Hướng nghiệp cho học sinh qua câu lạc bộ sở thích
(HNTTO) – Để đạt được mục tiêu dạy và hỗ trợ hướng nghiệp hiệu quả, nhiều trường phổ thông đẩy mạnh sức thu hút của mô hình câu lạc bộ.
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa tham gia câu lạc bộ STEM. Ảnh: NTCC
Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ sở thích, học sinh sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân mong muốn trong tương lai. Điều này giúp các em chủ động, có kế hoạch học tập rõ ràng trong những năm cuối cấp.
Phát huy vai trò câu lạc bộ sở thích
Nhiều năm trở lại đây, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) đã đẩy mạnh tổ chức mô hình hoạt động của các câu lạc bộ để lôi cuốn học sinh tham gia nhằm phát triển năng lực, sở trường cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em.
Các câu lạc bộ được thiết kế nội dung sinh hoạt theo chủ đề. Các chủ đề sẽ được lồng ghép kiến thức vềnghề nghiệp của từng lĩnh vực khác nhau để học trò tìm hiểu dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô.
Bà Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các câu lạc bộ thành lập không chỉ là nơi sinh hoạt đội nhóm, cho học sinh vui chơi thư giãn mà chúng tôi còn hướng đến ý nghĩa hướng nghề nghiệp, tạo môi trường cho các em bộc lộ sở thích và phát triển năng lực.
Ví dụ, với câu lạc bộ STEM Robot, tại đây học trò sẽ được thoải mái học hỏi, nghiên cứu về robot, lập trình… Những em nào có đam mê với lĩnh vực công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học… đều có thể tham gia. Từnhững hoạt động cần thiết này học sinh định hình ước mơ về nghề nghiệp tương lai cho bản thân.
Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể lựa chọn các trường đại học, cao đẳng có ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật… để tiếp tục con đường học vấn. Và những kiến thức mà các em đã trải nghiệm ở câu lạc bộ phần nào đó làm nền tảng khi bước vào môi trường đại học, có thể giúp học sinh lường trước những thuận lợi và khó khăn, tự tin, chủ động đối mặt với thử thách của ngành nghề mình theo đuổi”.
Bên cạnh việc tạo ra một môi trường sinh hoạt theo hướng mở, các câu lạc bộ còn hỗ trợ học sinh trong quá trình lựa chọn tổ hợp môn học. Tại Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) ông Lê Hữu Hân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Học sinh tham gia các câu lạc bộ trong trường sẽ được khơi dậy đam mê, giúp các em lựa chọn tổ hợp môn học sát với năng lực hơn. Thông qua các môn tổ hợp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai, từ đó xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân và khắc phục được những hạn chế đang tồn tại”.
Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Do đó các câu lạc bộ học thuật trong trường học sẽ là môi trường khá thuận lợi để các em ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế.
Ông Lê Hữu Hân đưa ra ví dụ: “Những học sinh theo tổ hợp Khoa học tự nhiên ở trường chúng tôi có thểtham gia câu lạc bộ Vật lý, Sinh học. Các em đăng ký sinh hoạt tại đó cùng nhau trao đổi học thuật, ôn tập sau buổi học chính khóa. Trong bầu không khí thoải mái, lại được hợp tác làm việc theo cách phân nhóm học sinh nên thầy cô cũng dễ dàng gần gũi, nắm bắt được tâm tư tình cảm cũng như sở thích của học sinh đểđưa ra những lời tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu về nghề nghiệp để định hướng sao cho phù hợp với năng lực của các em hơn”.
Hướng nghiệp sớm thông qua câu lạc bộ
Giáo dục hướng nghiệp sớm luôn được ngành Giáo dục chú trọng thông qua việc chỉ đạo dạy học môn Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: “Đối với các khối lớp hoạt động Chương trình GDPT 2018, chúng tôi khuyến khích các trường kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp, tổ chức thật tốt và sinh động các mô hình câu lạc lạc bộ, thu hút được nhiều học sinh tham gia.
Qua những hoạt động chuyên đề, những nội dung cụ thể, các em đã được nâng cao nhận thức về vai trò của định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân và gia đình”.
Bản chất của câu lạc bộ giúp học sinh có cơ hội được phát triển năng lực, khả năng tư duy, khám phá sở thích và đam mê của mình ngoài các môn học. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ này cung cấp nền tảng để học sinh tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực các em quan tâm, trau dồi đam mê, bổ trợ thêm về thế mạnh mà học sinh có.
Ngoài ra thông qua các hoạt động trong câu lạc bộ, học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tìm ra nhiều hướng giải quyết vấn đề, mở rộng giao tiếp và có các cơ hội tìm hiểu về nghề nghiệp liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Phenikaa School cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng xây dựng nội dung hoạt động của câu lạc bộ trong trường học. Thông qua các câu lạc bộ, học sinh sẽ được tự tổ chức các sựkiện, cuộc thi hoặc hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Chúng tôi mong muốn giúp học sinh được tiếp xúc, cọ sát với các tình huống thực tế, hiểu biết sâu sắc về các nghề nghiệp mà các em mong muốn theo đuổi, từ đó xây dựng kế hoạch hành động cho tương lai, quyết tâm, nỗ lực để đạt được mục tiêu đó”.
“Nếu các nhà trường làm tốt công tác hướng dẫn, tư vấn nghề nghiệp sẽ giúp học sinh xác định được động cơ học tập đúng đắn, có được định hướng việc chọn ngành nghề trong tương lai, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho địa phương”, bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn chia sẻ.
Văn Đức
https://giaoducthoidai.vn/huong-nghiep-cho-hoc-sinh-qua-cau-lac-bo-so-thich-post663106.html