Nghiên cứu trao đổiSức khỏe

Ông Hoàng Thanh Quý – Viện trưởng Viện IRLIE, PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Cần xử lý nghiêm các ‘bác sĩ tự xưng’, quảng cáo ‘bẩn’ trên Facebook, Tiktok

(Hiện nay, người dân sử dụng mạng xã hội, Internet khá phổ biến, bất kỳ một loại hình dịch vụ nào bao gồm cả khám, chữa bệnh họ đều tìm trên mạng. Vì lẻ đó, các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội được đa số người dân sử dụng như TikTok, YouTube…

Các clip có hình ảnh người tự nhận là “BS Hà Duy Thọ” trên mạng xã hội Tiktok. Ảnh chụp màn hình.

Điển hình, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM mới đây đã phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất địa điểm khám chữa bệnh không phép của ông Hà Duy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ) trên địa bàn quận Phú Nhuận. Theo Sở Y tế TP.HCM, tại thời điểm kiểm tra, ông Thọ không trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Được biết, tháng 10/2023, Sở Y tế TP. HCM cũng đã có cảnh báo về việc xuất hiện trang facebook có tên “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy”, dù Bệnh viện Chợ Rẫy chưa bao giờ điều trị hiếm muộn. Chỉ sau một tháng xuất hiện, trang facebook này đã thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tư vấn thụ tinh ống nghiệm với chi phí 25 triệu đồng. Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã “bóc mẽ” chiêu trò cắt ghép video quảng cáo giảm mỡ bụng của hàng loạt thẩm mỹ viện trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Những sự việc thế là hồi chuông báo động về tình trạng quảng cáo dịch vụ sức khỏe, làm đẹp tràn lan nhưng không được kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội.

Chia sẻ về điều này, Ông Hoàng Thanh Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho hay để dễ đánh lừa lòng tin của người dân, các đối tượng còn thuê cả diễn viên đóng giả người bệnh từng mua thuốc hoặc thăm khám bệnh để đánh giá cao chất lượng, phổ biến nhất là dịch vụ thẩm mỹ viện, trung tâm khám chữa bệnh, cơ sở phục hồi chức năng… khiến người dân không phân biệt được thật giả, dễ sa bẫy dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Theo đó, người bệnh không nên tin vào quảng cáo của những người tự xưng là bác sĩ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok với những thông tin chưa được xác thực nhằm mục đích bán sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, đầu tháng 10/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Trong đó, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hoàn thiện theo hướng: Về quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, nghiên cứu làm rõ cách thức, biện pháp quản lý đối với hoạt động quảng cáo, trách nhiệm của từng chủ thể (người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với loại hình quảng cáo này). Về bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: Rà soát, làm rõ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, …).

Ông Hoàng Thanh Quý cho rằng hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật cần bị xử lý nghiêm. Trong thời đại công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành kênh bán hàng hiệu quả của đa số các mặt hàng sản phẩm. Hầu như thương hiệu, doanh nghiệp, thậm chí cá nhân kinh doanh nào cũng sở hữu cho riêng mình một, thậm chí nhiều tài khoản mạng xẽ hội nhằm mục đích quảng bá thương hiệu, kinh doanh bán hàng.

Theo Luật Quảng cáo, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi. Điều này cũng góp phần đưa thêm thông tin về sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, với những quảng cáo với nội dung không trung thực có thể dẫn tới những hiểm họa khôn lường với khách hàng. Đặc biệt với dịch vụ khám chữa bệnh, những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe hay thậm chí là tính mạng khách hang, ông Quý chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho hay nhiều người hiện tự xưng bác sĩ tự phong, tự xưng danh chuyên gia, tự phong là nhà tâm lý. Dường như bất kỳ ai cũng có thể lên trên mạng xã hội và đóng giả thành những người am hiểu về lĩnh vực nào đó và chia sẻ những câu chuyện, thông tin khiến cho người dùng mạng xã hội bị thao túng.Qua đó, hầu hết họ hiểu việc xây dựng hình ảnh hoặc sẵn sàng tung hô một sản phẩm/phương pháp điều trị nào đó để người bệnh nuôi sự hy vọng. Từ đó, kết hợp với sự phát triển của truyền thông đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, càng khiến nhóm đối tượng này dễ dàng đánh vào niềm tin của người bệnh. Trong khi đó, người dân cả tin mà không biết rằng sự tung hô lặp đi lặp lại có thể là mánh khóe của những đối tượng trục lợi. Có thể thấy, rất có thể từ sự tin tưởng vào các đối tượng này, người dân lại xuất hiện tâm lý nghi ngờ những cơ sở khám chữa bệnh uy tín, thay vào đó là tìm đến các bác sĩ tự phong.

Có thể khẳng định, một số cơ sở sử dụng tên thương mại như các bệnh viện có danh tiếng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các tên riêng của bệnh viện, tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh được Luật Sở hữu trí tuệ quy định thuộc nhóm tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Ông Hoàng Thanh Quý dẫn chứng căn cứ quy định tại khoản 2, điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho các sản phẩm, dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn được coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại của mình, các bệnh viện có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ được quy định, trong đó có khởi kiện dân sự. Qua đó, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự theo Luật Sở hữu trí tuệ như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp.

Không thể phủ nhận, mạng xã hội luôn có sự phát triển nhanh chóng theo sự phát triển của xã hội, thậm chí có thể dẫn dắt đám đông thể hiện qua các “trend” thay đổi liên tục. Vì lẻ đó, việc kiểm soát nội dung là yếu tố quan trọng bậc nhất để tránh các thông tin xấu ảnh hưởng đến đời sống, xã hội và quyền lợi của người dùng.

Ông Hoàng Thanh Quý cho rằng các cơ quan chức năng thời gian qua đã có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát nội dung thông tin các nền tảng như Tiktok, Facebook hay Youtube. Đây là điều cần thiết cho sự phát triển mạng xã hội “sạch” khi nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc trên. Thế nhưng, cần có những quy định trách nhiệm rõ ràng và chế tài xử phạt với các nền tảng mạng xã hội trong việc kiểm soát thông tin. Ngoài ra, sẽ giúp các đơn vị này có trách nhiệm và định hướng rõ ràng trong việc phát triển thị trường ở Việt Nam trong tương lai.

Trong khi đó, việc kiểm soát quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí hiện thực hiện rất chặt nhưng trên mạng xã hội còn rất lỏng lẻo. Do chưa có chế tài đủ mạnh nên việc quảng cáo sai sự thật nhằm mục đích bán hàng, trục lợi từ người tiêu dùng vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Ông Sơn khuyến nghị cần luật hóa một cách rõ ràng và chi tiết để hạn chế người tiêu dùng tiếp tục bị dẫn dắt bởi các loại quảng cáo “bẩn”. Đối với các đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ thì cũng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và có chế tài thật nặng như một cách răn đe. Luật Quảng cáo sửa đổi tới đây, cần phải có quy định xử lý quảng cáo trên mạng xã hội, do hiện luật chưa động chạm đến mà mới chỉ có nghị định về quản lý quảng cáo xuyên biên giới.

Đối với hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật. Ông Quý dẫn chứng theo khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, căn cứ khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo. Đối với hành vi bán các sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, đây là hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm a khoản 6 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.

Tin rằng, các hoạt động khám, chữa bệnh, mua, bán thuốc, các sản phẩm liên quan tới sức khỏe người dân cần phải được quản lý, kiểm sát chặt và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, không thể để tình trạng nhiễu loạn “bác sĩ mạng” tiếp diễn.

Trần Danh – Công Danh

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button