Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Vi phạm giao thông nào cần chứng minh bằng hình ảnh- Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị phạt tù trong trường hợp nào?
(HNTTO)- Trong thời gian gần đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện. Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của cộng đồng doanh nghiệp thành viên và người dân liên quan đến lĩnh vực giao thông. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Qua đó, khi nào được xem bằng chứng về lỗi vi phạm giao thông là vấn đề được nhiều quan tâm khi tham gia giao thông và dưới đây là thông tin giải đáp. Nếu người đi bộ không đúng quy định, là nguyên nhân dẫn đến TNGT thì phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí có thể đối diện với án phạt tù cao nhất là 15 năm.
Người vi phạm giao thông nào cần chứng minh bằng hình ảnh?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ điểm d, khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định CSGT chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Việc xử phạt phải được thực hiện như sau: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó; Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. CSGT kiểm soát người tham gia giao thông qua hình ảnh, thiết bị kỹ thuật. Đây cũng là căn cứ chứng minh lỗi của người vi phạm.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA (sửa đổi bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA) về việc kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện: Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị; Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính thì thực hiện theo quy định tại Điều 19a Thông tư 65/2020/TT-BCA.
Như vậy, để chứng minh lỗi người vi phạm giao thông thì CSGT cần phải căn cứ vào hình ảnh, video từ thiết bị kỹ thuật như máy bắn tốc độ, camera…Ghi lại hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Từ đó, xử phạt người vi phạm theo các nguyên tắc xử phạt hành chính. Căn cứ các quy định trên nếu người được yêu cầu dừng xe và xuất trình giấy tờ muốn xem lỗi vi phạm của mình thông qua hình ảnh, hay camera có thể yêu cầu CSGT chứng minh. Việc chứng mình này sẽ được thực hiện thông qua các dữ liệu ghi hình trực tiếp tại chỗ hoặc để dễ nhận biết hơn thì lực lượng chức năng sẽ mời đến cơ quan làm việc để dễ dàng chứng minh.
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị phạt tù trong trường hợp nào?
Ảnh minh hoạ
Theo Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật.
Đối với người đi bộ: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường; Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau: Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn.
Mặt khác, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Nếu người đi bộ vi phạm giao thông như băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người xung quanh. Nếu không tuân thủ đúng điều này mà gây ra tai nạn giao thông thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là hình sự, có thể đối diện với án phạt tù cao nhất là 15 năm.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC thường xuyên tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về pháp luật an toàn giao thông nói chung và bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, người dân và học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức phong phú. Người dân sẽ được tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; các nghị định của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…
Tin rằng, thông qua việc trả lời thư, tổ chức các toạ đàm khoa học nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên, người dân, nhằm xây dựng nét đẹp trong văn hóa giao thông.
Hữu Phi – Tuấn Tú (CTV TVPL Trung tâm TTLCC)