phim 0 đồng của NSND Việt Anh
(HNTT) – Mới đây, trong một buổi sáng sớm – đạo diễn Lê Ngọc Tưởng và trợ lý Tài Đặng cùng dàn diễn viên trẻ đẹp đã đứng trước cửa quán cà phê HUB số 82, đường Thạch Lam, quận Tân Phú để đoàn phim “Việt Anh Chanel” chuẩn bị bấm máy…
Đạo diễn Ngọc Tưởng khó tính mà các diễn viên trẻ hay gọi thân mật là “Dượng” hẹn hò 8 giờ sáng bấm máy mà mới 6 giờ anh đã có mặt. Lũ lượt dàn nghệ sĩ trẻ của lớp nâng cao khóa 1 Sân khấu kịch Hồng Vân nhảy vào bàn hóa trang và nhanh chóng thay phục trang để kịp bấm máy cả chục tiểu phẩm với nhân vật chính lão làng NSND Việt Anh.
Cách làm mới của đoàn phim 0 đồng
Hơn nửa năm mùa dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã phá bĩnh, sân khấu Sài Gòn đóng cửa im ỉm, nghe nói gần Tết Nguyên đán cho phép diễn lại, ai cũng mừng rơi nước mắt. Nhưng trong vài tháng qua, rất nhiều diễn viên trẻ phải vật lộn với cuộc mưu sinh khốn khó. Thật lạ chưa ai nghĩ đến khả năng bỏ nghề.
Ông thầy già Việt Anh thương học trò vất vả, mới khai sinh một đoàn làm phim, chủ yếu làm những tiểu phẩm ngắn giàu ý nghĩa về mọi mặt của đời sống, như nói thay cho bài học của tình thương giữa người với người.
Phải ghi hình đến gần Noel, kênh mạng xã hội “Việt Anh Chanel” mới chính thức ra mắt khán giả, nên có bao nhiêu nghệ sĩ trẻ “cây nhà lá vườn”, NSND Việt Anh gom về, chắt chiu từng cú máy cho serie phim Chuyện Tử Tế, cho khi trình làng phải tử tế với người xem.
Ngọc Tưởng tốt nghiệp đạo diễn Sân khấu điện ảnh bằng đỏ hẳn hoi, miệt mài học lên thạc sĩ, bận bịu đi quay phim, tập kịch túi bụi vẫn tình nguyện dàn dựng các tiểu phẩm với thù lao… 0 đồng. Gần 20 diễn viên trẻ tự chạy xe máy đến điểm hẹn, tự giúp ủi quần áo cho nhau, tự mua son phấn tô điểm cho mặt mày sáng láng, tự mày mò tìm phục trang cho loạt phim ngắn, quay cả ngày từ sáng sớm đến tốt mịt: 0 đồng.
Nhóm hậu đài và quay phim trẻ của Đổng Tường mua sắm máy móc hiện đại đến nỗi nghèo rớt mồng tơi cứ nài nỉ thầy Việt Anh không nhận tiền. Diễn viên quần chúng: 0 đồng. Diễn viên Lê Phúc Hậu chưa có vai diễn trong ngày cũng chạy lăng xăng lo hậu cần cho đoàn phim. Vợ chồng nhiếp ảnh gia Vũ Hoàng Nam kiêm luôn cả những việc không tên miễn phí. Trang điểm Minh Quân chăm chút từng đôi má hồng, môi thắm, từng sợi tóc mượt mà nhất cho diễn viên.
Dĩ nhiên, nghệ sĩ gạo cội Việt Anh cũng chẳng có đồng nào, lại còn bỏ tiền túi lo cho học trò cơm nước. Ông kể, bữa đi quay ai cũng mệt nhoài, đưa tiền cho đứa học trò lo bếp núc, nó nấu canh gì không có một miếng thịt, miếng cá, chỉ có rau. Sợ thầy tốn tiền. Trời đất, tiết kiệm gì mà “trùm sò” dữ.
Bà chủ quán cà phê HUB nghe nhà báo Lữ Đắc Long kể khó kể khổ sao đó, thương mến ngỏ lời mời cả đoàn làm phim ngộ nghĩnh 0 đồng của NSND Việt Anh về cafe 3 D có phòng triển lãm tranh của mình lo cho bối cảnh quay, mời cả cơm nước ngày hai buổi. Dĩ nhiên vẫn là 0 đồng.
Đổi mới sáng taọ trong nghệ thuật của thầy trò Việt Anh
Ngồi nhâm nhi cà phê ngắm tranh 3D nghệ thuật treo tường ở HUB chờ đến lượt diễn, nghệ sĩ Việt Anh chăm chú kỹ học trò Ngọc Tưởng đang cầm chiếc bộ đàm liên tục chỉ đạo diễn xuất từng chút một. “3-2-1 diễn… các em quay lại, quay lại, diễn lại diễn lại,…OK, OK” – Tưởng cuộn mình trong cuộc chơi của các bạn trẻ.
Mấy nhỏ rất ngại Dượng Tưởng khó tính, bắt quay đi quay lại mê mải, chỉ mỗi lần nghe tiếng OK OK mới thở phào nhẹ nhõm. NSND Việt Anh nhả khói thuốc trầm ngâm: “Tưởng của mình làm nghề đúng nghĩa là một cuộc chơi nghệ thuật. Tưởng là một diễn viên gạo cội, lại học hành đạo diễn đến nơi đến chốn, mấy bạn diễn trẻ cơ duyên gặp Tưởng là sướng lắm! Nó cầm tay chỉ việc cho từng chút một, mai mốt không giỏi mới lạ.
Tưởng cho các em thấy làm đúng chất nghề không bao giờ dễ dàng. Diễn chưa đạt là diễn lại, cho đến khi nào ưng ý mới thôi. Người ta thông thường đặt hàng đạo diễn mỗi ngày phải quay bao nhiêu cảnh, bao phiêu phút, trả cho bao nhiêu tiền, cứ thế mà làm, áp lực dữ lắm. Tưởng của mình khác. Cú máy nào phải ra cú máy đó. Làm phim ngắn mà làm dừ dằn, cứ như phim điện ảnh. Diễn viên mà diễn không thật, Tưởng nhìn biết ngay. Tưởng không dễ dãi”.
Mỗi tiểu phẩm có vài phút, 3 hay 5 phút, dài nhất chắc cỡ 10 phút, vậy mà Dượng bắt mấy bạn trẻ diễn cả chục lần, hiếm khi thấy “một phát ăn ngay”. Cả ngày quần quật trên phim trường ở HUB, cả đoàn tính ra mới chỉ quay có 4 tiểu phẩm.
Ngồi chờ đến vai, ông thầy Việt Anh kể chuyện tiếu lâm cho học trò cười vui. Có lúc ông nghiêm nghị phát sợ, chỉ ra từng lỗi nhỏ của diễn viên, đứa nào cũng ngồi nghe há hốc. Ông kể hồi mình cỡ hai mấy tuổi như mấy đứa, ông tìm tòi học nghề diễn miệt mài, rảnh chút là chạy ra các sân khấu kịch quần chúng ở nhà văn hóa phường, quận xem rồi tự rút ra bài học cho riêng mình. Giờ ít khi thấy ông khen ai, chắc sợ học trò nghĩ mình giỏi mà tự mãn. Rồi ông lại cười tủm tỉm: “Tụi nhỏ khổ quen rồi, có khi sướng quá lại chịu không được”.
Giữa trưa nắng vật vã, đạo diễn Tưởng quần sọt áo sơ mi vắt chân nằm sóng soài trên vỉa hè chỉ đạo tay máy lia ống kính đi từ dưới lên, làm đi làm lại mấy lần. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên gương mặt Dượng điển trai một vợ hai con, nhỏ long tong xuống đất. Tưởng làm trò vui vẻ bắt chéo chân qua lại, cắt kéo trong một động tác kỹ thuật của bóng đá, cứ như lúc anh ghi bàn cho đội bóng đá Hữu Nghị Sài Gòn mà anh hay chơi mỗi cuối tuần vậy.
Chia sẻ của NSND Việt Anh về loạt phim Chuyện tử tế
Mùa Giáng Sinh này, tôi sẽ trình làng một loạt tiểu phẩm hay trên các nền tảng mạng xã hội, những câu chuyện tử tế, về người tử tế, tạm gọi là kênh “Việt Anh và chuyện tử tế”. Mỗi tác phẩm là một phác họa về những lát cắt của cuộc sống đời thường, đâu đó gần gũi, ta bắt gặp hàng ngày. Nhưng câu chuyện nhỏ thôi, mà ý nghĩa lớn. Tôi diễn với các học trò của mình, với bàn tay đạo diễn tài hoa của nghệ sĩ Ngọc Tưởng.
Thật ra, tôi muốn giúp các em đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Hơn cả năm qua chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, đời sống mọi mặt xã hội mỏi mệt, sân khấu ngắc ngoải. Học trò tôi phải yêu nghề lắm, mới dám đeo đuổi với khao khát một ngày nào đó sân khấu trở lại thời hoàng kim.
Khi chờ ngày đó trở lại, tôi muốn giúp các em sống ổn trong cuộc mưu sinh khốn khó này. Thầy mong sẽ không thấy các trò mỗi ngày phải lăn lóc đi làm đủ thứ nghề không tên, đội mưa sụt sùi, giang nắng bụi bặm trên các vỉa hè, bán từng ly cà phê mướn cho người ta; Có đứa đi phụ bán quán, bán hàng online kiếm từng đồng lẻ; Có đứa nhịn ăn, ngày nào cũng mì gói… tội lắm!
Theo Lữ Đắc Long/Bestlife.net.vn