Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự, sử dụng người lao động cao tuổi có phạm luật – Viên chức hợp đồng có hưởng phụ cấp lâu năm?
(HNTTO) – Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động. Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại,… mà hành vi sử dụng lao động chưa thành niên trái với quy định của pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Giáo viên (GV) hợp đồng 3 năm và hiện nay là viên chức theo hợp đồng không xác định thời hạn có được hưởng phụ cấp lâu năm?.
Gần đây, nhiều người dân, tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) để tham khảo việc tham gia, xử dụng lao động chưa thành niên và lao động cao tuổi, GV hợp đồng, viên chức hợp đồng như thế nào cho phù hợp với pháp luật hiện hành. Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin trả lời những thắc mắc trên, cụ thể:
Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự hay không?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật lao động 2019 có quy định về lao động chưa thành niên: Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi; Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật lao động 2019; Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại Khoản 3 Điều 145 của Bộ luật lao động 2019.
Căn cứ Điều 144 Bộ luật lao động 2019 quy định về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên như sau: Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách; Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể như sau: Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
Trong đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Tương tự, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Sử dụng người lao động cao tuổi có vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể: Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn; Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động; Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn; Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động cao tuổi như sau: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần; Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động; Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật; Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng người lao động cao tuổi để làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ; Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hoặc khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Viên chức hợp đồng có hưởng phụ cấp lâu năm?
Căn cứ theo quy định tại điều 2 Luật BHXH 2014 thì trường hợp là GV hợp đồng 3 năm và hiện nay là viên chức theo hợp đồng không xác định thời hạn thì đều phải đóng BHXH bắt buộc. Để được hưởng phụ cấp công tác lâu năm thì nơi bà công tác phải thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…
Cũng theo quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị định 76/2019/NP-CP. Điều 5 Nghị định 76/2019/NP-CP quy định mức phụ cấp công tác lâu năm được tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, nếu thỏa mãn 2 điều kiện trên thì bà sẽ được hưởng chính sách này. Nếu trước đó bà là GV hợp đồng mà công tác ở vùng không có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định thì thời gian công tác 3 năm có đóng BHXH sẽ không được tính vào thời gian để tính phụ cấp công tác lâu năm.
Nhằm đáp ứng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của người lao động, doanh nghiệp trong đó có nhu cầu về tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, dưới sự chủ trì của Viện IMRIC và Viện IRLIE. Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ có bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công nhân lao động, thực sự là điểm tựa tin cậy của người lao động và sự hài hoà của đơn vị sử dụng lao động khi cần đến sự trợ giúp của pháp luật.
Luật sư Phạm Lan Thảo – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)