Lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản ‘khát’ nguồn nhân lực tay nghề cao
(HNTTO) – Theo nghiên cứu, 3/4 các nhà quản lý tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ tại Nhật Bản nhận thấy sự cạnh tranh trong tuyển dụng vào năm ngoái, với lý do hàng đầu là thiếu ứng viên có tay nghề cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Japan Times)
Nhật Bản thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ, trong bối cảnh nước này đang tìm cách số hóa nền kinh tế và khởi động lại ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo nghiên cứu mới đây của Công ty Morgan McKinley, 3/4 các nhà quản lý tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ ở Nhật Bản nhận thấy sự cạnh tranh trong tuyển dụng vào năm ngoái, với lý do hàng đầu là thiếu ứng viên có tay nghề cao.
Xu hướng này cũng phổ biến trong nhiều ngành nghề, với 90% các tổ chức được khảo sát đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh trong tuyển dụng.
Đặc biệt, tình trạng thiếu kỹ sư phần mềm của Nhật Bản đã khiến quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nước này bị tụt hậu.
Báo cáo khuyến nghị Nhật Bản nên chuyển sang tuyển dụng lao động nước ngoài, khi 31% nhà quản lý tuyển dụng trong ngành công nghệ nhận định rằng thiếu ứng viên có kỹ năng là thách thức lớn nhất trong năm nay.
Lao động nước ngoài ở Nhật Bản thời gian gần đây đang gia tăng, lần đầu tiên vượt 2 triệu người tính đến tháng 10/2023. Các công ty đang tập trung vào lao động có tay nghề cao thay vì thuê nhiều nhân viên.
Mức lương cao là ưu tiên hàng đầu của nhân viên công nghệ khi chuyển việc. Hơn 70% người sử dụng lao động trong lĩnh vực này dự kiến sẽ nâng lương ở một số vị trí việc làm trong năm nay.
Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận với nguồn lao động nước ngoài
Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, đánh dấu sự chuyển biến đáng kể trong cách tiếp cận với nguồn lao động từ nước ngoài, giữa bối cảnh quốc gia này nỗ lực tìm cách bổ sung cho lực lượng lao động đang già hóa và thu hẹp dần trong nước.
Chính phủ ngày 9/2 đã thông qua kế hoạch loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, vốn bịchỉ trích là vỏ bọc cho việc nhập khẩu lao động giá rẻ, và thay thế bằng một hệ thống mà họ cho rằng sẽ thực sự dạy kỹ năng và bảo vệ quyền lợi của thực tập sinh.
Hệ thống mới cho phép lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn, hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho thực tập sinh nước ngoài đạt được trình độ kỹ năng nhất định trong vòng ba năm, từ đó mở đường cho họlàm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Kế hoạch này cũng cho phép chuyển giao lao động có điều kiện sang các đơn vị sử dụng lao động khác trong cùng lĩnh vực tại Nhật Bản sau một thời gian nhất định.
Đây là sự khác biệt với trọng tâm của chương trình trước đó, vốn đặt mục tiêu chuyển giao thực tập sinh đã được đào tạo trở lại các nước phái cử.
Hệ thống mới sẽ cho phép họ thay đổi đơn vị sử dụng lao động trong cùng ngành nghề sau khi làm việc từmột đến hai năm tại Nhật Bản.
Thời gian được phép thay đổi sang việc mới sẽ tùy theo từng loại công việc. Hệ thống hiện tại nhìn chung không cho phép điều này. Tuy nhiên, hệ thống mới vẫn tiếp tục hạn chế các loại công việc dành cho thực tập sinh nước ngoài.
Theo hệ thống mới, những lao động nước ngoài đến Nhật Bản với thị thực thực tập sinh 3 năm có thể nâng cấp lên loại công nhân lành nghề, cho phép họ ở lại tới 5 năm và có khả năng nhận được quyền thường trú.
Hệ thống mới tạo điều kiện cho các thực tập sinh tiến tới đạt được thị thực “Kỹ năng đặc định số 1” và sau đó là thị thực “Kỹ năng đặc định số 2.”
Cụ thể, hệ thống tuyển dụng mới đặt mục tiêu phát triển các kỹ năng của các thực tập sinh đạt đến cấp độtương đương với kỹ năng của những lao động nước ngoài lành nghề được cấp thị thực “Kỹ năng đặc định số1” (được phép làm việc tại Nhật Bản tối đa 5 năm).
Tiếp đó, các lao động này sẽ hướng tới thị thực “Kỹ năng đặc định số 2” cấp cho lao động nước ngoài tay nghề cao trong các ngành cụ thể.
Những người sở hữu thị thực số 2 có thể ở Nhật Bản vô thời hạn và có thể đưa gia đình sang cùng. Các tổchức sử dụng lao động nước ngoài sẽ được yêu cầu có kiểm toán viên từ bên ngoài.
Người dân trên đường phố Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: THX/TTXVN)
Các cơ quan giới thiệu việc làm sẽ tạm thời bị cấm tham gia vào chương trình này để ngăn chặn tình trạng các bên môi giới lũng đoạn.
Chính sách này cũng nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống cấp thị thực thường trú cho người nước ngoài với dự đoán số đơn xin cấp quy chế thị thực này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét sửa đổi luật để có thể thu hồi quyền thường trú trong trường hợp chủ sởhữu không thực hiện các nghĩa vụ công, chẳng hạn như nộp thuế và phí bảo hiểm xã hội.
Trước đó, vào tháng 11/2023, một báo cáo của Chính phủ xem xét chương trình hiện tại đã lưu ý rằng những thay đổi cần tính đến việc bảo vệ nhân quyền của người nước ngoài, nâng cao quyền của họ với tư cách là người lao động và tạo ra một hệ thống thuận lợi để họ có thể nâng cao sự nghiệp tại Nhật Bản.
Dân số 126 triệu người của Nhật Bản đang già đi và thu hẹp nhanh chóng, trong khi nhiều ngành công nghiệp thiếu nhân lực.
Chính phủ hy vọng hệ thống mới sẽ đảm bảo và phát triển lực lượng lao động thiết yếu từ nước ngoài đểgiải quyết tình trạng thiếu lao động hiện tại của Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự thiếu đa dạng và thiếu cởi mở của xã hội Nhật Bản cùng với mức lương tương đối thấp đã khiến nước này kém hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài. Những lao động này đang ngày càng chuyển sang lựa chọn các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc.
Phát biểu sau khi hệ thống mới được thông qua, Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng: “Chính phủ đang tìm cách tạo ra một xã hội hài hòa và chúng tôi muốn biến Nhật Bản thành một quốc gia mà người lao động nước ngoài sẽ lựa chọn.”
Luật giới thiệu hệ thống tuyển dụng thực tập sinh mới dự kiến sẽ được trình lên phiên họp Quốc hội đang diễn ra.
Theo dữ liệu của Chính phủ, tính đến tháng 6/2023, gần 360.000 lao động nước ngoài đã tham gia chương trình thực tập sinh kỹ thuật, trong đó đông nhất là đến từ Việt Nam, tiếp theo là Indonesia và Philippines./.
(TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/linh-vuc-cong-nghe-cua-nhat-ban-khat-nguon-nhan-luc-tay-nghe-cao-post927394.vnp