ThS. Trần Quốc Duy chia sẻ về những cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong kỷ nguyên số

(HNTTO) – Trong kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, những lĩnh vực như điện toán đám mây, an ninh mạng, tiếp thị số và hoạt hình đang nổi lên như những ngành nghề “thời thượng”, không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong nước mà còn mở ra triển vọng phát triển toàn cầu cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Điện toán đám mây đang dần trở thành một yếu tố quan trọng trong nhiều ngành nghề.
Đó chính là nhận định của Thạc sỹ Trần Quốc Duy – Chánh Văn phòng Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Cố vấn Tổ chức Lãnh đạo Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) toàn cầu tại Anh quốc sau khi thực hiện một cuộc nghiên cứu về lĩnh vực chuyển đổi số. Theo đó, gần đây, các ngành điện toán đám mây (Cloud Computing) – an ninh mạng (Cybersecurity), tiếp thị số (Digital Marketing) và hoạt hình (Animation) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam.
Điện toán đám mây và an ninh mạng: Nền tảng số cho mọi ngành nghề
Thực tế cho thấy, điện toán đám mây đang trở thành yếu tố then chốt trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, giáo dục đến y tế và thương mại điện tử. Công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hạ tầng, tối ưu quy trình và nâng cao năng suất.
Theo tìm hiểu của Hiệp hội VFAEA; Viện IMRIC và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) năm 2024, quy mô thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% nhờ các sáng kiến chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu gia tăng từ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Cùng với đó, an ninh mạng trở thành yếu tố không thể thiếu nhằm bảo vệ hệ thống và dữ liệu quan trọng.
Số lượng các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng không chỉ đe dọa doanh nghiệp lớn mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do vậy, nhu cầu về chuyên gia an ninh mạng và bảo mật đám mây trở nên ngày càng cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ số dần chuyển dịch lên nền tảng đám mây.
Nắm bắt xu thế này, các “ông lớn” như FPT, VNG, Viettel đang tích cực ứng dụng điện toán đám mây và đầu tư vào bảo mật hệ thống, kéo theo nhu cầu tuyển dụng kỹ sư và chuyên gia công nghệ không ngừng gia tăng.
Tiếp thị số không chỉ là ngành đầy triển vọng mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu.
Tiếp thị số: Bùng nổ trong thời đại kết nối
Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam từ báo cáo Digital 2024: Vietnam của DataReportal, 79% dân số Việt Nam sử dụng Internet và 73,3% dùng mạng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiếp thị số – từ quảng cáo trực tuyến, SEO, mạng xã hội đến email marketing và nội dung số.
Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook, Zalo, TikTok… khiến nhu cầu nhân lực tiếp thị số tăng cao trong các ngành như thương mại điện tử, công nghệ và truyền thông. Chuyên gia digital marketing hiện có thể đảm nhiệm nhiều vai trò như quản lý chiến dịch, tối ưu hóa nội dung, quảng cáo, thiết kế chiến lược tiếp thị đa nền tảng.
Các chương trình đào tạo về tiếp thị số hiện đã được triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục như Đại học RMIT, Fulbright, FPT, Swinburne Việt Nam, UEF, HUTECH, Kinh tế – Luật, Văn Lang, FPT Skillking… Ngoài ra, nhiều khóa học ngắn hạn có chứng chỉ từ các đơn vị đào tạo kỹ năng số cũng đang mở rộng quy mô.
Tiếp thị số không chỉ là lĩnh vực giàu tiềm năng mà còn mang lại cơ hội nghề nghiệp toàn cầu, cho phép người trẻ làm việc với các thương hiệu quốc tế, khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông – nội dung số hoặc tham gia các chiến dịch toàn cầu hóa.
Ngành hoạt hình: Sáng tạo, công nghệ và xu thế toàn cầu
Không kém phần nổi bật là ngành hoạt hình, đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ nhu cầu nội dung số tăng cao và sự thành công của các sản phẩm trong nước như Wolfoo.
Trong 10 năm qua, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã sản xuất gần 800 tác phẩm, trung bình 25 – 30 phim/năm, đóng góp khoảng 10 – 15% doanh thu ngành điện ảnh. Theo báo cáo năm 2024 của IMARC Group, thị trường hoạt hình toàn cầu sẽ tăng trưởng kép 8,12%/năm từ 2025 đến 2033, mở ra nhiều cơ hội cho chuyên gia hoạt hình, thiết kế đồ họa, nghệ sĩ đa phương tiện.
Ngành này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực điện ảnh, mà còn mở rộng sang game, quảng cáo kỹ thuật số, giáo dục trực tuyến, giúp sinh viên các ngành thiết kế, truyền thông, mỹ thuật đa phương tiện có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp sáng tạo và triển vọng.
Ngành hoạt hình đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Đặc biệt, các công ty trong và ngoài nước đang tích cực tìm kiếm nhân lực sáng tạo để phát triển hoạt hình xuất khẩu, trong bối cảnh toàn cầu hóa nội dung.
Đào tạo ngành công nghệ – sáng tạo: Từng bước bắt nhịp xu thế
Việc đào tạo nhân lực cho các ngành mới này đang được các cơ sở giáo dục tiên phong triển khai. Chẳng hạn: FPT Jetking đã triển khai chương trình đào tạo Quản trị An ninh mạng và Đám mây với 70% thời lượng thực hành. RMIT kết hợp AWS Academy đưa 4 học phần điện toán đám mây vào chương trình Công nghệ thông tin.
Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN tích hợp nội dung cloud và an ninh thông tin vào chuyên ngành Mạng máy tính. Đại học CMC (đại học số đầu tiên tại Việt Nam) chính thức đưa ngành điện toán đám mây vào chương trình chính quy.
Trong lĩnh vực hoạt hình và game, Đại học FPT và Arena Multimedia là hai đơn vị tiên phong đào tạo bài bản ngành hoạt hình, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường công lập đầu tiên có chương trình Thiết kế và phát triển game, Đại học RMIT, Arena Multimedia đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo thiết kế game trong lúc FPT Aptech có khóa học lập trình game full-stack.
Tuy nhiên, số lượng trường đào tạo ngành hoạt hình vẫn còn hạn chế, cho thấy tiềm năng mở rộng rất lớn trong thời gian tới.
Hình avatar của bài viết
Định hướng từ sớm – chìa khóa hội nhập nghề nghiệp toàn cầu
Trong bối cảnh công nghệ và số hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng, kiến thức và nhận thức đúng đắn, phù hợp từ sớm là yếu tố then chốt giúp họ hội nhập thành công vào thị trường lao động toàn cầu.
Thạc sỹ Trần Quốc Duy: “Các ngành điện toán đám mây, an ninh mạng, tiếp thị số và hoạt hình đang ngày càng nhận được sự chú ý từ giới trẻ Việt.”
Chia sẻ với chúng tôi, Thạc sỹ Trần Quốc Duy chia sẻ: “Có thể khẳng định, điện toán đám mây, an ninh mạng, tiếp thị số và hoạt hình không chỉ là những ngành nghề hấp dẫn tại Việt Nam mà còn là cầu nối giúp người trẻ nước ta vươn ra thế giới.”.
“Việc định hướng sớm trong các lĩnh vực công nghệ – sáng tạo không chỉ giúp sinh viên nắm bắt kịp thời cơ hội việc làm, mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp trong tương lai. Đây chính là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, giúp thế hệ trẻ Việt Nam tự tin hội nhập, khẳng định bản thân trong môi trường làm việc số hiện đại,” Thạc sỹ Trần Quốc Duy nói thêm.
(Bài xuất bản số T6, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)
Quang Trung – Quang Huy