Nghiên cứu trao đổi

Đào tạo nguồn nhân lực ngành báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số 

(HNTTO) – Đào tạo nguồn nhân lực báo chí theo hướng chuyển đổi số là một trong những vấn đề then chốt quyết định sự thành công đối với công cuộc chuyển đổi số báo chí hiện nay, trong đó, tập trung đào tạo về nội dung và công nghệ. Do đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số báo chí cần được coi là trọng tâm và cấp thiết quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số báo chí. 

Nhận thức về chuyển đổi số báo chí 

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã chi phối và làm thay đổi mọi mặt của đời sống chính trị xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình thay đổi của cá nhân, tổ chức, phương thức làm việc và sản xuất dựa trên ứng dụng các thành tựu của công nghệ số.

Chuyển đổi số báo chí không đơn thuần là số hóa báo chí mà là ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), in công nghệ 3D, công nghệ AR (Augmented Reality), điện toán đám mây (Cloud computing), tự động quy trình robotic (RPA), khai thác dữ liệu (Data Mining)… trong việc tìm kiếm, khai thác đề tài, tổ chức sản xuất nội dung, phân phối đến công chúng và quản trị tòa soạn hiệu quả.

Chuyển đổi số báo chí. Ảnh minh hoạ

Chuyển đổi số đã tạo ra một diện mạo mới đối với báo chí, với sự xuất hiện của nhiều thuật ngữ mới, các mô hình hoạt động mới như: Tòa soạn hội tụ, tòa soạn số, báo chí đa phương tiện, báo chí đa nền tảng, báo chí mạng xã hội. Đồng thời, chuyển đổi số cũng đã làm thay đổi cơ cấu tổ chức và quy trình sản xuất nội dung, cách phát triển nội dung và phương thức làm việc của đội ngũ người làm báo, tiếp nhận của công chúng, văn hóa tòa soạn, cũng như công tác quản lý báo chí. Điều này cho thấy, việc áp dụng các thành tựu về khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí đã làm thay đổi phương thức vận hành của tòa soạn, tối ưu hóa được nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản trị các nguồn lực đối với các cơ quan báo chí.

Hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói riêng. Để quá trình chuyển đổi số báo chí thật sự hiệu quả, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đặc biệt là Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí là “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Có thể nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, hoạt động sản xuất nội dung trong các tác phẩm báo chí; sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo; phát triển báo chí dựa trên các mô hình tòa soạn kiểu mới như tòa soạn hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện… phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí cần hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng, đó là: thứ nhất, công nghệ; thứ hai, các nguồn lực, thứ ba, con người (đội ngũ nhà báo). Ngoài công nghệ và các nguồn lực, yếu tố con người mà trực tiếp là các nhà quản lý của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, trước hết là tư duy, nhận thức và năng lực thích ứng. Do đó, “chuyển đổi số không phải là chuyện đầu tư lớn và tốn kém cho các hệ thống công nghệ, điều quan trọng nhất là thay đổi về tư duy từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những quản lý cấp trung và xuống đến từng cán bộ, nhân viên”(1).

Hiện nay, số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ người hoạt động trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam tương đối lớn. Năm 2022, Việt Nam có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 19.356 trường hợp được cấp thẻ nhà báo (2). Tuy nhiên, trình độ, năng lực của đội ngũ người làm báo tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực chuyển đổi số báo chí của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu trong công cuộc chuyển đổi số báo chí. Trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ hướng đến mục tiệu đào tạo nhà báo đa năng, đa nhiệm (All-in-one). Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai đội ngũ nhà báo phải đảm đương đa nhiệm các công việc liên quan đến nghiệp vụ báo chí như; phát hiện vấn đề, chủ đề; xử lý thông tin, viết bài, thiết kế nội dung, quay phim, ghi hình kỹ thuật số, phân tích dữ liệu, tiếp nhận các phản hồi từ độc giả…

Trước yêu cầu đó, công tác tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí sẽ hướng đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đa năng (giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, có sự hiểu biết sâu rộng về công nghệ đa phương tiện và đặc biệt là có khả năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm nội dung báo chí chất lượng cao) là tất yếu khách quan.

Đào tạo nguồn nhân lực trong chuyển đổi số báo chí

Hiện tại, nguồn nhân lực tham gia trong lĩnh vực chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nếu các cơ quan báo chí không sớm tiếp cận công nghệ, gia tăng các nguồn lực phát triển và xây dựng đội ngũ nhà báo từng bước thích ứng với chuyển đổi số thì các loại hình truyền thông khác, nhất là truyền thông có tính tương đồng lớn, ảnh hưởng lớn – truyền thông trên Internet, mạng xã hội có thể sẽ chiếm ưu thế. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực nhằm thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đào tạo báo chí cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục tiến hành nghiên cứu các đề tài về chuyển đổi số báo chí. Các nghiên cứu về chuyển đổi số hiện nay mới chỉ dừng lại ở cấp vi mô, tính ứng dụng vĩ mô vẫn còn hạn chế. Do đó, các nghiên cứu về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí cần đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực. Để hoạt động nghiên cứu hiệu quả, đủ quy mô để hoạch định các chính sách về chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, đội ngũ nghiên cứu cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế đối với các hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí lớn trên thế giới như Wall Street Journal(Mỹ), hãng thông tấn AP (Mỹ), China Daily (Trung Quốc), The Sydney Morning Herald (Australia), The Asahi Shimbun (Nhật Bản)… từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần thiết lập các cơ chế trong nghiên cứu khoa học, đặt hàng các đề tài để có thể tham vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Thứ hai, chú trọng đào tạo giảng viên tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí có kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu về báo chí nhưng đồng thời cũng phải am hiểu, sử dụng các công nghệ đa phương tiện, công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động sản xuất báo chí. Cử giảng viên đi đào tạo các khóa học ngắn hạn, dài tại tại các nước có nền báo chí phát triển lâu đời và đã bước đầu thành công trong chuyển đổi số báo chí. Đồng thời, các giảng viên cần phải chủ động, nỗ lực nâng cao năng lực, kiến thức đào tạo báo chí chuyển đổi số.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí. Để nâng cao chất lượng của sinh viên ngành báo chí truyền thông sau khi ra trường, có khả năng làm việc ngay các cơ sở đào tạo cần kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến trong đào tạo báo chí, xây dựng hệ thống học liệu phục vụ cho học tập, thực hành; tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số. Đồng thời, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí với các tập đoàn công nghệ và các cơ quan báo chí để sinh viên, học viên có cơ hội thực tập, làm việc.

Thứ tư, xây dựng và ban hành chương trình đào tạo phù hợp với chuyển đổi số báo chí. Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí, các cơ sở đào tạo cần nghiêm túc xem xét và điều chỉnh chương trình đào tạo đối với các ngành báo chí. Cụ thể là thay đổi, điều chỉnh nội dung lẫn phương thức đào tạo theo hướng bám sát sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại, nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng chuyên ngành. Với mục tiêu đào tạo nhà báo đa năng, đa nhiệm, việc phân chia đào tạo theo các loại hình báo chí hiện nay (báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình…) dường như không còn phù hợp. Do đó, cần thống nhất, xây dựng chuyên ngành đào tạo là báo chí hội tụ, báo chí số hoặc báo chí đa phương tiện, chú trọng vào đào tạo về thích ứng công nghệ và nội dung sản phẩm báo chí trên môi trường truyền thông chuyển đổi số.

Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo theo các hình thức đào tạo ngắn hạn để cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần phổ cập các công nghệ, kỹ thuật mới có thể áp dụng trong chuyển đổi số báo chí nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu của độc giả./.

Vương Khánh Ly/ Học viện Công nghệ Bưu chính

https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-bao-chi-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-p27974.htmlViễn thông

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button