Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC: Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) – Kiến tạo các khung khổ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(HNTTO) – Sau gần 12 năm triển khai trong thực tiễn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Qua đó, các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng có những diễn biến mới, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Ảnh minh hoạ

Tiến sĩ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn –  Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) dẫn chứng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ.

Đồng thời, Tiến sĩ. Hồ Minh Sơn cho hay Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dâ. Cùng với đó, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Quản lý Ngoại thương 2018…Ngoài ra, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh Covid – 19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số… Do vậy, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài…

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn Dự thảo Luật. Bảo vệ quyền lợi ngừoi tiêu dùng (sửa đổi).

Điển hình, tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mới đây. Tại đây, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP.HCM đã nhắc lại vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của nhãn hàng pate Minh Chay và cho rằng vệ sinh an toàn thực phẩm với người tiêu dùng vẫn là vấn đề rất bức xúc. Theo bà Trần Kim Yến, dự luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định “dùng mọi giải pháp để thu hồi nhanh nhất những sản phẩm bị lỗi, có tác động lớn đến sức khoẻ cộng đồng”. “Đừng để xảy ra tình trạng đi thẳng từ bàn ăn đến bệnh viện”, bà Yến nói.

Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết, những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  hiện hành cũng đặt ra yêu cầu cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Mặt khác, các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, gây khó khăn trong việc điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực kinh doanh đặc thù; các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết. Mặc dù, số lượng tranh chấp được giải quyết qua phương thức thương lượng, hòa giải chiếm số lượng lớn nhưng hiệu quả, giá trị và hiệu lực thi hành của các phương thức này là chưa cao; cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tạ cơ quan nhà nước (chủ yếu là cấp huyện) được thiết kế “lửng lơ” khiến các quy định này không được thực thi hiệu quả trên thực tế.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có các cam kết về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Ví dụ như tại Chương 16 (Chính sách về Cạnh tranh) của Hiệp định CP TPP có quy định tại Điều 16.6 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có các cam kết về hoàn thiện thể thế chính sách, tăng cường hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức về bảo vệ người tiêu dùng….Vì lẽ đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được sửa đổi theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế và khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại….Vậy nên, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.

Tương tự, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho hay khái niệm người tiêu dùng trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. “Khi không xác định đúng quyền lợi người tiêu dùng thì làm sao mà bảo vệ được họ”. Song song đó, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà dẫn chứng, những loại hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được. Tuy nhiên, quy định đang đẩy trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi sang chính người tiêu dùng. “Quy định pháp luật phải lường trước và giải quyết vướng mắc để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng. Quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng và thống nhất”, ông Hà nói.

Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có kết cấu 51 Điều và 06 Chương. So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản (Các điều 68, 80 của Dự thảo, trong Luật hiện hành tương ứng với các Điều 39, 51). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã điều chỉnh tương đối đầy đủ và toàn diện các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình: Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết thêm trên cơ sở các quy định khung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các nội dung cũng đã được quy định trong pháp luật của các lĩnh vực chuyên ngành như: Các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, kinh doanh các mặt hàng đặc biệt như rượu, thuốc lá…hoặc trong các vấn đề nóng như phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…Cũng theo Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia. Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng để chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Cách xác định này giúp cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh tranh cãi, sự không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể. Đặc biệt, cách giải thích này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến các cá nhân mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn có đầy đủ khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại.

Văn Hải – Trần Danh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button