Nhức nhối vấn nạn buôn lậu thiết bị y tế thời dịch bệnh
(HNTT) – Lợi dụng nhu cầu về dược phẩm, thiết bị y tế tăng cao, một số đối tượng vì hám lợi, bất chấp vi phạm pháp luật để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng này.
Số tân dược được lực lượng Hải quan phát hiện. Ảnh: TCHQ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, lợi dụng tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã có hành vi buôn lậu các trang thiết bị phòng dịch như: Găng tay y tế, bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2…Vụ việc gây chú ý mới đây, lực lượng Hải quan phát hiện hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 ngụy trang dưới vỏ bọc thực phẩm nhập lậu từ Ấn Độ về Việt Nam.
Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm, nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) Lê Dũng, đối với loại hình chuyển phát nhanh, các đối tượng thường chia nhỏ lô hàng và khai báo không đúng bản chất hàng hóa… để vận chuyển số lượng lớn tân dược. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh chú trọng các biện pháp như: Đánh giá phân luồng hàng hóa vào các tuyến trọng điểm và phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, bắt giữ.
Mặt hàng thuốc và kit test COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng thời gian qua, lực lượng hải quan phát hiện nhiều vụ việc nhập lậu kit test nhanh COVID-19.
Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu), lực lượng chức năng vừa tịch thu 180 bộ kit test nhanh COVID-19 và 330 hộp thuốc Arbidol – mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị COVID-19. Được biết, Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc. Trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan, hàng hóa thể hiện là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm… Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan xác định lô hàng có chứa nhiều hàng hóa vi phạm.
Cuối tháng 8/2021, lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây sản xuất, mua bán thuốc điều trị COVID-19 giả và trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc. Theo đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải mang BKS 89H-00755 đang lưu thông trên đường tránh quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Qua đó, phát hiện trên xe chứa 81 bao với khoảng 16.500 bộ quần áo bảo hộ y tế không có nhãn mác.
Theo Tổng cục Hải quan, với sự chủ động thực hiện các kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu, trong quý III/2021, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.365 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa các loại vi phạm ước tính hơn 305 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt gần 50 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan hải quan khởi tố 10 vụ án; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 24 vụ án.
Lũy kế 9 tháng của năm 2021, toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.743 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.843 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 151,712 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan hải quan khởi tố 22 vụ án; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 95 vụ án.
Theo Huy Cường/Báo Tin tức