Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định – Cho bạn mượn xe nhưng bị giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn, ai đến nhận xe?

(HNTTO) – Vừa qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của một số người dân và doanh nghiệp thành viên. Xin hỏi pháp luật hiện nay quy định xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định sẽ bị phạt như thế nào?. Người đến nhận lại xe vi phạm có thể là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có xe bị tạm giữ.

Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể như sau:

Xe ô tô 7 chỗ chở quá số người quy định sẽ bị phạt thế nào?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Căn cứ tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.

Do đó, xe ô tô 7 chỗ được chở không quá 8 người (bao gồm luôn người lái). Trường hợp trên xe ô tô 7 chỗ có từ 9 người trở lên thì sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá, nhưng tổng số tiền không vượt quá 75.000.000 đồng.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng với trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện; Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng với trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt; Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo các hình thức trên hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông như sau: Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức 2 và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp; Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả; Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Cho bạn mượn xe nhưng bị giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn, ai đến nhận xe?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP thì người đến nhận lại xe vi phạm có thể là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có xe bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm. Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận lại xe thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật.

Về việc giao xe của mình cho người khác, trong trường hợp chủ xe biết rõ người bạn của mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện (không có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn …) mà vẫn cho mượn thì tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả mà chủ xe có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ quy định tại điểm đ Khoản 5, điểm h Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) quy định mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.

Ngoài ra, nếu là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thì mức phạt là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đặc biệt, bị truy cứu đến 7 năm tù, nếu hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông gây tai nạn, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ với mức hình phạt cao nhất.

Nhằm thực hiện tốt kế hoạch số 2485/KH-ĐA ngày 01/4/2013 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp…Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xã hội và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thường xuyên tổ chức trả lời trực tuyến và trực tiếp về “Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông”.

Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, học sinh nhưng phải dựa trên nội dung tuyên truyền phải thiết thực và bổ ích, thực sự giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

Chương trình tuyên truyền pháp luật bằng hình thức trả lời trực tuyến, trực tiếp và trên các trang tin, trang mạng xã hội trực thuộc Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC được thể hiện sinh động với nội dung phù hợp với sở thích, tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tư vấn viên ở Trung tâm TVPL giới thiệu cụ thể, sinh động và cặn kẽ về những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các hình thức xử lý hành chính, xử lý hình sự. Qua việc tuyên truyền này, người dân và doanh nghiệp sẽ được trang bị nhiều kiến thức pháp luật thực tế và rất bổ ích để thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ – đó chính là mong muốn của những người thực hiện chương trình này. 

Chia sẻ về việc này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm TTLCC cho rằng hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được chúng tôi luôn chú trọng tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau với các nội dung phong phú, phù hợp với kiến thức và tâm lý của người dân và doanh nghiệp để dễ dàng nắm bắt những quy định cơ bản của pháp luật. Sau thành công của các buổi hỗ trợ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật này, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm sẽ thường xuyên rút kinh nghiệm và củng cố, bổ sung các nội dung phù hợp với từng thắc mắc của người dân để từ đó có kế hoạch phối hợp để xây dựng chương trình tuyên truyền pháp luật, tiến tới thực hiện định kỳ hoạt động này tại các địa phương trên cả nước, các trường đại học, các cấp Đoàn...

 Văn Hải

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button