Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn: Hành vi “khủng bố” đòi nợ qua điện thoại, bêu xấu người khác trên mạng xã hội có thể cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015

(HNTTO) – Trong thời gian gần đây, việc đe dọa qua điện thoại hay bêu xấu trên các diễn đàn, trang mạng xã hội để yêu cầu người vay trả nợ hoặc thậm chí có người không vay bất cứ khoản nào nhưng vẫn bị đe dọa và làm phiền. Điều này, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, nhân phẩm và tác động xấu đến đời sống bình thường của người bị hại.

Ảnh minh hoạ 

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam chia sẻ, đối với hành vi khủng bố đòi nợ ngày càng phức tạp, kể cả trong môi trường giáo dục. Mới đây, hàng loạt hiệu trưởng của các trường tại TP.HCM bỗng dưng nhận được rất nhiều cuộc gọi điện thoại yêu cầu giáo viên, nhân viên trong nhà trường trả nợ và còn bị tố là lừa đảo trên mạng xã hội. Theo đó, hàng ngày họ vẫn nhận hàng trăm cuộc gọi đe dọa, hay thậm chí các thông tin, hình ảnh cá nhân còn bị tung tràn lan trên mạng xã hội với những lời lẽ vu khống, lăng mạ. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của người bị hại mà còn xúc phạm đến danh dự nhân phẩm…Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của họ.

Điển hình, anh N.X.L. (phường 11, TP.Vũng Tàu), làm công nhân cơ khí của một công ty trong KCN Đông Xuyên, gần đây liên tục nhận những cuộc gọi của nhiều đối tượng thông báo: Một người bạn của anh đã vay tiền quá hạn và yêu cầu anh phải trả nợ. Anh L. nói không liên quan tới các khoản nợ của bạn, nhưng các đối tượng không ngừng nhắn tin chửi bới, đe dọa. Chỉ đến khi anh L. nói đã ghi âm và phản ánh vụ việc đến cơ quan công an thì sự việc mới được dừng lại.

Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng theo Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) đã có quy định hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống là có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01-05 năm; Mức phạt cao nhất cho tội này có thể bị phạt từ lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017: Việc sử dụng mạng viễn thông để làm nhục người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 155 BLHS 2015, có mức hình phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra. Trong trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, có mức hình phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết.

Đồng thời, theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cụ thể: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức, đối với hành vi vi phạm của cá nhân bằng 1/2 của tổ chức; Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn chia sẻ.

Dịp này, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cũng khuyến nghị nếu người bị hại không có vay tiền hay không có bất kỳ quan hệ nào đối với người vay tiền nhưng vẫn bị “khủng bố” đòi nợ cần: Khi phát sinh sự việc mọi người cần bình tĩnh để xử lý. Chỉ nên giải thích ngắn gọn về việc không quen biết với người vay khoản nợ trên. Người bị hại nên ghi âm các cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng; Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ; Không cung cấp thông tin cá nhân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống cho người lạ hay những kẻ gọi điện đòi nợ; Cần báo cho bạn bè, người thân để họ nắm được thông tin tránh bị kẻ xấu gọi điện, nhắn tin làm phiền; Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ, gồm: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Văn Hải – Công Danh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button