Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện ISAI: Khi việc thanh toán của người dùng thay đổi, cơ hội thuộc về ai?
(HNTT) – Trước đại dịch Covid – 19 với những diễn biến khôn lường đã ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế toàn cầu. Điều này, đã thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý…Vì lẽ đó, sự thay đổi chóng mặt về thói quen chi tiêu, thanh toán của đại đa số người dùng. Thời điểm này, nếu các ngân hàng, doanh nghiệp tận dụng thành công, đây sẽ là cơ hội bứt phá năng động trong việc chuyển đổi số và tích cực triển khai nhiều sáng kiến mới…
ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI)
Nhiều cơ hội, tiền đề cú huých của thị trường
Chia sẻ về điều này, bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nhấn mạnh: “Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Theo đó, chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số và các xu hướng này sẽ còn được duy trì. Qua đó, sự sẵn sàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trước thanh toán số là bằng chứng cho thấy nỗ lực đầu tư vào công nghệ mới của chúng tôi đã được đánh giá cao, cũng như sự tin tưởng vào mức độ tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.”
Có thể thấy, đây là một sự thay đổi lớn. Đồng thời, cũng tự lúc nào những thói quen sống thường nhật đã dịch chuyển sang trạng thái mới một cách tự nhiên thể hiện qua những thông số biết nói. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong thời gian giãn cách nhu cầu thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động thu hút lượng lớn khách hàng mới sử dụng. Đây là điều dễ hiểu khi yêu cầu hạn chế trong tiếp xúc trở thành yếu tố hướng người tiêu dùng đến với thói quen mua sắm online, thanh toán điện tử.
Cụ thể, giao dịch qua kênh internet tăng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị. Giao dịch qua kênh điện thoại di động cũng tăng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Mặt khác, tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021 mới đây khẳng định rằng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 16 tỷ USD, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%. Tiềm năng về sự tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt chính là động lực để các ngân hàng số có thể tiếp tục phát triển sản phẩm, dịch vụ nền tảng số.
Tương tự, Younet Media đã công bố một nghiên cứu mới đây, thói quen dùng tiền mặt của khách hàng buộc phải “tháo lui” đang dần nhường chỗ cho xu hướng cà thẻ, chuyển khoản online trong thời điểm giãn cách. Mọi thứ đều phải online, nhiều group Facebook, group Zalo chuyên bán thực phẩm, rau củ quả mọc lên chi chít như nấm sau mưa.
Thanh toán số cơ hội “bứt phá” của ngân hàng số
Trao đổi với chúng tôi, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho hay: Hiện nay, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, thì việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm, đó là thanh toán điện tử. Đặc biệt, các phương thức thanh toán điện tử ngày một đa dạng như thanh toán qua mobile banking, ví điện tử…các hình thức thanh toán có ưu điểm riêng, có một vị trí phục vụ nhất định trong nhu cầu thiết yếu của người dùng và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số.
Do đó, việc thanh toán điện tử ra đời sẽ làm giảm được khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí trong khâu in ấn, vận chuyển tiền, giảm được chi phí lao động xã hội. Cùng với đó, thanh toán điện tử giảm tải thất thoát, tốn kém và các rủi ro không mong muốn cho người sử dụng, đặc biệt khi giao dịch các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lớn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khách hàng truyền thống trước giờ vẫn chung thủy thói quen rút tiền mặt để bỏ vào ví, nhưng nay cũng buộc phải học cách cài đặt các phần mềm ngân hàng số, ví điện tử để tiện cho việc đóng tiền điện, tiền nước và các phí dịch vụ cho gia đình. Khi mới dùng còn gặp chút khó khăn, nhưng do hoàn cảnh dần dần họ đã bắt đầu bị chinh phục bởi sự đơn giản, tiện lợi và sử dụng “app” nhiều hơn. Như vậy, đây lại là tiền đề cho sự bứt phá của ngân hàng số hiện nay, khi việc giãn cách mang đến cơ hội sẵn sàng hòa nhập xu hướng không tiền mặt ngày một rõ nét.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI), nhấn mạnh: “Nhiều ngân hàng đã nhận thấy đây là cơ hội từ rất sớm khi đợt giãn cách đầu tiên. Do đo, đã kịp hành động và thiết kế các tính năng trên ứng dụng ngân hàng số để phục vụ cho những nhu cầu ở yên tại chỗ của khách hàng. Trong đó, phải kể đến các tiện ích mới cùng các ưu đãi thiết thực thu hút khách hàng tải và mở tài khoản như cung cấp tài khoản số đẹp, mở tài khoản 0 phí, các chính sách miễn phí chuyển khoản, mở thẻ online,…đều được các ngân hàng triển khai quyết liệt trong thời gian này.
Tin rằng, cơ hội bứt phá trong cuộc đua ngân hàng số dường như không phân định giữa ngân hàng quy mô lớn và ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, với những khách hàng hay sử dụng thẻ để mua sắm, liên kết ví, thanh toán, việc có ngay một chiếc thẻ tín dụng ảo chỉ sau vài bước đơn giản trên digimi sẽ giúp khách hàng rất nhiều trong chi tiêu. Thẻ tín dụng ảo nhưng toàn bộ các tính năng, ưu đãi, khách hàng được hưởng như thẻ bình thường. Nếu muốn, chủ thẻ sẽ được ngân hàng giao thẻ đến tận nhà.
Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) chỉ ra rằng: Khi có nhu cầu thì người dùng chỉ cần tải ngân hàng số digimi về điện thoại của mình, từ những nhu cầu rất đơn giản như xem số dư không cần đăng nhập, đăng nhập bằng mã pin, đặt lịch chuyển tiền,… đến các nhu cầu giao dịch tài chính cần thiết: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, bán ngoại tệ,…khách hàng được đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện.
Dịp này, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) trao đổi thêm: Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam đã thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trong 1 năm qua với nhiều chương trình, hoạt động một cách rất cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương. Song song đó, những thay đổi trong thói quen thanh toán online của người dùng trong thời gian giãn cách vừa qua, thì tỷ trọng giao dịch online so với các giao dịch tiền mặt trước đây của các ngân hàng cũng tăng trưởng rõ rệt. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội bứt phá trong cuộc đua của ngân hàng số không chỉ dành cho một nhóm ngân hàng, mà có thể nói là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp để đẩy mạnh sự phát triển của mình phù hợp với xu thế và nhu cầu người dùng trong cuộc sống bình thường mới và tương lai.
Văn Hải – Mỹ Huyền
http://thuongtruongvadoanhnghiep.vn/ong-ho-minh-son-vien-truong-vien-isai-khi-viec-thanh-toan-cua-nguoi-dung-thay-doi-co-hoi-thuoc-ve-ai-20271.html