Trường học Việt Nam: Các yêu cầu cơ bản xây dựng tiêu biểu, thực trạng và giải pháp
(HNTT) – Truyền thống văn hóa hơn bốn nghìn năm Văn Hiến của Việt Nam luôn coi trọng yếu tố con người, không ngừng phát huy những nét đẹp của tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong giáo dục và đào tạo. Theo quan niệm truyền thống, người thầy luôn được xem như là chủ thể của giáo dục và thể hiện rõ nét thông qua những câu nói như: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)”. Triết lý cao đẹp của nền giáo dục truyền thống là sản sinh ra được những thế hệ người trò có “tâm, tài, đức”, hướng người học đến “chân, thiện, mỹ”, duy trì được các chuẩn mực đạo lý gia đình – xã hội và luôn nuôi dưỡng tình yêu thương gia đình, cộng đồng và quê hương đất nước, duy trì những truyền thống tốt đẹp như “lá lành đùm lá rách” hoặc “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…
Đọc báo Đảng và trả lời câu hỏi quán triệt nội dung bằng song ngữ Anh – Việt sáng thứ hai hàng tuần dưới cờ tại Trường CĐYT Lâm Đồng (Đà Lạt, năm 2019).
1, Mở đầu
Trong mối quan hệ gia đình, giáo dục và đào tạo góp phần giúp nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình Việt Nam, với đặc thù của sự chung sống hòa thuận của nhiều thế hệ và luôn duy trì lòng “ hiếu thảo” cùng với sự “kính trên nhường dưới”.Những nét đẹp này là sự phản chiếu thành quả của giáo dục từ gia đình và nhà trường xuyên suốt qua các cấp học, thông qua sự thẩm thấu những điều tốt đẹp từ các mối quan hệ với thầy cô, với bạn bè, với ý thức kỷ luật và nề nếp trong văn hóa ứng xử và cả trong thực hiện nội quy trường lớp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay và do yêu cầu của thực tiễn, cần phải xây dựng một mô hình trường học tiêu biểu trên cở sở vừa tôn vinh những truyền thống tốt đẹp của văn hóa – giáo dục của dân tộc, vừa bảo đảm được tính văn minh – hiện đại của thời đại, vừa chủ động phát huy được vai trò và sứ mệnh của người dạy và người học là điều cần thiết. Đây cũng là cơ sở góp phần vào thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW (4/11/2013) và những tinh hoa đúc kết được từ những tư tưởng chủ đạo của Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021).
2, Cơ sở lý luận làm nền tảng cho việc xây dựng mô hình trường học tiêu biểu
Việc giáo dục đạo đức, văn hóa phải được nuôi dưỡng từ gia đình, phát triển trong nhà trường và tương tác, phát huy trong mối quan hệ xã hội. Do vậy, nhà trường có vai trò rất quan trọng và tiên quyết trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, song hành cùng với gia đình. Một đất nước có nền văn hóa – giáo dục tốt sẽ được biểu hiện rõ nét thông qua các ứng xử xã hội, vì đây là tập hợp những phản chiếu đa chiều, đa sắc của những quy tắc ứng xử, của những chuẩn mực đạo đức và những nét tinh hoa của truyền thống dân tộc. Có thể nói rằng việc đổi mới và phát triển của giáo dục hiện nay đòi hỏi vai trò đóng góp tích cực của từng thành viên trong xã hội và chủ thể của giáo dục không chỉ phải là người thầy mà phải đặt trọng tâm vào người học và những thực thể có liên quan.
Cần xây dựng mô hình trường học tiêu biểu trong giáo dục đào tạo không chỉ dựa trên những thành tựu của sự đổi mới và sáng tạo, mà còn phải dựa trên những nét đẹp trongtruyền thống văn hóa, hạn chế những khiếm khuyết của nền giáo dục “khoa cử từ chương”còn tồn tại; phải kết hợp chặt chẽ với tính hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa, sự đa dạng trong giáo dục đào tạo và xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế của văn hóa và giáo dục. Do vậy mỗi trường học phải là một mô hình thu nhỏ của nền văn minh & văn hóa xã hội, giáo dục kiến thức phải song hành với giáo dục con người. Mỗi người học và mỗi người thầy, mỗi cán bộ quản lý giáo dục và những con người làm việc trong các cơ sở giáo dục đào tạo phải là một tấm gương tiêu biểu về văn hóa, hội tụ những phẩm chất và tình cảm cao đẹp nhất của con người Việt Nam.
Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục đào tạo (NQ-TW29) là kim chỉ nam cho sự đổi mới của nền giáo dục Việt Nam, dựa trên những đổi mới về thể chế và cơ sở pháp lý về giáo dục đào tạo, đổi mới thiết chế tổ chức của các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt phải lấyyếu tố con người bao gồm người thầy và người trò làm nền tảng. Sự phát huy năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người đứng trên bục giảng, kết hợp với việc tập trung nâng cao vị thế và vai trò người học sẽ góp phần xây dựng mỗi cơ sở giáo dục đào tạolà một hạt nhân trong sự đổi mới. Giáo dục đào tạo các cấp học phải lấy văn hóa truyền thống là cốt lõi, lấy tư tưởng đổi mới & sáng tạo của nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng được một trường lớp mang tính ưu việt, bảo đảm công bằng, dân chủ và văn minh.
Xây dựng mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục đào tạo thành một mô hình tiêu biểu về văn hóa và giáo dục dựa trên những giá trị chuẩn mực đạo đức & văn hóa của UNESCO làrất cần thiết, song hành với việc xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam hiện nay;gắn liền với việc xây dựng một “xã hội học tập”, “công sở văn hóa”… sẽ góp phần vào việc xây dựng và đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Mỗi trường học phải vận dụng và thích ứng với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thích ứng với tình trạng dịch bệnh, chung tay phòng chống ô nhiễm môi trường, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, không ngừng phát triển thể chất của người học, để vì một mục tiêu chung là “Xây dựng nền giáo dục Việt Nam mang tính hiện đại, tiên tiến, đa dạng về bản sắc và giàu truyền thống văn hóa dân tộc”.
Khai giảng lớp võ cổ truyền cho CBVC Trường CĐYT Lâm Đồng do Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo – Trưởng Ban kỹ thuật Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam hướng dẫn(Đà Lạt, năm 2018).
3, Thực trạng về nền tảng tư tưởng trong xây dựng trường học tiêu biểu hiện nay
Dựa trên thực hiện chức năng nhiệm vụ then chốt là “trồng người”, một số cơ sở giáo dục đào tạo và nhà trường tập trung chủ yếu vào việc truyền đạt kiến thức – kỹ năng – thái độ cho người học, áp dụng một số phương pháp dạy – học mới nhằm phát huy năng lực tư duy & khả năng sáng tạo của người học; thế nhưng chưa tạo động lực cho người học các cấp phát huy toàn diện những đức tính tốt đẹp về văn hóa và đạo đức một cách chủ động, chưa tập trung nhiều vào sự nuôi dưỡng tâm hồn người học với một tinh thần nồng nàn yêu nước – thương người, chưa chú trọng đề cao những chuẩn mực đạo đức cao đẹp của người công dân, trách nhiệm cao cả với gia đình, với cộng đồng và xã hội; do vậy chưa nêu bật được trách nhiệm người học với bản thân trong học tập, sáng tạo và trong rèn luyện ý thức nề nếp – kỷ luật. Đặc biệt, việc phát triển thể chất chưa được quan tâm đúng mức, do vậy người học là thế hệ trẻ chưa được phát triển mạnh mẽ, hài hòa và toàn diện về thể chất lẫntâm hồn.
Nhà trường và các cơ sở quản lý giáo dục các cấp đã có nhiều đổi mới tích cực, nhưng tập trung chủ yếu vào những thay đổi về cấu trúc nhiều hơn là phát triển nội hàm của việc xây dựng một môi trường văn hóa và giáo dục tiêu biểu. Giá trị này được biểu hiện thông qua các mối quan hệ giàu tính nhân văn giữa người dạy – người học, mối quan hệ giàu chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức công vụ của những con người phục vụ trong các cơ sở giáo dục đào tạo, phải có tác phong và tư duy làm việc mang tính đổi mới, sáng tạo, giàu truyền thống và thể hiện rõ nét các thuộc tính khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại và tiêu biểu.
Mối quan hệ nhân sự học đường còn mang đậm tính truyền thống và tập trung chủ yếu vào người thầy. Một số cơ sở giáo dục phải thường xuyên sử dụng công cụ quản lý nhà nước để xử lý các khiếm khuyết về quy chế công vụ, văn hóa công sở, trong đánh giá hoàn thành chức năng & nhiệm vụ, nhiều hơn là tạo sự thay đổi dựa trên nền tảng việc nâng cao các giá trị văn hóa & đạo đức công sở, mối quan hệ con người giàu tính nhân văn, những chuẩn mực trong sự nêu gương của người thầy, hướng đến xây dựng một trường học luônmang tính “kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”.
Một số trường học chưa thật sự sáng tạo và chủ động vận dụng những quan điểm giáo dục hiện đại của tổ chức UNESCO vào thực tiễn, chưa vận dụng triệt để những tinh hoa vàtrí tuệ của các nghị quyết trung ương vào xây dựng mô hình trường học tiêu biểu, chưa coi trọng việc xây dựng công sở văn minh – văn hóa, chưa quán triệt việc phát huy truyền thống khuyến học – khuyến tài cơ sở, trong đó nhà trường phải là hạt nhân của xã hội học tập. Một số cơ sở giáo dục đào tạo, trường học chưa thấy được tầm quan trọng của việc phát triển đơn vị thành một cơ sở giáo dục hiện đại, một trường học thông minh, nơi giao thoa và hội tụ những nét văn hóa & giáo dục tốt đẹp của quốc gia và hội nhập quốc tế; chưa phát huy ở mức độ cao nhất vai trò của người học, lột tả được những giá trị tình cảm, những đức tính cao đẹp của người học, đặc biệt người học là thế hệ trẻ, người chủ tương lai của đất nước.
Do vậy, một số cơ sở giáo dục đào tạo, trường học hiện nay tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chức năng đào tạo và chưa tạo động lực cho sự đổi mới về một môi trường giáo dục mang tính năng động, sáng tạo, phát huy vai trò của người học – người dạy và nhà trường cũng là chủ thể văn hóa & giáo dục của cộng đồng và xã hội.
4, Xây dựng mô hình trường học giàu truyền thống, văn minh – hiện đại, chuyên nghiệp
Để xây dựng được một cơ sở giáo dục đào tạo hay một trường học giàu truyền thống, hiện đại, giàu tiềm năng và tầm nhìn cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mang tính thời đại, cần phải xây dựng một mô hình trường học tiêu biểu về văn hóa và giáo dục dựa trên nền tảng việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt, bền vững các chủ trương chính sách quốc gia và các giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa & giáo dục dân tộc được trình bày sau đây.
4.1. Xây dựng nhà trường mang tính kỷ luật và giàu tính nhân văn phù hợp với thực tiễn
Kỷ luật là nền tảng cơ bản để phát huy những giá trị người dạy – người học trong việc truyền tải những kiến thức cần truyền đạt, cần tiếp thu. Môi trường giáo dục, học đường có kỷ luật giúp phát huy những giá trị văn hóa trong giáo dục, những chuẩn mực đạo đức, phát huy vai trò nêu gương của người thầy; giúp phát huy được vai trò nêu gương về phong cách kỷ luật, nội quy công vụ của người đứng đầu tổ chức, đứng đầu bộ phận; góp phần duy trì kỷ luật trong học đường và trong các đơn vị giáo dục đào tạo.
Trong môi trường giáo dục, duy trì kỷ luật tổ chức là yếu tố tiên quyết bảo đảm cho việc duy trì và điều chỉnh các mối quan hệ trong nhà trường, trong hệ thống giáo dục đào tạo. Thực tiễn cho thấy nhà trường thiếu hoặc khiếm khuyết về ý thức tổ chức kỷ luật sẽ là tiền đề sản sinh ra những thiếu sót, những khiếm khuyết trong mối quan hệ giữa người dạy vớingười học, giữa người dạy với người dạy và giữa người học với người học. Không có kỷ luật tổ chức thì cơ sở giáo dục đào tạo, nhà trường không xây dựng được một môi trường văn hóa & giáo dục học đường vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.
Do đó, xây dựng kỷ luật đặc thù trong các cơ sở giáo dục đào tạo, trong các trường họcphải dựa trên tính nghiêm minh – dân chủ – trách nhiệm, lấy quy chế công vụ, quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đào tạo, trách nhiệm của người dạy – người học làm nền tảng, tạo tiền đề cho sự phát triển và đổi mới. Kỷ luật nghiêm minh của nhà trường sẽ là cơ sở để đưa các chủ trương chính sách quốc gia đã được ban hành vào cụ thể hóa trong các hoạt động giáo dục và trong nhà trường như là “xây dựng xã hội học tập”, “chính sách khuyến học – khuyến tài”, “cơ sở giáo dục đào tạo văn minh – hiện đại”, “năng lựcthích ứng linh hoạt – chuyên nghiệp”, “vận dụng sáng tạo thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong xây dựng trường học thông minh”…góp phần đa dạng hóa trong giao thoa văn hóa – giáo dục và ngôn ngữ trong các mặt hoạt động và giảng dạy nhằm phát huy tối ưu năng lực và tư duy sáng tạo, năng lực đổi mới theo chuẩn kỷ năng của người dạy vàngười học, của người quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo; tiến đến xây dựng và phát triển mỗi nhân tố trong hệ thống giáo dục đào tạo, trong nhà trường là những cá nhân tiêu biểu hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất về trí – tài và đức trong môi trường giáo dục, là những cá nhân và tập thể tiêu biểu trong sự hội tụ của văn hóa & giáo dục; và của cả những phẩm chất tình cảm cao đẹp mang đậm nét truyền thống dân tộc và tiêu biểu của con người Việt Nam.
4.2. Xây dựng nhà trường mang tính chuyên nghiệp, hiện đại và đặc thù là yêu cầu tất yếu
Xây dựng thuộc tính chuyên nghiệp, hiện đại và đặc thù trong các cơ sở giáo dục đào tạo, trong nhà trường và các chủ thể có liên quan là một yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hiện nay. Đây cũng là yêu cầu vừa mang tính tất yếu của việc đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục đào tạo, vừa bảo đảm cho việc phát huy những giá trị con người trong môi trường giáo dục mang tính đặc thù, tiên tiến và giàu bản sắc.
Tính chuyên nghiệp và hiện đại trong bộ máy tổ chức của các cơ sở giáo dục đào tạo, của nhà trường và các chủ thể có liên quan bảo đảm cho việc thực hiện các thắng lợi cácnghị quyết trung ương về tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, đổi mới giáo dục đào tạo (NQ-TW18-19-29); nhằm phát huy hiệu quả năng lực của tổ chức và của từng thành viên có liên quan. Sự chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động công vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của người dạy và hoạt động chuyên môn của người học sẽ giúp phát huy những phẩm chất tốt đẹp của truyền thống văn hóa & giáo dục đã được nuôi dưỡng, hình thành và phát triển trong mỗi chủ thể của nhà trường, mục tiêu là hướng đến tính “chân – thiện – mỹ”trong mỗi chủ thể.
Bên cạnh đó, sự đòi hỏi cấp thiết của hội nhập quốc tế, của quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo bước nhảy vọt và đột phá trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, những yêu cầu của việc vận dụng những thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 trong tình hình mới theo tinh thần nghị quyết trung ương (NQ-TW52), từng cơ sở giáo dục đào tạo, nhà trường phải tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm mục tiêu xây dựng nhà trường mang tính văn minh – hiện đại theo xu hướng đa dạng hóa trong giáo dục đào tạo nhưng vẫn giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nền văn hóa & giáo dục truyền thống.
Tính chuyên nghiệp và hiện đại của mỗi chủ thể trong các cơ sở giáo dục đào tạo, trongnhà trường còn phải được thể hiện trong sự phát triển không ngừng những năng lực chuyên biệt, đặc thù trong giáo dục bao gồm những kỷ năng cao về sử dụng ngoại ngữ – công nghệ thông tin, làm việc theo quy trình, bồi dưỡng các kỹ năng mềm chuyên biệt trong hoạt động dạy và học, nâng cao năng lực thích ứng – cạnh tranh vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa mang tính hiện đại, dựa trên nền tảng văn hóa công vụ đặc thù của giáo dục đào tạo và của văn hóa trường học.
4.3. Xây dựng tinh thần xã hội học tập trong nhà trường và các cơ sở giáo dục đào tạo
Tinh thần xã hội học tập được triển khai trong cả nước phải được vận dụng phù hợp, sáng tạo, bền vững vào mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, mỗi trường học; là động lực để mỗi người thầy, người trò phải không ngừng ra sức học tập. Đặc biệt tinh thần xã hội học tập phải được tổ chức thực hiện thường xuyên – liên tục, trường kỳ trong hệ thống giáo dục đào tạo; các cơ sở đào tạo và mỗi trường học phải là một tấm gương phản chiếu của một xã hội học tập thu nhỏ, mỗi thầy cô là một tấm gương về học tập – học suốt đời, thể hiện trong việc không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn & nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành, tạo động lực và niềm đam mê về học tập, học suốt đời trong các thế hệ học sinh vàsinh viên. Thực hiện tinh thần “mỗi người thầy cô giáo vừa là người thực hiện sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp trồng người, vừa phải là người trò trong việc luôn không ngừng học tậpcủa một xã hội học tập; mỗi trường học phải là nơi để học sinh, sinh viên phải là những người học thật, thi thật và tài năng thật” (Trích lời phát biểu của Thủ tướng chính phủ nhân lễ gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu – nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021).
Xây dựng “xã hội học tập” trong nhà trường phải bắt đầu bằng những chủ trương &chính sách định hướng về học tập chuyên môn – nghiệp vụ, học tập nâng cao trình độ chính trị, năng lực quản lý nhà nước, thực hiện tốt việc học tập làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong mỗi cán bộ viên chức công tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, trong học sinh và sinh viên. Luôn nêu cao tinh thần tự học, học suốt đời trong môi trường giáo dục, trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trong mỗi trường học, nhằm tạo sự lan tỏa một “xã hội học tập” trong cộng đồng dân cư, trong mỗi hộ gia đình và toàn xã hội.
Cần phải chú trọng công tác tuyên truyền về “xã hội học tập” trong hệ thống giáo dụcquốc dân, trong cộng đồng dân cư, luôn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu về học tập suốt đời, về xã hội học tập; nêu bật được ý nghĩa của việc triển khai xây dựng và phát triển xã hội học tập trên tinh thần học để nâng cao năng lực bản thân, học tập suốt đời để đóng góp tốt hơn cho cộng đồng cho đất nước, học để truyền đạt những cái mới, những điều hay và lẽ phải cho các thế hệ người học, các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng. Bên cạnh đó, học tập suốt đời còn nhằm để phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, phát huy văn hóa “xã hội học tập” trong thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân. Do vậy mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải nhận thức rõ học tập suốt đời, xã hội học tập là một trong những giải pháp giúp nâng cao và nuôi dưỡng những tình cảm cao đẹp của con người, giúp phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và làm giàu đẹp hơn nữa mỗi tâm hồn người Việt Namluôn“hiếu học”.
4.4. Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường là việc làm mang tính thiết yếu
Văn hóa đọc là nền tảng xây dựng xã hội học tập và giúp phát huy, nuôi dưỡng tình cảm, suy nghĩ, năng lực tư duy nhận thức của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi người thầy vàngười trò. Đọc sách mang lại những giá trị tinh thần cao đẹp cho mỗi đối tượng trong mọitầng lớp xã hội, đặc biệt là những chủ thể của giáo dục đào tạo. Những cuốn sách hay là những kho tàng vô giá về văn hóa và tri thức của nhân loại. Đại văn hào Nga – Maxime Gorky đã từng nói rằng “mây đen có thể che kín cả bầu trời, nhưng không có gì che được ánh sáng của sách vở mang lại”.
Do vậy, việc xây dựng văn hóa đọc ngay từ trong nhà trường là cơ sở để hình thành văn hóa của tổ chức, có hiệu quả tương tự như việc xây dựng nề nếp và kỷ luật của hoạt động công vụ trong lĩnh vực giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, mỗi trường lớp phải không ngừng chấn hưng văn hóa đọc của tổ chức, có quy định cụ thể về phát triển văn hóa đọc trong đơn vị và tạo điều kiện phát triển phong phú và đa dạng các đầu sách, danh mục sách điện tử trong mỗi thư viện nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục đào tạo và xây dựng các tủ sáchvăn hóa trong cộng đồng và trong mỗi hộ gia đình.
Do bởi việc đọc sách là một thói quen được nuôi dưỡng trong một thời gian dài, thế nên phải luôn được duy trì trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, thích ứng linh hoạt về quỹ thời gian trong giờ & ngoài giờ, linh hoạt về hình thức. Đặc biệt nhà trường phải là nơi khơi dậy tinh thần về văn hóa đọc trong mỗi cá nhân người thầy, người trò và lan tỏa đến gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội. Mỗi cuốn sách hay, một tác phẩm văn học luôn đúc kết những lời hay, ý đẹp, những điều bổ ích mà mỗi người đọc có thể rút ra được; đọc sách là một phương thức hữu ích giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giúp vun đắp và bồi dưỡng những tình cảm cao đẹp, xây dựng lòng yêu quê hương đất nước và giúp mọi người hướng đến “chân -thiện – mỹ”.
4.5. Xây dựng thuộc tính “Chân -Thiện- Mỹ” và năng lực thích ứng trong mỗi trường học
“Chân – thiện – mỹ” là những thành tố cơ bản để xây dựng một trường học mang tính tiêu biểu và tạo tiền đề để đổi mới giáo dục đào tạo, nhằm hình thành nên những con người hội tụ những phẩm chất cao đẹp của truyền thống dân tộc và của một nền giáo dục tiên tiến.
Mỗi người thầy, người trò trong mỗi trường học, trong mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải nuôi dưỡng và thể hiện tính chân thật trong tình cảm, trong suy nghĩ và cả trong ứng xử. Luôn hướng đến cái thiện, lên án và phê phán những thói hư – tật xấu vẫn còn sót lại trong môi trường giáo dục. Xây dựng nhà trường cùng với các thầy cô giáo, học sinh & sinh viên là những con người có nhân cách cao quý, có phẩm chất và thể chất tốt đẹp và mỗi chủ thể trong giáo dục đều là nơi giao thoa và hội tụ cao nhất của thuộc tính “chân – thiện – mỹ”.
CBVC Trường CĐYT Lâm Đồng phát minh sáng chế và sản xuất khẩu trang giấy lọc 7 lớp tẩm nhuộm tinh dầu húng chanh có tác dụng diệt khuẩn gửi tặng các đơn vị y tế có nhu cầu trong cả nước khi dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam (Đà Lạt, tháng 03/2020).
Trong giai đoạn hiện nay, mô hình trường học tiêu biểu là cấp thiết vì giúp nhân rộng và tạo sự lan tỏa đồng khắp những nét đẹp của văn hóa và giáo dục trong gia đình, trong cộng đồng và toàn xã hội. Thế nhưng, ngoài những yêu cầu nêu trên, mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải có những năng lực tiêu biểu trong khả năng thích ứng với yêu cầu phát triển của thời đại, ý thức bảo vệ môi trường, thích ứng cao với dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được bản sắc một cơ sở giáo dục “xanh – sạch – đẹp” theo đúng nghĩa. Nhà trường phải có năng lực thích ứng với hội nhập giáo dục toàn cầu, thích ứng với nhiệm vụ phát huy tài năng của người học từ các cấp nhằm nuôi dưỡng “nhân tài” và tạo ra được một thế hệ trẻ có đức có tài, có tâm hồn và tình cảm cao đẹp.
5, Kết luận
Xây dựng trường học tiêu biểu là một yêu cầu tất yếu trong đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục đào tạo, là nền tảng cho việc phát huy những truyền thống văn hóa – giáo dụccao đẹp dân tộc, giúp phát huy toàn diện những phẩm chất đạo đức và tâm hồn trong sáng của người học. Xây dựng trường học tiêu biểu giúp hạn chế những khiếm khuyết trong cơ chế tự chủ tài chính học đường, tạo điều kiện cho người học thụ hưởng được những thành tựu tốt nhất của nền giáo dục vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính thời đại và tạo động lực cho người học phát huy ở mức cao nhất tài năng cá nhân trong tâm thế người học là chủ thể của giáo dục và đào tạo.
GS.TSKH.BS Dương Qúy Sỹ
Trường học Việt Nam: Các yêu cầu cơ bản xây dựng tiêu biểu, thực trạng và giải pháp