Kinh tếNghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Vĩnh Chung – Phó CVP Viện IRLIE, CVP Trung tâm TTLCC: Nhiều cung bậc thăng, trầm của ‘cuộc đua’ khắc nghiệt thị trường giao nhận trực tuyến?

(HNTTO) – Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong nước đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa trên thị trường.

Ảnh minh hoạ

Điển hình, sau thời điểm một loạt thương hiệu giao nhận hàng hóa nhanh như VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm…chiếm lĩnh thị trường giao nhận hàng hóa ở Việt Nam. Sau đó, nhiều doanh nghiệp mới đã “tấn công” vào thị trường giao nhận hàng đầy tiềm năng này và thành công lớn nhất có thể kể đến đó là hãng Grab. Trong khi đó, ở phân khúc giao nhận hàng hóa, sau khi Lazada E-Logistics công bố sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để cung cấp các dịch vụ giao nhận không chỉ cho công ty mẹ mà còn cho nhiều công ty khác, đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn “nóng lòng” vào cuộc.Đồng thời, một loạt các thương hiệu lớn Shopee, GoViet, Tiki…cũng dắt tay nhau nhảy vào phân khúc giao hàng này. Đặc biệt “ông lớn” trong ngành logistics là Công ty chuyển phát nhanh DHL ngay lập tức đã ra mắt Công ty DHL eCommerce Việt Nam, với cam kết giao hàng chỉ 1 – 2 ngày, kèm theo dịch vụ thu tiền hộ…

Dưới góc độ nghiên cứu, Ông Hồ Vĩnh Chung – Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Chánh Văn phòng Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nhìn nhận câu chuyện hãng giao đồ ăn Baemin thu hẹp hoạt động tại Việt Nam sẽ thấy phần nào sức ép cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giao nhận với giá trị hàng tỷ USD. Trong cuộc đua khắc nghiệt này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận biết và dự đoán những thay đổi trên thị trường, đồng thời xoay chuyển chiến lược một cách phù hợp để tiếp tục ở lại cuộc chơi.

Theo dữ liệu từ Reputra vào tháng 9/2023 cho thấy, trong 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở lĩnh vực giao nhận thực phẩm và đồ uống phổ biến trên mạng xã hội tại Việt Nam thì ShopeeFood đang chiếm vị trí thứ nhất, GrabFood xếp thứ hai, còn thứ ba là Baemin, thứ tư là Loship.

Ông Hồ Vĩnh Chung, nhận định: “Nếu nhìn vào những doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thể thấy đều là những cái tên hiện diện trên thị trường cả chục năm qua. Theo đó, họ nghiên cứu kỷ về thị trường Việt Nam. Đồng thời, các nền tảng này đều có đa dạng các dịch vụ bổ trợ như taxi – xe ôm công nghệ hay thương mại điện tử, tạo ra nhiều lợi thế so với các nền tảng chỉ tập trung vào một mảng giao đồ ăn”.

Điển hình, từ chỗ là ứng dụng giao đồ ăn có độ phủ địa lý lớn nhất khi có mặt tại 21 tỉnh thành, vào cuối tháng 9/2023, Baemin đã quyết định thu hẹp hoạt động (hiện đã dừng hoạt động tại Hội An, Thái Nguyên, Bắc Ninh), sa thải một số nhân sự tại Việt Nam. Năm 2022, hai cái tên GrabFood và ShopeeFood đã chiếm hơn 86% tổng giá trị giao dịch giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam. Baemin và GoFood chỉ chiếm lần lượt 12% và 2%.

Theo ông Hồ Vĩnh Chung trước bối cảnh thị trường vốn khó khăn, nhà đầu tư yêu cầu ưu tiên lợi nhuận đã tạo ra xu hướng các hãng công nghệ thu hẹp hoạt động, bỏ đi các mảng kinh doanh không sinh lời, càng đẩy các doanh nghiệp có thị phần nhỏ vào thế yếu hơn, trong khi các đối thủ đầu ngành đã biết cách tận dụng thế mạnh. Vì lẻ đó, việc thu hẹp hoạt động của hãng giao nhận đến từ Hàn Quốc là điều dễ hiểu khi họ không thể vượt qua cuộc đua cạnh tranh với hai đối thủ lớn là ShopeeFood và GrabFood với tổng thị phần hơn 85%.

Qua đó, hoạt động bán lẻ tăng trưởng cao đã mở ra nhiều cơ hội cho dịch vụ chuyển phát. Đây là mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại này, ngay sau đó các nhà bán lẻ cũng phát triển rất nhanh, đặc biệt là các nhà bán lẻ trực tuyến. Ông Chung khẳng định các app đơn lẻ chuyên về giao đồ ăn rất khó trụ lại khi cạnh tranh với các siêu ứng dụng. So với các siêu app “giao cả thế giới” thì app lẻ chỉ giao đồ ăn, ít được đầu tư về ngân sách truyền thông, marketing trong khi cuộc đua về thương mại điện tử là cuộc đua “đốt tiền”. Baemin là một điển hình của app đơn lẻ, chủ yếu khai thác mảng giao đồ ăn với quy mô thị trường giới hạn và đang bị cạnh tranh bởi các siêu app khác nên dòng tiền thu về rất hạn chế. Chưa kể, văn hóa người Việt vẫn chuộng cách truyền thống (ăn tại chỗ), khách mua qua app chuộng ưu đãi khủng, hễ giảm ưu đãi là doanh thu giảm ngay.

Ông Hồ Vĩnh Chung và doanh nhân Lâm Trần Khánh chụp ảnh lưu niệm tại toạ đàm “Pháp luật về kinh doanh bất động sản&Du lịch nông nghiệp 4.0”

Theo ông Chung phân tích giao diện của Baemin rất khó dùng không giống như GrabFood và ShopeeFood, nhân viên xử lý chậm chạp, dịch vụ tệ, lại ít lựa chọn, ít khuyến mãi, còn đối thủ cạnh tranh lại có khuyến mãi nhiều nên lâu dài thâu tóm thị trường. Thanh toán qua ví điện tử liên kết trên Baemin cũng mất nhiều thời gian so với đối thủ…Với tham gia thị trường với mức chiết khấu lớn ban đầu là bước đi phù hợp của Baemin, nhưng doanh nghiệp (DN) đã gặp phải khó khăn khi thị trường bắt đầu thay đổi, đặc biệt là sau Covid-19. Nhất là đối diện với nhiều “siêu ứng dụng” có khả năng làm mọi thứ, có lẽ việc Baemin chỉ tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn đã khiến họ rơi vào tình thế khó khăn.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam là điều thấy rõ, với doanh thu dự kiến đạt 1,93 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn 29,5% so với năm 2022, và CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2023 – 2027 là 15,29%, tương đương mức doanh thu 3,41 tỷ USD vào năm 2027. Với thị trường “tỷ đô” như vậy càng làm cho cuộc đua cạnh tranh trở nên khắc nghiệt. Phân tích thêm, ông Hồ Vĩnh Chung cho rằng không thể phủ nhận chuyển phát nhanh đang là một trong những lĩnh vực “béo bở” nhất hiện nay. Thị trường TMĐT Việt Nam được ước tính có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 25%/năm, đạt mốc giá trị 25,8 tỷ USD trong 2023. Cũng theo đó, tới năm 2030, mảng dịch vụ chuyển phát nhanh dự kiến sẽ đạt tổng giá trị 4,88 tỷ USD, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,1%.

Ngoài việc cạnh tốc độ tăng trưởng và cơ hội tiềm năng, thị trường chuyển phát nhanh đang có biên lợi nhuận tương đối thấp do mức chi phí cao và sự kém hiệu quả trong khâu trung chuyển hàng hóa. Tình trạng này buộc các doanh nghiệp chuyển phát phải tối ưu hóa quy trình và bộ máy để giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ tới tay người tiêu dùng. Có thể thấy, bài học từ Baemin tại Việt Nam, với những đỉnh cao hoành tráng và những thời điểm khó khăn, mang đến bài học vô giá cho các DN trong không gian số hiện nay.

Ông Chung còn khuyến nghi một khi cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, các DN trong lĩnh vực này cần phải tái định hình phạm vi kinh doanh. Thành công lâu dài sẽ đòi hỏi một sự cân bằng giữa việc mở rộng phạm vi kinh doanh và giữ vững lợi thế cốt lõi. Ngoài sự cạnh tranh khắc nghiệt ở lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến nói riêng thì với thị trường giao nhận trực tuyến nói chung ở Việt Nam hiện nay cũng được nhận định là cuộc đua đầy khốc liệt. Nhất là những dự báo gần đây cho thấy, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt hơn 20 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước, tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế hiện nay. Và tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT từ nay đến năm 2025 ở Việt Nam được dự báo là 29%, và tới năm 2025 sẽ đạt quy mô 52 tỷ USD.

Việt Nam đã nở rộ các công ty giao hàng nhắm vào thị trường TMĐT bằng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư. Có những công ty sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy việc giành thị phần trên thị trường giao hàng trực tuyến.  Thách thức lớn cho các DN tham gia vào thị trường giao nhận trực tuyến là mức độ cạnh tranh cao.

Nhận định về vấn đề này, ông Chung cho rằng thị trường chuyển phát đang có khoảng 800 DN tham gia. Trong sự phát triển các hoạt động giao nhận chuyển phát, hoạt động giao hàng chặng cuối đang phát triển mạnh nhờ sự bùng nổ của TMĐT. Để chiếm giữ thị phần, nhiều DN đang đầu tư mạnh vào công nghệ, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ nhằm giảm thời gian giao hàng, tăng tốc độ vận chuyển và giá cả cạnh tranh hơn. Xét về xu hướng của thị trường giao hàng trực tuyến tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027, phân khúc chiếm tỉ trọng lớn nhất của thị trường này là phân khúc giao hàng tạp hóa với khối lượng thị trường dự kiến là 1,39 tỷ USD trong năm 2023 (cao hơn 35% so với cùng kỳ năm trước) và sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 27,3% vào năm 2024.

Tỷ lệ thâm nhập dự kiến của người dùng trong phân khúc giao hàng tạp hóa trực tuyến là 14% vào năm 2023, và đến năm 2027, số lượng người dùng khoảng 19,8 triệu người. Ở phân khúc giao hàng tạp hóa, mảng Retail Delivery (giao hàng bán lẻ) sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến là 0.86 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 61,9% tổng doanh thu, tiếp theo mảng Quick Commerce (thương mại nhanh) với tỉ trọng 37,8%, còn lại là doanh thu từ mảng Meal Kit Delivery (giao hàng thực phẩm sơ chế). Việc tranh giành “miếng bánh” thị phần của các “ông lớn” trong lĩnh vực này là lẽ đương nhiên và cũng khó tránh khỏi quy luật đào thải, rút khỏi cuộc chơi, thu hẹp hoạt động của những DN có tiềm lực yếu hơn.

Ông Hồ Vĩnh Chung còn lưu ý thêm, thị trường Việt Nam vẫn có đó nhiều câu chuyện về những thương hiệu tỏa sáng rực rỡ để rồi sau đó phải đối mặt với thử thách. Các DN phải nhận biết và dự đoán các thay đổi trên thị trường, cần liên tục đổi mới, tận dụng hệ sinh thái và hiệu ứng mạng (‘network effect’ – hiện tượng giá trị của một hàng hóa hoặc dịch vụ tăng khi càng nhiều người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó). Bên cạnh đó, xoay chuyển chiến lược một cách phù hợp để tiếp tục ở lại cuộc chơi.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, làm thế nào để bắt kịp xu hướng, gia tăng giá trị cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo tối ưu đường dài là bài toán đầy thách thức của mọi doanh nghiệp. Song, khó không có nghĩa là không thể! Các đơn vị chuyển phát nhanh đã chuyển đổi số liên tục để đồng hành cùng tam giác người bán – người mua – shipper. Với vai trò là đơn vị làm nhịp cầu nối trong việc xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) sẵn sàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp nỗ lực trong cuộc đua “cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ”, đề xuất sáng kiến dựa trên nền tảng công nghệ – chiến lược tăng trưởng lâu dài cho chính thương hiệu và toàn ngành chuyển phát nhanh.

Song song với đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ hỗ trợ tham vấn pháp lý trong quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp việc sử dụng dữ liệu và những công nghệ mới để tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong quản trị nguồn nhân lực góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tinh thần hợp tác và dấn thân của nhân viên, thay đổi căn bản hoạt động quản trị, đảm bảo tính hiệu quả của các doanh nghiệp giao nhận trực tuyến trước những thách thức của hành lang pháp lý an toàn.

Thuỳ Duyên – Quang Huy/Nguồn Viện IRLIE

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button