Ông Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Pháp luật xử lý hành vi vay tiền rồi “bùng nợ” – Đòi nợ không đúng cách có thể phạm tội hình sự
(HNTTO) – Vay tiền là giao dịch dân sự phổ biến diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không ít trường hợp xảy ra tình trạng người có nghĩa vụ trả tiền đã có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình. Đồng thời, người cho vay nhưng lại đòi nợ không đúng cách dễ dẫn đến vướng vòng lao lý…
Dưới góc độ pháp lý, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) sẽ trả lời thư của một số doanh nghiệp thành viên, các tổ chức và cá nhân gửi về…
Như thế nào được coi là hành vi trốn nợ?
Theo Ông Hồ Minh Sơn phân tích hành vi trốn nợ là một bên chủ thể thực hiện hành vi vay tiền của tổ chức, cá nhân khác nhưng đã gặp một số yếu tố tác động tới tình hình tài chính của bên chủ thể đi vay (như làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc do người vay cố tình không trả) khiến cho bên có nghĩa vụ trả nợ mất khả năng thanh toán hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ với bên cho vay. Đặc biệt, gần đây trên không gian mạng xã hội đã xuất hiện các hội nhóm hướng dẫn cách ‘bùng nợ’, nhiều người đã tham gia và làm theo dẫn đến việc vi phạm pháp luật.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, có một số tổ chức, cá nhân vay tiền của tín dụng đen (TDĐ), ngân hàng…Tuy nhiên, sau đó vì không còn khả năng chi trả hoặc do bức xúc bởi việc vay tính lãi cao, gọi điện thoại khủng bố người thân của TDĐ… nên họ chọn cách “bùng nợ”. Điển hình, họ lại suy nghĩ rằng không có tiền trả khoản vay thì bất quá trở thành nợ xấu, bên cho vay cũng sẽ chẳng làm gì được.
Qua đó, pháp luật Việt Nam quy định những người sở hữu tài sản có quyền được tự quyết trong vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Việc định đoạt bao gồm cả chuyện cho vay và đòi nợ. Pháp luật giao toàn quyền cho người chủ sở hữu tài sản để thực hiện việc đó. Nếu như chủ sở hữu tài sản không thể hiện mong muốn lấy lại số tài sản này bằng con đường tòa án thì không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể tự do thay mặt những người này mà không có sự ủy quyền.
Phân tích về vấn đề này, Ông Sơn cho rằng người vay có thể chưa ý thức được về trách nhiệm của mình hoặc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, nghe lời dụ dỗ, lôi kéo từ các hội nhóm trên mạng dẫn đến việc “bùng nợ”. Khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý.Ngoài ra, có nhiều hình thức cho vay với thủ tục đơn giản như vay qua app, chỉ cần CMND/CCCD… Hoặc do các hành vi đòi nợ bất hợp pháp của tổ chức TDĐ như xiết nợ, đe dọa nhân phẩm của người vay nợ cũng như những người thân quen của họ khiến nhiều người không chịu được áp lực và tìm đến những hội nhóm chỉ cách “bùng nợ” như một giải pháp.
Ngoài ra, việc “bùng nợ” đang dần trở thành một phong trào xù nợ và phong trào này không thể chấp nhận được vì nó gây ra nhiều ảnh hưởng. Trước mắt là ảnh hưởng trực tiếp đến người “bùng nợ”, một khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý. Khuyến nghị về việc này, Ông Sơn cho rằng bên cạnh các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thì Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm sẽ tổ chức các cuộc toạ đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trên các phương tiện truyền thông. Mục đích để giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu rõ về trách nhiệm của người vay khi vay, chỉ ra những hậu quả của việc “bùng nợ” để mọi người cùng thấy tính nghiêm trọng của sự việc. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải xử lý các trường hợp “bùng nợ” vi phạm pháp luật để mọi người lấy đó làm bài học. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống phải chuẩn bị những kế hoạch, giải pháp để ứng phó với tình trạng này…
Theo Điều 175 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản: “Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản là người phạm tội nhận được tài sản bằng hình thức hợp đồng. Sau đó dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ và chiếm đoạt số tiền. Hoặc nhận được tài sản thông qua hình thức hợp đồng vay, sau đó có điều kiện để trả nhưng không trả nhằm chiếm đoạt số tiền này là hai cấu thành cơ bản nhất của tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp người cho vay nhận thấy hành vi của người vay có những dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Điều 175, Bộ Luật Hình sự thì có quyền làm đơn trình báo, tố cáo lên cơ quan công an để xác minh và có thể khởi tố hình sự theo quy định”, Ông Sơn dẫn chứng thêm.
Cũng theo Ông Sơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bên cho vay có quyền tố giác hành vi phạm tội của bên vay đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 144 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Khi cá nhân vay mượn tiền của tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng phải có tài sản thế chấp. Nếu trong trường hợp hay theo hình thức trả góp hàng tháng nhưng người đi vay không còn khả năng trả thì ngân hàng tự mình hoặc có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án bán phát mại tài sản để thu hồi nợ. Trong đó, có một số khoản vay như vay tín chấp hay trả góp không có quan hệ thế chấp. Trong trường hợp bên vay không trả được và không hoàn thành được nghĩa vụ của mình thì bên cho vay vẫn phải khởi kiện ra tòa án để yêu cầu cơ quan thi hành án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Phân tích thêm, Ông Sơn cho biết đối với quan hệ pháp luật dân sự cho vay có tài sản thế chấp thì khi bản án tuyên buộc bên vay phải hoàn trả lại số tiền. Trong trường hợp không hoàn trả được số tiền thì ngân hàng có quyền tự mình hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án bán phát mại tài sản thông qua đấu giá. Khi đó, tài sản này được xem là tài sản của cơ quan thi hành án và nhân danh chủ tài sản để ký hợp đồng với bên bán đấu giá tài sản. Sau khi bán công khai tài sản sẽ thu lại số tiền và truyền trả lại cho ngân hàng cho vay.
Đòi nợ không đúng trình tự pháp luật, có thể phạm tội hình sự
Trước đây, việc đòi nợ là một trong hình thức kinh doanh dịch vụ, là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, nhiều người đã dựa vào dịch vụ này để đòi những món nợ dai dẳng, khó đòi. Thếnhưng, hiện tại pháp luật có quy định một cách cụ thể về dịch vụ này…
Ảnh minh hoạ
Ông Sơn cho rằng đòi nợ thuê là một ngành dịch vụ đòi nợ, là việc những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện một hành vi đòi nợ khách nợ theo yêu cầu của chủ nợ. Tuy nhiên, ngành dịch vụ này đã bị cấm kể từ ngày 01/01/2021…Theo quy định tại Điều 6Luật Đầu tư 2020 thì dịch vụ này là một trong những dịch vụ bị pháp luật cấm đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, theo khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 có nêu rõ: Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Để không vi phạm pháp luật, người cho vay không được thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật để nhằm đòi nợ. Những hành vi này có thể dẫn đến việc bạn bị xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội đe doạ giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015), Tội xâm phạm chỗ ở của người khác ( Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015).
Cùng với đó, nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện lên tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Người dân có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân để đòi tiền vay từ các con nợ chây ỳ. Thủ tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án được thực hiện như sau:Viết đơn khởi kiện và chuẩn bị hồ sơ. Đơn khởi kiện đòi nợ phải có đầy đủ các nội dung như: Ngày, tháng, năm làm đơn; tên Tòa án nhận đơn; tên, nơi cư trú, làm việc của người cho vay, người đi vay; nội dung đòi nợ…Người cho vay phải chuẩn bị các giấy tờ: Đơn khởi kiện; Bản sao hợp đồng vay, giấy vay…(nếu có); Bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân… Người dân có thể nộp hồ sơ đến Tòa thông qua một trong ba cách: Nộp trực tiếp, gửi theo đường bưu điện, gửi trực tuyến đến Tòa án cấp huyện người vay tiền sinh sống, làm việc; Tòa án thụ lý và giải quyết. Sau khi nhận đơn khởi kiện, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó Tòa án sẽ là việc xem xét và đưa ra xét xử sơ thẩm.
Song song đó, nếu người cho vay nhận thấy hành vi vay tiền của người đi vay có dấu hiệu của tội phạm như có hành vi gian dối để vay tiền sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì người cho vay có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015).
Tin rằng, khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin để nhằm lôi kéo tham gia các hoạt động vay nợ; Sử dụng dịch vụ “bùng” nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp hoặc đòi nợ không đúng trình tự của pháp luật vì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Văn Hải – Trần Danh