Giáo dụcNghiên cứu trao đổi

Cần tạo khung pháp lý đồng bộ, toàn diện quản lý đội ngũ nhà giáo

(HNTTO) – Ông Trần Kim Tự – nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ về giải pháp quản lý đội ngũ nhà giáo…

Giờ học tại Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Từ phân tích thực trạng, ông Trần Kim Tự – nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập chính sách quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên biệt hiện nay.

Nhiều nhưng chưa đủ

– Ông đánh giá thế nào về thực trạng chính sách quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên hiện nay?

Đối tượng nhà giáo đang làm việc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập không được điều chỉnh bởi pháp luật liên quan đến nhà giáo, mà điều chỉnh bởi pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của nhà giáo rất đặc thù, do vậy, việc áp dụng pháp luật về lao động để quy định tuyển dụng, sử dụng, quyền, nghĩa vụ nhà giáo hoàn toàn không phù hợp. Đây vừa là khoảng trống pháp luật, vừa không phù hợp hệ thống pháp luật đối với khoảng 10% đội ngũ nhà giáo.

– Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc tới đội ngũ này. Quá trình hình thành hệ thống chính sách về quản lý, đãi ngộ, vinh danh; sự phát triển về số, chất lượng đội ngũ nhà giáo minh chứng rõ điều đó.

Cụ thể, có nhiều văn bản quy phạm nhằm điều chỉnh công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên. Hệ thống này từng bước đáp ứng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số và chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và công tác quản lý đội ngũ.

Việc phân cấp quản lý đội ngũ giáo viên có nhiều tiến bộ. Nhiều địa phương đã trao quyền tuyển, sử dụng giáo viên cho các trường với vai trò giám sát cơ quan chuyên môn cấp huyện (đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) hay cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (đối với giáo viên trung học phổ thông).

Việc thực hiện tốt các chính sách (chế độ làm việc, chính sách tiền lương, nghỉ ngơi, tôn vinh, khen thưởng…) đã động viên, khuyến khích đông đảo đội ngũ yên tâm công tác, phấn đấu thăng tiến về chuyên môn, nghiệp vụ và nghề nghiệp. Nhiều giáo viên đã xung phong, tình nguyện công tác lâu dài ở vùng cao, xa, biên giới hải đảo, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đảm bảo hoàn thành các mục tiêu giáo dục những vùng này.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, với hệ thống gần 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động đến đội ngũ là khá nhiều nhưng chưa đủ. Có những văn bản đã lạc hậu, gây tác động “ngược” với công tác quản lý đội ngũ, ngân sách, ngành. Có thể chỉ ra những bất cập cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Luật Viên chức điều chỉnh đối tượng là “công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập”. Trong khi thực tế nhà giáo hoạt động trong cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm số lượng tương đối lớn trong tổng số nhà giáo đang hoạt động trong ngành Giáo dục (khoảng 10%).

Vì vậy, các quy định của Luật Viên chức không điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam. Trong khi xu thế xã hội hóa giáo dục ngày càng đẩy mạnh, số nhà giáo làm việc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng tăng thời gian tới.

Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng của Luật Viên chức là viên chức của các ngành, lĩnh vực. Do đó, quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong một số nội dung cụ thể chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù nhà giáo. Việc sửa đổi Luật Viên chức để quy định cụ thể, phù hợp với đặc thù nhà giáo vừa không giải quyết triệt để bất cập, vừa phá vỡ cơ cấu của Luật.

Thứ hai: Luật Giáo dục 2019 (cũng như các luật giáo dục trước đây) có một chương quy định về nhà giáo nhưng chưa phản ánh rõ đặc thù nghề nghiệp, không thể hiện rõ tư duy đổi mới về xây dựng và quản lý nhà giáo hiện nay.

Nhiều vấn đề về nhà giáo được quy định chung hoặc nhắc đến nhưng chưa có quy định cụ thể (ví dụ như quy định về chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, chế độ, chính sách nhà giáo…); thiếu quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục trong xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Nhiều vấn đề mới như chuyển đổi số, hợp tác quốc tế về nhà giáo chưa được quan tâm. Thậm chí, khái niệm nhà giáo không được quy định tường minh (Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Luật sư… đều có điều khoản quy định làm rõ khái niệm pháp lý của đối tượng này).

Thứ ba: Nhiều văn bản dưới luật có các quy định cụ thể về nhà giáo nhưng do vướng mắc của các luật nêu trên, nên còn tản mạn, không phù hợp vì thế hiệu quả pháp lý thấp. Như vậy, tuy số lượng văn bản có nội dung quy định về nhà giáo nhiều nhưng do một số cơ quan ban hành vào những thời điểm và nhằm mục đích khác nhau nên các quy định về nhà giáo tản mạn, không phù hợp, thiếu đồng bộ, chất lượng không cao. Nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo chưa được thể chế đầy đủ, kịp thời.

Ông Trần Kim Tự. 

Một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, phản ánh chưa rõ đặc điểm nghề nghiệp đặc thù đội ngũ nhà giáo… Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất cập về đội ngũ nhà giáo hiện nay cũng như việc xây dựng đội ngũ nhà giáo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong các năm tới.

Việc phân cấp quản lý đội ngũ này, trên thực tế còn cho thấy có yếu tố gây cản trở nâng cao chất lượng, giáo viên bị chi phối bởi các công việc ít liên quan đến chuyên môn, phải thực hiện đánh giá nhiều lần trong năm. Tình trạng tuyển dụng chưa đáp ứng kịp thời hoạt động chuyên môn, thiếu đội ngũ bổ sung khi cần thiết. Có tình trạng thừa, thiếu cục bộ gây lãng phí nhân lực, ngân sách. Cá biệt có trường hợp tách lớp để giữ hạng trường, biên chế, mức phụ cấp quản lý cao, gây lãng phí ngân sách, nhân lực.

Nguyên nhân do đâu?

– Theo ông, đâu là nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nói trên?

– Về nguyên nhân, trước hết do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Chương trình GDPT 2018 quy định cấp tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc (tiểu học từ lớp 3 bắt buộc học Tin học, Ngoại ngữ; THPT thêm 2 môn Nghệ thuật, Âm nhạc trước đây chỉ là những môn tự chọn, học thêm), thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời. Nguồn tuyển tại địa phương bị hạn chế do thực hiện chuẩn được đào tạo mới theo Luật Giáo dục 2019. Sức hút nghề giáo chưa cao vì thu nhập của giáo viên thấp hơn ngành nghề khác. Phân cấp chưa sát thực tế hoạt động đội ngũ.

Chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương được thực hiện cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Việc cho phép học sinh chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này đặt ra cho các trường bài toán khó trong khâu tổ chức, sắp xếp giáo viên giảng dạy lựa chọn không cân đối giữa các nhóm môn học dẫn đến tình trạng giáo viên môn này quá tải về số tiết, còn giáo viên môn khác không bảo đảm số tiết theo quy định dẫn tới thừa – thiếu cục bộ giáo viên.

Thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2022 – 2023 có 13.437 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 9.295 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 4.142 người.

Giờ học tại Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cần thiết xây dựng luật riêng về nhà giáo

– Có giải pháp nào để khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên?

– Với thực tiễn nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xây dựng luật riêng về nhà giáo. Việc ban hành đạo luật riêng về nhà giáo nhằm quy định tổng thể các vấn đề cơ bản, quan trọng nhất liên quan đến nhà giáo tạo khung pháp lý đồng bộ, toàn diện, có giá trị pháp lý cao phản ánh đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Cách làm này vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, vừa thuận lợi cho việc quản lý, xây dựng đội ngũ nhà giáo, đồng thời tránh được hạn chế cơ bản của hệ thống văn bản hiện hành.

Đây là đạo luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng riêng, độc lập tương đối và có quan hệ với các đạo luật khác. Luật này quy định về nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải căn cứ vào quy định mục tiêu, chương trình, cơ sở giáo dục… để quy định vị trí, yêu cầu, quản lý… nhà giáo. Cần có quy định cụ thể, sâu sắc về yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục và có tính độc lập tương đối với Luật Giáo dục. Với tư cách một đạo luật về nhà giáo có thể sửa đổi, bổ sung quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục hiện hành.

Luật về nhà giáo quy định những vấn đề chung, đồng thời cụ thể hóa phù hợp từng loại hình, trình độ, cấp học mà nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục với đặc điểm cấp học, trình độ đào tạo mà luật điều chỉnh (nhà giáo mầm non có yêu cầu khác nhà giáo phổ thông, đại học…) và phù hợp tình hình thực tiễn của giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.

Khi xây dựng Luật Nhà giáo cần quan tâm mối quan hệ với Luật Viên chức. Luật về nhà giáo và Luật Viên chức đều quy định về con người với đối tượng giao thoa lớn. Nhà giáo là viên chức, chịu tác động chung của Luật Viên chức và chuyên môn nghề nghiệp của Luật về nhà giáo. Khi xây dựng Luật này cần tham khảo cách thức quản lý viên chức để thiết kế các quy định chung bên cạnh các quy định đặc thù chỉ có ở nhà giáo.

Đẩy mạnh cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục, cần phân cấp mạnh mẽ trong Luật này về công tác quản lý nhà giáo cho cơ sở giáo dục một cách đồng bộ, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng như một trách nhiệm, tiêu chuẩn quan trọng của người đứng đầu, của chính cơ sở gắn với trách nhiệm giải trình cùng với sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Các cơ quan Nhà nước chỉ làm thay một khâu nào đó khi cơ sở không làm được

Luật về nhà giáo và văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng… không phân biệt giáo viên dạy trường công lập hay ngoài công lập; thống nhất về tiêu chuẩn, chức danh, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ có sự khác biệt giữa giáo viên trường công lập với ngoài công lập ở nguồn kinh phí chi trả lương và sự cần thiết phải có những quy định cụ thể về mức thấp nhất mà giáo viên trường ngoài công lập được hưởng.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo các quy định pháp luật hiện hành, đội ngũ giáo viên cũng như lao động khác đều nằm dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý đội ngũ nhà giáo thuộc về Bộ GD&ĐT (đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giảng viên cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với giảng viên, giáo viên khối giáo dục nghề nghiệp).

Mặt khác, hiện còn nhiều cơ sở giáo dục thuộc sự quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục này. Do mạng lưới giáo dục rộng, nhiều cơ sở, đội ngũ nhà giáo đông đảo nên UBND cấp tỉnh, huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cũng thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

https://giaoducthoidai.vn/can-tao-khung-phap-ly-dong-bo-toan-dien-quan-ly-doi-ngu-nha-giao-post669360.html#669360|home-highlight|0

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button