Về thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại
(HNTTO) – Thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các thương nhân khi họ muốn kiện đối tác ra cơ quan tài phán. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về vấn đề này nhưng quá trình thực thi đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập. Chính vì vậy, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra là vấn đề này phải được nghiên cứu thấu đáo để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật liên quan cũng như cơ chế thực thi trên thực tiễn.
Ảnh minh họa.
Thực trạng các quy định pháp luật liên quan đến thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại
Các quy định theo tố tụng trọng tài
Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều trung tâm trọng tài giải quyết các vụ tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh đã có 17 trung tâm trọng tài và 03 chi nhánh trung tâm trọng tài (1), mỗi trung tâm lại có quy tắc tố tụng trọng tài khác nhau. Trong số đó, có thể thấy Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là có uy tín và giải quyết nhiều vụ việc.
Theo Quy tắc Tố tụng trọng tài VIAC năm 2017 (QTTTTT 2017) thì thời điểm bắt đầu tính tố tụng trọng tài kể từ ngày VIAC nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của QTTTTT 2017 (trừ khi các bên có thỏa thuận khác) (2). Các vấn đề liên quan đến thời hạn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 33 của QTTTTT 2017. Bên cạnh đó, thủ tục rút gọn cũng được áp dụng để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại khi đủ điều kiện theo quy định tại Điều 37 QTTTTT 2017.
Nhìn chung, việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tại trọng tài diễn ra nhanh và bám sát thời hạn đã được quy định tại QTTTTT. Hơn thế nữa, phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (3) nên vụ án sẽ không được xem xét lại bởi bất kỳ một cấp hoặc cơ quan xét xử nào khác (trừ trường hợp hủy phán quyết trọng tài theo quy định của pháp luật). Do đó, thời gian giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tại trọng tài được rút ngắn đáng kể so với việc giải quyết tại tòa án. Chính vì vậy, với ưu điểm này cùng nhiều ưu điểm khác nên ngày càng nhiều vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại được các bên lựa chọn đưa ra giải quyết tại trung tâm trọng tài thay vì giải quyết tại tòa án.
Các quy định pháp luật theo tố tụng tòa án
Việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tại tòa án thường kéo dài hơn tại trọng tài bởi phải trải qua nhiều giai đoạn tố tụng phức tạp, cụ thể:
Về thời hạn nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện, pháp luật hiện hành quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, chánh án tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau: yêu cầu, sửa chữa đơn; tiến hành thủ tục thụ lý; chuyển đơn; trả lại đơn khởi kiện (4). Như vậy, có thể thấy là luật quy định thời hạn tối đa cho việc nhận và xử lý đơn khởi kiện là 08 ngày làm việc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy là thời hạn này thường bị kéo dài mà không có lý do, có những vụ việc, thời hạn này kéo dài nhiều tháng nên đã làm cho thương nhân rất mệt mỏi khi khởi kiện tại tòa án.
Về thời hạn thụ lý vụ án, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, thẩm phán thông báo ngay cho người khởi kiện biết để làm thủ tục tạm ứng án phí, trong vòng 07 ngày kể từ nhận được giấy báo của tòa án về việc tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải tiến hành thủ tục nộp tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, chánh án tòa án quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án. Trong thời hạn 15 ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi liên quan phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình, trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày (5). Có thể thấy thời hạn thụ lý vụ án được Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định khá rõ nhưng thực tiễn cho thấy là quá trình thực thi đã nảy sinh khá nhiều vấn đề dẫn đến thời hạn đó hiếm khi được tuân thủ đầy đủ.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh, thương mại là 02 tháng kể từ ngày tòa án thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của tòa án có hiệu lực pháp luật (6). Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tối đa (kể cả gia hạn) là 03 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, thẩm phán ra một trong các quyết định sau: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; đưa vụ án ra xét xử (7). Pháp luật hiện hành quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh, thương mại khá cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không được như mong đợi bởi rất nhiều vụ án bị kéo dài mà không có lý do chính đáng.
Về thời hạn phiên tòa sơ thẩm, trong thời hạn chuẩn bị xét xử nêu trên, nếu thẩm phán thụ lý vụ án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (8). Như vậy, thời hạn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tối đa là 02 tháng. Do đó, theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì thời hạn giải quyết một vụ án kinh doanh, thương mại theo thủ tục sơ thẩm từ 3 đến 5 tháng (kể cả thời gian gia hạn) tính từ ngày thụ lý vụ án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là rất ít vụ án được giải quyết đúng hạn theo luật định mà đa số bị kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không có lý do chính đáng được đưa ra. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại cho nguyên đơn cũng như làm giảm đi sức hấp dẫn của tố tụng tòa án so với tố tụng trọng tài trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại.
Trên đây là những quy định về thời hạn giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, BLTTDS năm 2015 có quy định về thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 273 và Điều 280); thời hạn thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm (Điều 285); thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 286)…
Tóm lại, tùy thuộc vào tính chất của mỗi vụ án kinh doanh, thương mại mà thời hạn xét xử thường kéo dài từ 03 đến 05 tháng đối với giai đoạn sơ thẩm và từ 03 đến 05 tháng đối với giai đoạn phúc thẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các vụ án kinh doanh, thương mại khi được giải quyết tại tòa án thường kéo dài và rất ít khi được giải quyết đúng hạn theo luật định.
Một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại
Hiện nay, các quy định pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại đã khá đầy đủ nhưng tình trạng các vụ án được giải quyết tại tòa án bị kéo dài không có lý do xảy ra khá phổ biến, điều này cho thấy quá trình thực thi nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập. Việc các vụ án bị kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và gây ra thiệt hại về thời gian, công sức và tiền bạc cho các bên tham gia tố tụng. Nhiều phán quyết của tòa án bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến vụ án phải trải qua nhiều phiên xét xử, kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân.
Tình trạng vụ án bị kéo dài khá phổ biến, lý do thường khiến các doanh nghiệp không chọn tòa án (sắp xếp theo mức độ giảm dần) là thời gian xử lý tại tòa án quá dài, tình trạng chạy án khá phổ biến, trình độ năng lực của cán bộ tòa án hạn chế và có nguy cơ lộ bí mật kinh doanh (9). “Với những tranh chấp đen trắng rõ ràng mà doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm thì quá sợ!” – chuyên gia VCCI chia sẻ (10). Không hiếm vụ kiện dân sự bị kéo dài hàng chục năm do phán quyết trái ngược của cơ quan có thẩm quyền; nhiều vụ đã thi hành án xong vẫn bị giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại hay có trường hợp bị đình chỉ như một giải pháp tình thế để giảm áp lực giải quyết án quá hạn. Theo các chuyên gia pháp luật, quy định hiện hành còn nhiều khoảng trống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “án dây thun” (11)… Chính vì vậy, để việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại theo thủ tục tố tụng tại tòa án diễn ra nhanh, đúng luật thì cần thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại trong BLTTDS năm 2015.
Điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án kinh doanh, thương mại là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Quy định thời hạn như trên khá ngắn bởi lẽ đa phần các vụ án kinh doanh, thương mại rất phức tạp, liên quan đến nhiều nội dung cần phải xác minh nên thẩm phán thụ lý vụ án phải thu thập chứng cứ ở nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau; quá trình thu thập chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng cũng mất nhiều thời gian, công sức. Hơn thế nữa, hiện nay chúng ta chưa có nhiều thẩm phán chuyên sâu về kinh doanh, thương mại; số lượng vụ việc tại các tòa án thì nhiều mà nhân sự của tòa án thì ít dẫn đến một số thẩm phán bị quá tải. Do đó, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án kinh doanh, thương mại quy định ngắn như trên sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các thẩm phán thụ lý vụ án. Chính vì vậy, cần xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 theo hướng quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án kinh doanh, thương mại là 03 tháng thay cho 02 tháng như hiện nay.
Khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định chưa rõ ràng về gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan (12). Trước đây, điểm a, điểm b và điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giải thích các thuật ngữ “Những vụ án có tính chất phức tạp”, “Trở ngại khách quan”, “Lý do chính đáng”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực mà chưa có văn bản thay thế. Việc chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể các thuật ngữ nêu trên có thể tạo ra lỗ hổng để các thẩm phán lợi dụng nhằm cố tình kéo dài vụ án.
Thứ hai, cần nâng cao khả năng chuyên môn và trách nhiệm của thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án.
Thực tiễn cho thấy các vụ án kinh doanh, thương mại thường rất phức tạp. Do đó, để có thể giải quyết tốt các vụ án đó thì đòi hỏi của thực tiễn đặt ra là thẩm phán thụ lý vụ án không những phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu mà còn phải có kiến thức chuyên ngành liên quan và kỹ năng, kinh nghiệm xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại. Trong khi đó, đa số thẩm phán hiện nay xét xử nhiều loại án khác nhau, nhất là thẩm phán ở cấp huyện nên kiến thức chưa sâu, kỹ năng, kinh nghiệm xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại chưa nhiều dẫn đến khá lúng túng và chưa tự tin khi xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại phức tạp. Cá biệt, có trường hợp trách nhiệm của thẩm phán chưa cao, chưa tự tin xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại phức tạp nên cố ý kéo dài, ngại bản án bị “cải sửa”, ảnh hưởng đến thành tích, đến việc bổ nhiệm lại thẩm phán… Chính vì vậy, Nhà nước cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên sâu, kiến thức liên quan đến kinh doanh, thương mại cho đội ngũ thẩm phán kết hợp với việc bảo đảm chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhân sự cho các tòa án nhiều vụ việc, bảo đảm để các thẩm phán không quá bị áp lực bởi các đầu vụ việc, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xét xử các vụ án. Hơn thế nữa, mỗi thẩm phán cần nâng cao trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại đúng luật định.
Thứ ba, cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết vụ án và chế tài để xử lý hành vi vi phạm thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại của thẩm phán chưa được đề cao đúng mức.
Về cơ bản, tòa án đã có quy trình kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết vụ án của các thẩm phán khá cụ thể thông qua thủ tục báo án, báo cáo, tổng kết. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi chưa đạt được hiệu quả cao và điều này được minh chứng bởi tình trạng các vụ án kinh doanh, thương mại bị kéo dài mà không có lý do chính đáng xảy ra khá nhiều, vi phạm các quy định về thời hạn tố tụng theo luật định. Hơn thế nữa, chế tài xử lý kỷ luật đối với thẩm phán vi phạm thời hạn giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại chưa được đề cao và tình trạng “đóng cửa bảo nhau” còn khá phổ biến. Không ít vụ án, luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích pháp của đương sự đã trực tiếp và/hoặc cùng đương sự nhiều lần gửi đơn yêu cầu tòa án sớm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật nhằm tránh vi phạm thời hạn tố tụng nhưng rất ít khi nhận được sự xem xét, trả lời của tòa án và việc thay đổi của tòa án rất chậm. Thậm chí có những vụ việc, đương sự đã khiếu nại, kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn không được giải quyết, rơi vào im lặng nhiều năm… Chính vì vây, để hạn chế trình trạng vụ án kinh doanh, thương mại bị kéo dài mà không có lý do chính đáng thì công tác kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết vụ án của tòa án phải được quan tâm đúng mức.
Tóm lại, để hạn chế tình trạng các vụ án kinh doanh, thương mại bị kéo dài mà không có lý do chính đáng thì Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà trước hết là sớm hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thời hạn giải quyết vụ án dân sự nói chung và vụ án kinh doanh, thương mại nói riêng. Mặt khác, cần nâng cao khả năng chuyên môn và trách nhiệm của thẩm phán trong việc giải quyết vụ án kết hợp với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ giải quyết vụ án của thẩm phán; kiên quyết áp dụng các hình thức kỷ luật phù hợp đối với thẩm phán khi có hành vi vi phạm thời hạn giải quyết vụ án.
Tiến sĩ, Luật sư NGÔ VĂN HIỆP – Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh
https://lsvn.vn/ve-thoi-han-giai-quyet-vu-an-kinh-doanh-thuong-mai1661436604.html