Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Cho con nuôi sau khi sinh, chồng có quyền đơn phương ly hôn – Chồng mất, vợ có được hưởng thừa kế tài sản của gia đình chồng?
(HNTTO) – Sáng ngày 27/05/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được nhiều điện thoại của một số doanh nghiệp thành viên và người dân. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân rất quan tâm như sau: Sau khi sinh xong, vợ đồng đồng thuận cho đứa trẻ làm cho nuôi. Trong trường hợp này người chồng có quyền đơn phương ly hôn ngay sau khi hoàn tất thủ tục cho nhận con nuôi?. Đồng thời, khi chồng mất, vợ có được hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ chồng để lại hay không?
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Cho con nuôi sau khi sinh, chồng có quyền đơn phương ly hôn
Ảnh minh hoạ
Trong Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về việc chồng không có quyền ly hôn trong thời gian vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Thế nhưng, trong trường hợp vợ sinh con xong thì do hoàn cảnh nên 6 tháng sau, gia đình đã quyết định gửi cho gia đình khác làm con nuôi. Vậy trong trường hợp này thì người chồng có quyền xin ly hôn không?
Căn cứ theo quy định tại điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Luật xác định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Do đó, cũng như kết hôn, ly hôn cũng là quyền của mỗi bên hoặc cả hai bên trong quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, việc ly hôn dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Tòa án giải quyết cho ly hôn dựa trên cơ sở hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi bên, đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ và của trẻ em. Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã xây dựng những quy định thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, trong đó có các quy định về những trường hợp không được ly hôn.
Theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong một số trường hợp để thực hiện quyền ly hôn của một bên, pháp luật quy định điều kiện cụ thể. Về vấn đề ly hôn trong thời gian thai sản của người vợ, quy định như sau: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Căn cứ để pháp luật đưa ra quy định trên là thực hiện nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình được nêu trong điều 2 của Luật này. Qua đó, nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 (được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24 tháng 4 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Tại khoản 2, điều 2 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau: “Sinh con” quy định tại khoản 3 điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi; Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con; Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Do vậy, trong trường hợp này, dù vợ chồng đã đồng thuận làm thủ tục cho con mới sinh làm con nuôi thì người vợ vẫn được xác định đang trong thời gian sinh con. Do đó, người chồng không có quyền đơn phương ly hôn khi cháu bé được sinh ra nhưng cho làm con nuôi được 12 tháng tuổi.
Chồng mất, vợ có được hưởng thừa kế tài sản của gia đình chồng?
Ảnh minh hoạ
Thừa kế có hai hình thức đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Cha mẹ chồng của bạn không để lại di chúc thì tài sản của cha mẹ chồng bạn sẽ được chia theo pháp luật.
Căn cứ tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Do đó, tài sản của ba mẹ chồng sẽ được chia đều cho chồng bạn và em chồng.
Khi chồng mất, hàng thừa kế thứ nhất của chồng bao gồm người vợ và các con (nếu có). Vì lẽ đó, người vợ và các con được hưởng phần tài sản thừa kế của chồng, bao gồm phần tài sản của chồng trong khối tài sản chung do hai vợ chồng tạo lập, tài sản riêng của chồng (nếu có) và phần tài sản do chồng được thừa kế từ cha mẹ chồng.
Trong trường hợp này, người vợ nên trao đổi với em chồng về việc được hưởng và chia thừa kế liên quan đến tài sản của cha mẹ chồng. Nếu thỏa thuận được thì hai bên làm thủ tục kê khai di sản thừa kế để nhận phần tài sản của mình đáng được hưởng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì người vợ nên khởi kiện ra tòa, khi đó tòa sẽ giải quyết tranh chấp thừa kế đối với di sản thừa kế là đất và nhà để xác định phần tài sản mà mỗi bên được hưởng.
Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC mong muốn thông qua việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, các luật gia, luật sư và các tư vấn viên pháp luật sẽ làm tốt công tác truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật hôn nhân, gia đình; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống buôn bán người, bình đẳng giới; những tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; các quy định về xử phạt hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xây dựng nếp sống văn minh…Tham vấn pháp lý là việc làm thương xuyên và Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC cũng đã dành thời gian để trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến công tác gia đình của các doanh nghiệp thành viên và người dân.
Bằng việc kể lại các câu chuyện mà luật sư của Trung tâm TTLCC tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của người dân…Song song đó, việc trả lời trực tuyến và trực tiếp thể hiện sự mong muốn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho Nhân dân và doanh nghiệp về trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng gia đình và xã hội ngày càng phát triển, văn minh, hạnh phúc./.
Văn Hải