Gần 30 văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia TP HCM góp sức “kể chuyện” Bình Phước – đất và người
(HNTTO) – Mới đây, gần 30 văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, diễn giả đến từ TP HCM đã gặt hái nhiều trải nghiệm cùng Trại sáng tác “Bình Phước, đất và người – Tiềm năng và triển vọng” diễn ra tại tỉnh Bình Phước.
Chính thức khởi động từ ngày sinh nhật Đoàn (26/3) và kéo dài trong gần 1 tuần lễ, Trại sáng tác do Tỉnh Đoàn Bình Phước cùng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) tại TP HCM tổ chức, qua đó đoàn sáng tác đã trải nghiệm cuộc sống của người dân Bình Phước, thu thập chất liệu để sáng tác gần 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật cùng hàng chục ca khúc và bài thơ, từ đó quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước ở phạm vi trong và ngoài nước.
Theo ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, một số gương mặt đình đám trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã tham gia Trại sáng tác lần này, gồm: nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Xuân Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cùng gần 10 nhiếp ảnh gia, trong đó có NSNA Võ Văn Hoàng – người sở hữu tác phẩm “Rác, rác, rác” – bức ảnh đã vượt qua 934 tác phẩm của 119 tác giả thuộc 18 tỉnh, thành trong cả nước để đoạt HCV của Liên hoan ảnh nghệ thuật TP HCM năm 2008.
Trại đã vinh dự chào đón nhạc sĩ Lê Minh – cha đẻ của ca khúc nổi tiếng “Vui trong ngày cưới” – ca khúc mà gần như tại đám cưới nào ở Việt Nam cũng đều có người hát; nghệ sĩ Võ Phước – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Hãng phim Sao Nam Việt – một trong những đạo diễn “gạo cội” của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu – người thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ trong một số bộ phim; đạo diễn, ca sĩ, diễn viên Văn Tiến Luật – người gây nhiều ấn tượng với khán giả truyền hình bằng những vai diễn gai góc, nhất là khi khoác áo Hải Bánh (vai Sứ) trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn (phần 1)…
Trong khuôn khổ của Trại sáng tác, ca khúc “Khát vọng cuộc đời” (viết nhạc: Nhạc sĩ Ngọc Sơn; Lời thơ: Thạc sĩ – Nhà báo Hồ Minh Sơn) đã ra đời đúng vào ngày sinh nhật Đoàn.
Xuyên suốt Trại, đoàn sáng tác đã tham quan nhiều địa điểm, tiêu biểu như: Quảng trường 23/3 – biểu tượng của trung tâm TX Đồng Xoài và tỉnh Bình Phước – nằm trong khu trung tâm hành chính tỉnh, phía trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các hạng mục của Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài: Tượng đài chiến thắng, tranh phù điêu, nhà trưng bày lưu niệm, đài phun nước…
Nhiều cảm xúc đã dấy lên khi đoàn sáng tác tham quan Mộ 3.000 đồng bào TX Bình Long, Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Đây là mộ tập thể của 3.000 người chết trong Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra suốt 32 ngày đêm với hướng tiến công chủ yếu trên Đường 13 với khu vực quyết chiến là Lộc Ninh và An Lộc (nay là tỉnh Bình Phước). Để giải quyết số người chết trong chiến sự ở An Lộc, địch đã dùng xe ủi, ủi hàng ngàn tử thi xuống hố chôn tạo nên ngôi mộ tập thể này.
Bối cảnh sáng tác tại Quảng trường 23/3, Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài (trên) và Tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, Mộ 3.000 đồng bào TX Bình Long (dưới).
Ngoài ra, đoàn sáng tác đã đến thăm Tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô – Di tích lịch sử quốc giatại xã Tân Khai, huyện Hớn Quản và Nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Sư đoàn 7 và liệt sĩ thuộc các lực lượng vũ trang địa phương đã hy sinh tại đây; trao tặng xe lăn điện cho 2 chị em tí hon Cam Thị Liên, Cam Thị Nghiệp ở H.Hớn Quản; viếng chùa Phật Quốc Vạn Thành (P. Hưng Chiến, TX Bình Long) – khu tổ hợp gồm 24 hạng mục lớn, trong đó có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 73m, được xem là cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Để chùa Phật Quốc Vạn Thành – TX. Bình Long thêm lung linh và buổi trao tặng xe lăn điện cho 2 chị em tí hon Cam Thị Liên, Cam Thị Nghiệp ở H.Hớn Quản thêm cảm xúc, các nhiếp ảnh gia đã tác nghiệp thật khéo léo.
Đến thăm Căn cứ Tà Thiết – Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền (Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam) thuộc xã Lộc Thành, huyện biên giới Lộc Ninh, các nhiếp ảnh gia đã nhanh tay chụp hàng trăm bức ảnh nhà ở, nhà làm việc của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cùng các hạng mục được xây dựng theo lối nửa chìm nừa nổi, cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt…
Các nhiếp ảnh gia say mê sáng tác tại Nhà giao tế huyện Lộc Ninh (3 hình cuối cùng, bên dưới) và căn cứ Tà Thiết.
Bên cạnh đó, tại huyện Lộc Ninh, đoàn đã viếng chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh) – ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, nơi từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng và thường tổ chức 10 lễ hội lớn hàng năm của người Khmer; thưởng thức nhạc ngũ âm độc đáo và các điệu múa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây; cùng Cụm thi đua Khối Cảnh sát 1 (thuộc ĐTN Công an tỉnh) thăm hỏi, tặng 20suất quà (300 nghìn/suất) cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đến thăm, trao quà cho chốt chống dịch thuộc Đồn Biên phòng Lộc Thiện.
Các hoạt động thăm hỏi, trao quà cho đồng bào dân tộc thiểu số và chốt chống dịch ở khu vực biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đã làm Trại sáng tác trở nên ấm áp tình người.
Đặc biệt, tại Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở điểm X16, ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (H.Lộc Ninh), đoàn sáng tác đã hội ngộ với đoàn Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP HCM cùng 50 sinh viên Campuchia đang học tập ở TP HCM.
Cuộc gặp gỡ tình cờ với đoàn cán bộ, sinh viên Campuchia tại Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Hun Sen đã mang nhiều cảm xúc cho đoàn sáng tác.
Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, đoàn sáng tác đã đến thăm trang trại Thiên Nông của startup Đặng Dương Minh Hoàng; tham quan Vườn quốc gia Bù Gia Mập – ngôi nhà của 1.117 loài thực vật và hơn 40 loài động vật hoang dã; nghỉ đêm tại nhà dài của Vườn, cùng giao lưu lửa trại, xem biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp với thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Tại đồi Bằng Lăng thuộc núi Bà Rá hùng vĩ (TX Phước Long) – một trong 3 ngọn núi cao nhất Nam bộ, đoàn sáng tác đã thắp hương tại Đền thờ Liệt sỹ và đồng bào tử nạn núi Bà Rá. Dừng chân ở Độ Sinh Tự trên đỉnh núi này, nhiều cảm hứng đã được khơi gợi cho các nhiếp ảnh gia nên họ đã thức dậy vào tờ mờ sáng hôm sau để có thể chụp toàn cảnh TX Phước Long từ đỉnh núi Bà Rá vào lúc bình minh.
Đoàn sáng tác đã có dịp xem biểu diễn cồng chiêng, thăm Vườn quốc gia Bù Gia Mập, viếng chùa ở đỉnh núi Bà Rá, nhìn toàn cảnh TX Phước Long từ đỉnh núi Bà Rá vào sáng sớm.
Đến thăm Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (H.Bù Đăng), đoàn sáng tác đã cùng tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cách làm canh thụt – món ăn truyền thống của một số đồng bào S’tiêng, M’nông, Khmer…; giao lưu lửa trại, xem đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương biểu diễn cồng chiêng, từ đó thu gom chất liệu để sáng tác hiệu quả.
Thưởng thức nhạc ngũ âm, múa lâm vông ở chùa Sóc Lớn; xem dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế biến canh thụt, múa cồng chiêng tại Sóc Bombo đã giúp các nghệ sĩ thêm nhiều cảm hứng sáng tác.
Vào ngày cuối của Trại, đoàn sáng tác đã viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước (xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú), Đền thờ vua Hùng tại huyện Phú Riềng; viếng Tượng đài Phú Riềng Đỏ (xã Thuận Phú, H.Đồng Phú), Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia – nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của khu vực Đông Nam Bộ.
Để tìm hiểu về chủ đề “Bình Phước – đất và người”, đoàn sáng tác đã đến viếng Đền thờ vua Hùng, H.Phú Riềng (các hình trên) và Tượng đài Phú Riềng Đỏ, H.Đồng Phú (các hình dưới).
Trong khuôn khổ của Trại, Talkshow “Âm nhạc – Nhiếp ảnh và cuộc sống” đã diễn ra tại huyện Lộc Ninh với sự bộc bạch của nhạc sĩ Lê Minh, NSNA Lê Xuân Thăng và diễn viên Văn Tiến Luật cùng Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy đã góp phần khơi dậy trong mỗi bạn trẻ địa phương tình yêu âm nhạc và nghệ thuật nhiếp ảnh.
Dự Talkshow “Âm nhạc, nhiếp ảnh và cuộc sống”, Diễn đàn “3F – Từ nông trại đến bàn ăn” tại Gia Bảo Ecofarm, thăm trang trại Thiên Nông đã gợi nhiều ý tưởng cho đoàn sáng tác.
Song song đó, với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hòa – Nhà sáng lập OBC Việt Nam (Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ); Giám đốc Công ty DeLi Việt Nam Huỳnh Hòa Hiệp; Trưởng Văn phòng VCCI tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Trường; Tiến sĩ Lê Ánh Dương – Viện IMRIC và Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Quốc Duy, Diễn đàn “3F – Từ nông trại đến bàn ăn” tại Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu (startup ở TX Phước Long) đã giúp các bạn trẻ địa phương hiểu về mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ đó cùng xây dựng nền nông nghiệp xanh.
(Bài được xuất bản trên Tc in Thương trường và Doanh nghiệp số T4/2022)
Thắng Trân