Chứng khoánNghiên cứu trao đổi

Tỷ giá biến động linh hoạt và có “bộ đệm” vững chắc

(HNTTO) – Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam được điều chỉnh linh hoạt và được trợ giúp từ nhiều “bộ đệm” của nền kinh tế.

Ông đánh giá như thế nào về các tác động của thị trường thế giới đến thị trường ngoại tệ trong nước?

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, lên mức 0,75%-1%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2020 nhằm kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia cũng sẽ tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có thị trường ngoại tệ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện với phương châm điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường, cán cân thương mại, cán cân thanh toán cũng như biến động của các ngoại tệ chủ chốt trong rổ tham chiếu. Hơn nữa, những tác động từ thị trường trong nước và quốc tế đã được các cơ quan quản lý dự báo và tính toán từ sớm, nên chủ động được trước mọi biến động. Do đó, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam chịu tác động nhưng không nhiều, không có mức độ mất giá như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Điều này cũng phải kể đến nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế vĩ mô trong nước được giữ ổn định, tạo ra những “bộ đệm” an toàn cho tỷ giá trước những biến động mạnh từ bên ngoài. Cụ thể là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD – PV), nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn tiếp tục thặng dư.

Hơn nữa, về tổng thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp nên cơ quan điều hành có thể chưa cần phải sử dụng đến công cụ thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo tôi, tỷ giá USD tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ biến động trong khoảng 0,8-1,6% so với năm 2021.

Việc tỷ giá USD trong nước từ đầu năm đến nay chỉ biến động khoảng 0,8% trong khi các đồng tiền ngoại tệ khác mất giá tới 3-4%, thậm chí ở mức cao hơn, đang có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng liệu điều này có đặt ra vấn đề gì trong việc quản lý thị trường ngoại hối trong nước, thưa ông?

Mặc dù tỷ giá tại Việt Nam có mức độ mất giá thấp hơn so với không ít đồng tiền ngoại tệ khác, nhưng tỷ giá tại nước ta không neo ở một mức cố định mà như tôi đã nói ở trên, tỷ giá được NHNN điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường hàng ngày. Nếu tỷ giá của Việt Nam như hiện tại mà vẫn neo ở mức cố định một cách cứng nhắc thì sẽ gây hại cho chính mình, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thậm chí là sẽ rơi vào diện nghi vấn về thao túng tiền tệ.

Nhưng mức độ biến động thấp của tỷ giá ngoại tệ trong nước như hiện nay đang có lợi cho hoạt động xuất khẩu, bởi mức độ mất giá thấp sẽ giúp giá trị hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao. Về lâu dài, diễn biến của tỷ giá ngoại tệ tại nước ta vẫn chưa đáng lo ngại, do chúng ta có nhiều “bộ đệm” giúp ổn định, không để tỷ giá tăng quá cao. Bởi với tình hình lạm phát có nhiều nguy cơ tăng cao, biến động của tỷ giá cũng là một trong số chỉ tiêu tính toán quan trọng của lạm phát, nên tỷ giá tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, việc điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định của Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ do đáp ứng các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Theo ông, trước áp lực từ lạm phát, cơ quan quản lý sẽ phải điều hành chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới?

Còn nhiều áp lực hiện hữu khiến việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay sẽ không dễ dàng. Đặc biệt, nhập khẩu lạm phát được dự đoán sẽ tăng cao bởi các yếu tố như: các đối tác thương mại lớn vốn đang có mức lạm phát cao kỷ lục sẽ tiếp tục tăng các gói kích cầu lớn; sự phức tạp của đại dịch vẫn tiếp diễn… Ngoài ra, áp lực lạm phát còn đến từ khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền, gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

Chính vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần phải có những kịch bản cần thiết theo hướng thắt chặt, nhất là cho mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do đó, trong thời gian tới cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào – ra, điều tiết giá cả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, trong đó có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, gói kích cầu và cung, từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu

https://haiquanonline.com.vn/ty-gia-bien-dong-linh-hoat-va-co-bo-dem-vung-chac-162577-162577.html

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button