FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới
(HNTT) – Với mục đích phân tích, đánh giá tác động của bối cảnh mới trong nước và quốc tế đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng như dòng vốn FDI vào Việt Nam; đánh giá hoạt động và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trước những biến động của nền kinh tế thế giới, từ đó dự báo về các xu hướng và triển vọng của dòng vốn FDI, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ngày 8/10/2021, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Thương mại, Đại học Hải phòng và Ban quản lý Khu kinh tế Hải phòng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Cú sốc kinh tế do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ số đã đặt ra những thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới, khi vừa phải tìm mọi biện pháp để chống dịch, vừa phải duy trì và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, những biến động lớn của kinh tế toàn cầu như chiến tranh thương mại, thiên tai, xung đột, bạo động… bao trùm nhiều nơi đã làm đảo lộn cuộc sống và khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách kinh tế, trong đó có chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Hội thảo là một diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến sự thay đổi của dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu và ứng biến của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, dòng FDI đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, giúp dịch chuyển và phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, trong suốt 35 năm thực hiện Đổi mới, FDI luôn là một trong những động lực đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế thông qua bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần nâng cao trình độ công nghệ.
PGS Nguyễ Trúc Lê nhận định, trong thời gian gần đây, dòng vốn FDI toàn cầu nói chung và FDI vào Việt Nam nói riêng chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 và các biến động lớn của nền kinh tế thế giới. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động chưa từng có trong tiền lệ. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thương mại – đầu tư, gây đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả là nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù các quốc gia đã tích cực và nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp phòng chống Covid-19, nhưng cho đến nay dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Tác động tiêu cực của dịch bệnh do đó còn tiếp tục kéo dài và chưa thể đánh giá hết. Những biến động này có tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến tăng trưởng kinh tế, thương mại và đặc biệt là dòng vốn FDI toàn cầu. Bên cạnh đó xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư các dự án FDI để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu và quan trọng cho thị trường các nước phát triển. Các nước đang phát triển ở khu vực châu Á ngày càng trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn, là nhóm duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương về FDI và trở thành khu vực thu hút FDI nhiều nhất thế giới trong năm 2020.
“Là đối tượng trực tiếp chịu tác động cũng như nhận thức được cả các cơ hội lẫn thách thức từ bối cảnh mới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược, chính sách hết sức đa dạng để chống chịu, khôi phục trong và sau đại dịch. Việc nghiên cứu, đánh giá về những tác động của bối cảnh mới đối với dòng vốn FDI và những điều chỉnh chính sách của doanh nghiệp FDI là hết sức cần thiết nhằm giúp đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc tiếp tục thu hút FDI một cách chọn lọc, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” – PGS Nguyễn Trúc Lê cho biết.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới” chính là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và học giả quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến sự thay đổi của dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu, ứng biến của các doanh nghiệp FDI và các hàm ý chính sách cho Việt Nam để tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI một cách chọn lọc và hiệu quả trong bối cảnh mới.
Theo VVH/Tc KH&CNVN