Giáo dục

Tháng 11 về, nhiều cảm xúc đong đầy với sứ mệnh của người ‘truyền lửa’, người lái đò thầm lặng

(HNTTO) – Sinh thời Bác Hồ kính yêu khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Thật vậy, hàng năm, cứ mỗi độ tháng 11 về hầu hết ai cũng nhớ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, trong đó có tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những kỷ niệm ngọt ngào đầy trách nhiệm với công việc được giao.

Năm 2023, cũng là năm đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời là thời điểm thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (năm 2018) phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, ngành Giáo dục đã và đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện từ ‘dạy chữ’ sang ‘dạy người’. Sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy vì thế ngày càng lớn – không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là dẫn dắt, định hướng, ‘truyền lửa’ cho học trò niềm đam mê học tập, hình thành kỹ năng để phát triển toàn diện.

Mới đây, trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cho biết, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là vinh dự và các thầy cô giáo đều thể hiện quyết tâm để vượt qua. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học 2023 – 2024 phải thực hiện một khối công việc lớn, yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Thế nhưng, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng thiếu giáo viên; thiếu trường lớp, quá tải trường lớp; bạo lực học đường…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các giáo viên cũng bày tỏ tâm tư trước các thách thức lớn, các vấn đề đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn; giáo viên trẻ mới vào nghề gặp khó khăn về mức lương, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất rất hạn chế.Chúng ta đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện và có những đề xuất trong những quan điểm chỉ đạo của T.Ư sắp tới. Chúng ta phải đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được trong 10 năm qua…Bên cạnh đó, có điều chỉnh để đạt đến mục tiêu phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong chặng đường mà đất nước phát triển, hội nhập quốc tế”.

Do đó, khẳng định rằng quý thầy cô không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Từ xưa đến hiện tại, nghề dạy học có vị trí quan trọng trong xã hội, vì đào tạo nên những trí thức là nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Để được xã hội yêu quý, mỗi giáo viên không ngừng sáng tạo trong dạy học mà còn tâm huyết với nghề để vun đắp học sinh trở thành con ngoan trò giỏi.

Năm 2023, còn là năm kỷ niệm 41 năm ngày nhà giáo Việt Nam, nhiều thế hệ giáo viên thực sự xúc động trước tình cảm mà toàn xã hội dành cho nghề trồng người. Giáo viên mới vào nghề thì mong muốn học sinh mình chăm ngoan học giỏi. Giáo viên lâu năm ngoài yêu cầu như giáo viên trẻ còn mong học trò mình thành đạt trong cuộc sống. Giáo viên về hưu thì tranh thủ kể những mẩu chuyện đầy ắp tình thương. Suốt chiều dài của lịch sử, cụm từ “tôn sư trọng đạo” đã mang đến cho mỗi giáo viên những xúc cảm vô bờ bến. Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý và từ lâu trong xã hội bao đời truyền tụng câu nói “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hoặc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Ngày 20 tháng 11 không những là ngày để các thế hệ học sinh bày tỏ tình cảm với thầy cô mà đây là dịp Thầy cô và học sinh gần gũi nhau hơn. Những tình cảm chân thành của học sinh luôn là món quà có ý nghĩa đối với giáo viên. Những ánh mắt trong sáng cùng câu nói đầy hồn nhiên và vô tư của học sinh làm cho giáo viên quên đi mọi mệt nhọc hay giận hờn khi học sinh vi phạm.

Trong suốt thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đã lan toả nhiều tấm gương giáo viên băng rừng lội suối để vận động các em học sinh đến trường, điều này thể hiện giáo viên tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Trong đó, còn có một số giáo viên khác đem học sinh nghèo về nhà nuôi và trích một phần lương để hỗ trợ, nó thể hiện sự yêu thương con trẻ. Khi lũ lụt xảy ra giáo viên ở vùng có điều kiện khuyên góp giúp đỡ giáo viên vùng khó khăn, có thể nhường cơm sẻ áo…

Đặc biệt, phần thưởng lớn nhất của đội ngũ giáo viên khi ngày càng nhiều học sinh nhiều năm liền đạt nhiều huy chương các loại trên trường quốc tế, điều đó nói lên trình độ đào tạo và dạy học của giáo viên đã xứng tầm với thế giới. Ngoài những học sinh ngoan hiền, học giỏi, tham gia các phong trào là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô…Thì ở đâu đó vẫn còn có những học sinh lười học, đôi lúc ngỗ nghịch làm thầy cô buồn lòng để bây giờ ngày nhà giáo ôn lại mà day dứt nhớ mãi không quên.

Nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, nền giáo dục cách mạng Việt Nam thời gian qua gặt hái nhiều thành công như: Hệ thống trường lớp được xây dựng khang trang sạch đẹp từ mầm non đến đại học, thiết bị dạy học phong phú và đa dạng để hỗ trợ giáo viên trong dạy học và soạn bài, giáo viên được đào tạo bài bản đủ trình độ để đáp ứng công việc được giao, có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, học sinh chăm ngoan học giỏi, thầy cô nhiệt tình với sự nghiệp trồng người như lời Bác dặn lúc sinh thời.

Trong đó, ngành giáo dục có nhiều nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác đem tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Hiện nay, đời sống của giáo viên phần đông còn khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và sự quan tâm kịp thời của chính phủ làm giáo viên yên lòng. Sự nghiệp giáo dục nước nhà ngày một vẻ vang và có vị thế trên bảng vàng thế giới.

Vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, trong đó có việc cải cách tiền lương nhà giáo. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để nhà giáo thêm nỗ lực và gắn bó với nghề, đồng thời cũng góp phần hạn chế dần tình trạng giáo viên nghỉ việc ở các địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình. Ngoài ra, hiệu trưởng nhà trường cũng phải sử dụng, chi trả mức tiền lương ấy cho đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động chứ không được cào bằng. Nếu cào bằng thì sẽ không khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo và tâm huyết, trách nhiệm để tạo ra “sản phẩm” tốt hơn, từ đó chất lượng giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất lớn trong giáo dục học sinh, tác động đến học sinh rất nhiều, vì vậy, việc được trừ vài tiết dạy trong một tuần đối với người làm công tác chủ nhiệm là không đủ. Không phải cứ giáo viên dạy giỏi đều có thể làm tốt công tác chủ nhiệm. Chỉ những người đủ uy tín, năng lực và phẩm chất mới được giao làm chủ nhiệm, chứ không phải xem ai rảnh rỗi, ít giờ dạy thì giao làm chủ nhiệm.

Qua nghiên cứu thực tế của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã cho thấy, những giáo viên có năng lực sư phạm, làm công tác chủ nhiệm trong trường học phải được coi là một chức danh trong nhà trường, xếp sau hiệu trưởng, hiệu phó… và được trả lương xứng đáng. Mặc dù vậy, điều này đến nây vẫn đang còn bỏ ngỏ và tôi mong rằng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Cùng nhìn lại, hơn 30 năm qua, mô hình giáo dục không chọn lọc “đầu vào”, có thể kể đến triết lý nhân văn: Nhân cách không chỉ được hình thành với những gì nghe và nói, mà chủ yếu được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Song song với đó, để giáo dục có “đầu ra” tốt, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, có quan điểm giáo dục tiên tiến, phương pháp giáo dục phù hợp (điển hình trường PTTH Lê Thánh Tôn toạ lạc tại quận 7, TP.HCM đã đưa chương trình tái hiệnn dòng chảy văn hoá qua dự án dạy học phát triển năng lực có chủ đề “Dòng chảy văn học”). Như vậy, với việc không áp đặt mà tận tâm giúp đỡ từng học sinh tiến bộ. Hằng năm, các nhà trường tổ chức cho học sinh đánh giá giáo viên. Việc đánh giá giáo viên không lấy tiêu chuẩn bằng cấp làm thước đo, mà đo sự tận tâm, tình thương, trách nhiệm với học trò và kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Cùng với đó, vẫn còn một số hạn chế là trong quá trình được đào tạo, các trường đại học mới chỉ quan tâm đào tạo lý thuyết, giáo viên chưa được trang bị sâu về nghiệp vụ và khoa học tâm lý giáo dục. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện đòi hỏi phải tạo ra năng lực, phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh, song giáo viên còn lạc hậu về vấn đề này, chưa nhận thức được hết và chưa có phương pháp để phát huy vai trò dẫn dắt, “truyền lửa”, khơi dậy cho học trò niềm đam mê học tập, rèn luyện.

Do vậy, các trường sư phạm cần tăng cường dạy khoa học tâm lý giáo dục cho sinh viên; gắn kết chặt chẽ hơn với trường phổ thông và tăng thời gian thực tập của sinh viên ở các trường phổ thông; sử dụng giáo viên giỏi ở các trường phổ thông làm giảng viên kiêm nhiệm tại các trường sư phạm để hướng dẫn tay nghề cho sinh viên…Với mức lương giáo viên còn thấp, áp lực công việc nhiều khiến họ không yêu nghề; mà không yêu thích thì không say mê, không say mê thì không tận tâm, không đổ công sức vào đó. Việc đào tạo giáo viên còn nặng về đào tạo khoa học cơ bản. Trường sư phạm không dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành; việc dạy sinh viên thạo tâm lý giáo dục, có năng lực quan sát, lắng nghe, chuyện trò với học sinh…bằng những kỹ năng mềm đặc thù của nghề còn đang thiếu.

Trong khi đó, giáo viên thường không chấp nhận những cá tính, yếu kém của học sinh. Khuyến nghị quý thầy cô phải chấp nhận mọi biểu hiện, cá tính của học sinh để tìm phương pháp giáo dục phù hợp, giúp các em thấu hiểu để điều chỉnh. Nếu thiếu bước khởi đầu thừa nhận này, nhà sư phạm sẽ không thấy hết trách nhiệm, không đủ kiên trì giáo dục. Nhiều trường đòi hỏi học sinh không chỉ có đủ hồ sơ mà còn phải có hồ sơ “đẹp”: Văn hóa khá, đạo đức tốt. Nhưng thực chất học sinh có đạt như vậy hay không thì dường như vẫn chưa có cái nhìn toàn diện.

Với mỗi hành vi, mỗi thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân, tránh thành kiến, chụp mũ hoặc thờ ơ. Từ đó, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và những cá tính, tính cách nổi trội, điều kiện sống hiện nay để có ứng xử phù hợp. Cái khó nhất của giáo viên là làm sao phát hiện khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh để đưa ra phương pháp phù hợp.

Cùng với đó, nhiệm vụ của giáo viên cần phối hợp, hướng dẫn cha mẹ học sinh trong giáo dục con. Xin khuyến nghị với phụ huynh, đừng đưa kỳ vọng về con cao nhất, đừng bắt con phải thực hiện ước mơ của người lớn. Giáo dục một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều công sức, không thể áp dụng phương pháp giáo dục với yêu cầu đồng loạt phải đạt mức này, mức kia, vì thế, giáo viên phải truyền tải phương pháp giáo dục đúng cho phụ huynh.

Dân tộc Việt Nam đã lưu giữ một truyền thống tôn sư trọng đạo, một nét đẹp tinh tế mà qua các thế hệ đã được kế thừa và phát triển. Nhân dịp 20/11, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trân trọng gửi tới các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, và những bông hoa tươi thắm nhất. Hướng về các thầy, các cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.” Chúng tôi yêu nghề giáo và cam kết thủy chung, son sắt với nghề, với mong muốn xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam mạnh mẽ và tốt bụng.

TS. Hồ Minh Sơn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button