Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Đòi nợ không đúng cách sẽ bị chế tài hình sự
(HNTTO) – TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng, đã có không ít trường hợp chủ nợ đã vướng vòng lao lý vì đòi nợ sai cách (vi phạm pháp luật), con nợ (người vay) lại trở thành bị hại trong các vụ án…
Đòi nợ sai cách có thể dính vào vòng lao lý. Tranh minh họa/Thanhnien.com.vn
Trong suốt những năm qua, đã có không ít vụ việc liên quan đòi nợ sai cách khiến chủ nợ vướng vòng lao lý với các tội danh phổ biến như: Cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, hủy hoại tài sản…và con nợ lại “bỗng dưng” trở thành bị hại trong các vụ án này khiến cho việc đòi nợ của các chủ nợ ngày càng trở nên bế tắc…
Cụ thể, trong phiên xử phúc thẩm, TAND TP.HCM mới đây đã tuyên y án sơ thẩm của TAND quận 6 tuyên phạt người chồng là bị cáo N.H.H 7 năm tù giam, vợ là bị cáo Đ.T.K.T 4 năm tù giam và em vợ là bị cáo N.T.T 6 năm tù giam vì phạm tội cướp tài sản. Hay như, trong phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông ngày 14/11/2023 đã đưa ra xét xử công khai đối với bị cáo N.K.P sinh năm 1970 9 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 của Bộ luật Hình sự…
Ông Hồ Minh Sơn thường xuyên trực tiếp tham vấn pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp và người dân qua điện thoại và trực tiếp
Theo ông Hồ Minh Sơn phân tích trong trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì nếu giải quyết tranh chấp phát sinh này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự. Các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Mặc dù vậy, nhiều chủ nợ đã vướng lao lý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng…
Cùng theo ông Sơn cho rằng, kết cục của những hành vi “đòi nợ trái pháp luật” có thể dẫn đến từ chủ nợ bỗng vướng lao lý, con nợ thành bị hại. ‘Do đó, người dân, doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo khi đi đòi nợ tránh gặp bất lợi, rủi ro pháp lý’. Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định, nếu người vay tài sản vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản, nhưng có các dấu hiệu như: Chiếm đoạt (không trả lại) tài sản đã được giao bằng thủ đoạn gian dối; không trả lại tài sản được giao khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả; đã sử dụng tài sản được giao vào mục đích bất hợp pháp, thì người cho vay tài sản (chủ nợ) hoàn toàn có đủ cơ sở để tố giác hành vi của người vay nợ lên cơ quan công an về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Có thể thấy, ở hai vụ án hình sự nêu trên thì chủ nợ, người chủ hùn hạp làm ăn là người thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài bị xử lý bởi chế tài hình sự còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường về dân sự do có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân (là con nợ). Đồng thời, trongtrường hợp nạn nhân có dấu hiệu thông qua quan hệ vay mượn hợp pháp mà cố ý chiếm đoạt tài sản của người bị buộc tội (là chủ nợ) thì có thể cơ quan tố tụng sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người vay tài sản về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định pháp luật.
Theo TS Hồ Minh Sơn khuyến nghị, hành động dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực đối với con nợ để gây sức ép cho họ trả nợ là không được phép, trái với pháp luật. Không ít trường hợp vì tức giận, vì muốn đòi nợ nhanh, chủ nợ đã thuê xã hội đen đến tận nhà con nợ đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền…Tuy nhiên, việc làm này không những không hiệu quả mà còn khiến họ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cưỡng đoạt tài sản…Vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp khi thu hồi nợ không được có những biện pháp tiêu cực, xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con nợ, thay vào đó hãy giữ bình tĩnh để thỏa thuận với nhau về cách thức thanh toán nợ. Nếu không thống nhất được thì nên lựa chọn cách thức đòi nợ mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đúng pháp luật: tố giác đến cơ quan công an nếu có dấu hiệu hình sự hay khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền yêu cầu họ trả nợ, ông Sơn phân tích thêm.
Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay tài sản. Tại Điều 119 thì việc vay mượn có thể được các bên lập thành văn bản hoặc thông qua lời nói, hành vi cụ thể về hình thức hợp đồng. Căn cứ quy định tại Khoản 1, 3 Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015, vào thời gian và địa điểm mà các bên đã thỏa thuận, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ về số lượng và chất lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận, người cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác. Cùng với đó, người cho vay có quyền truy thu nợ nếu bên vay quá hạn trả nợ, ông Sơn dẫn chứng…Căn cứ theo Khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 466 quy định về các nghĩa vụ cơ bản của bên vay là phải trả đủ tiền khi đến hạn cùng một số quy định về địa điểm hay cách tính lãitrên nợ gốc và lãi chậm trả trong trường hợp đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ.
Trong khi đó, ở trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ như trường hợp người vay tiền cố tình trốn tránh, chây ì, chậm trễ trả nợ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự, các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Phán quyết của Tòa án sẽ là phán quyết có hiệu lực thi hành đối với các bên. Trong trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn…nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến không có khả năng chi trả thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Khi đó, người cho vay tiền cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị tiến hành điều tra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Đây mới chính là cách đòi nợ hợp pháp mà các bên trong quan hệ vay tài sản cần nắm rõ, ông Hồ Minh Sơn phân tích thêm.
Ông Sơn dẫn chứng cụ thể một số trường hợp đòi nợ không đúng cách:
Có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc “ Cướp tài sản”
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến hành vi đòi nợ trái pháp luật cho thấy, nếu bên cho vay đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay nhắm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” căn cứ theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, nếu bên cho vay dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này thường có dấu hiệu vi phạm tội “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với hai tội danh này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong cách hành vi nêu trên mà không đòi hỏi phải chiếm đoạt được tài sản thì tội phạm được xem là đã hoàn thành.
Sử dụng vũ lực
Ở trường hợp này, nếu chủ nợ dùng vũ lực nhằm khiến cho con nợ phải trả tiền dẫn đến con nợ chịu thương tích trên 11% thì được coi là có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mặtkhác, nếu hành vi của chủ nợ nhằm cố ý tác động vào vụng trọng yếu của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Bắt, giữ người trái pháp luật
Hiện nay, có không ít các trường hợp chủ nợ bắt, giữ, “giam lỏng” con nợ hoặc người thân con nợ nhằm ép buộc họ phải trả nợ. Đặc biêt, một số chủ nợ còn có hành vi đe dọa, chửi rửa, đánh đập, … Căn cứ theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người chủ nợ có dấu hiệu vi phạm hình sự với tội danh bắt giữ người trái pháp luật.
Khủng bố tinh thần con nợ
Nhiều chủ nợ hiện vì tâm lý giận dữ, quá nóng lòng thu hồi nợ nên đã sử dụng những biện pháp tiêu cực. Điển hình, các chủ nợ tự mình hoặc thuê người khác sử dụng vũ lực để đòi nợ; tạt sơn, chất thải vào nhà con nợ, đập phá tài sản của con nợ để gây áp lực; tự ý lấy tài sản của con nợ để cấn trừ nợ; bắt; đưa ảnh và thông tin của con nợ lên các nền tảng mạng xã hội, ghép, tung ảnh nhạy cảm của họ nhằm gây áp lực để họ trả nợ… Những biện pháp tiêu cực này đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con nợ – là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Những hành vi nêu trên đều là những hành vi trái pháp luật. Qua đó, chủ nợ có thể trở thành bị cáo với các tội danh như Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự), Tội đe dọa giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự),đây là Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự)…
Đòi nợ không đúng thời hạn và vượt quá số lần cho phép
Căn cứ tại điểm đ Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN có quy định “biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ”.
Ông Hồ Minh Sơn tham vấn pháp lý cho một doanh nghiệp thành viên tại Cần Thơ
Ông Sơn cho rằng, theo nhìn nhận của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thì những phân tích ở trên là một số thông tin về một số trường hợp đòi nợ không đúng cách. Với đội ngũ các nhà khoa học, luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật giàu kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về quy định pháp luật. Viện IMRIC sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập sẽ giao Trung tâm TTLCC cam kết luôn đồng hành cùng người dân nhất là các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp thuộc CLB Doanh nghiệp trực thuộc, cung cấp những dịch vụ tốt nhất trong quá trình thu hồi nợ, giúp người dân, quý doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý không đáng có.
Thường trực Viện IMRIC và Viện IRLIE là nơi làm nhịp cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên nói riêng
Thông qua buổi trò chuyện với TS Hồ Minh Sơn, tác giả bài viết mong mỏi, người dân, doanh nghiệpcần hết sức thận trọng trong các giao dịch dân sự hằng ngày, cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng vay mượn, thế chấp tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản được khả thi. Khi có tranh chấp hợp đồng vay tài sản nếu không tự thu hồi được tài sản cần tham vấn pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm để có các biện pháp thu hồi tài sản một cách hiệu quả, đúng pháp luật. Song song với đó, người vay tài sản cũng cần tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết, các quy định về lãi suất các bên cho vay cũng phải đúng theo quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra việc đòi nợ trái pháp luật dẫn tới hậu quả đáng tiếc…/.
Trần Danh – Kiên Cường