Chân trời rộng mở khi tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu
(HNTTO) – Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 là sự ra đời của nhiều ngành nghề để phục vụ cho nhu cầu của xã hội như ngành khoa học dữ liệu.
Đây là ngành học thu hút sự quan tâm của nhiều người ở các kỳ tuyển sinh đại học trong những năm vừa qua. Vậy ngành khoa học dữ liệu dạy những kiến thức gì, người học có thể làm những công việc gì sau khi tốt nghiệp.
Khái quát về ngành khoa học dữ liệu
Khoa học dữ liệu là ngành khoa học về quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. Khoa học dữ liệu được cấu thành từ ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và chuyển đổi kết quả phân tích thành giá trị của hành động. Việc phân tích và sử dụng dữ liệu dựa vào ba nguồn tri thức đó là toán học (thống kê toán học), công nghệ thông tin (máy học) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.
Nhu cầu sử dụng nguồn dữ liệu trong xã hội là vô cùng lớn, hầu như mọi ngành nghề trong xã hội đều có nhu cầu sử dụng dữ liệu để phục vụ cho hoạt động của mình, do đó mà việc thu thập và xử lý dữ liệu không thể sử dụng phương pháp truyền thống.
Mục đích của khoa học dữ liệu chính là tìm cách biến đổi một khối lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, định vị chúng thành mô hình kinh doanh và giúp tổ chức cân đối chi phí, nguồn lực, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Người học được đào tạo những gì khi theo học ngành khoa học dữ liệu?
Trước hết, khi theo học ngành khoa học dữ liệu, người học để được đào tạo và trang bị những kiến nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn. Sau khi đã nắm chắc các kiến thức nền tảng, người học sẽ được đào sâu về các kiến thức chuyên ngành về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin, các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm khác.
Một số môn học tiêu biểu của ngành khoa học dữ liệu gồm có: Toán rời rạc, Toán đại số, Giải tích, Tổng quan khoa học dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Tương tác người – máy, Phân tích dữ liệu, Tổng quan cơ sở dữ liệu,…
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phân tích, tối ưu và thiết kế các hệ thống thông tin thông qua việc phân tích dữ liệu lớn, có khả năng thiết kế, phát triển và tích hợp hệ thống thông tin cho các ứng dụng kỹ thuật liên quan đến phân tích.
Ngoài ra, người học còn có khả năng thiết kế, phát triển và tích hợp hệ thống thông tin cho các ứng dụng kỹ thuật liên quan đến phân tích dữ liệu; khả năng giải quyết các vấn đề liên ngành về kỹ thuật, xã hội, chính trị, kinh tế.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu
Với nhu cầu về nhân lực ngành dữ liệu thì rất nhiều trường mở thêm ngành đào tạo về khoa học dữ liệu để tạo thêm nguồn nhân lực cho xã hội. Đặc biệt, trong công cuộc chạy đua số hóa như hiện nay thì các doanh nghiệp cũng cần nguồn dữ liệu đa dạng để phát triển các chiến lược kinh doanh, do đó lại càng cần đến nguồn nhân sự có vốn hiểu biết về dữ liệu. Chính vì vậy mà người học sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm tìm được một công việc tốt liên quan đến ngành này, có thể kể đến như:
Làm việc tại các công ty, tập đoàn về viễn thông, phần mềm với các vị trí như bộ phận IT, quản trị dữ liệu tại các doanh nghiệp, chuyên viên phân tích dữ liệu doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cơ quan nhà nước, ngân hàng,…;
Kỹ sư về dữ liệu đảm nhiệm việc phân tích kinh doanh… tại công ty công nghệ, công ty viễn thông, doanh nghiệp sản xuất;
Kỹ sư phát triển phần mềm phụ trách phân tích, thống kê dữ liệu trong các công ty giải pháp công nghệ thông tin, kỹ sư phát triển ứng dụng AI,…;
Ngoài ra, với những ai yêu thích và muốn tìm hiểu sâu về ngành khoa học dữ liệu hoặc yêu thích công việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức thì hoàn toàn có thể chọn hướng tiếp tục học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy về khoa học dữ liệu và các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, hệ thống công nghiệp,… tại các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên sâu hay làm công việc nghiên cứu, sáng tạo dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế,…
Với cơ hội việc làm phong phú và đa dạng như trên, cùng với đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức và chuyên môn cao thì mức lương của kỹ sư về khoa học dữ liệu có thể lên tới 6.000 USD/tháng nếu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài.
Vũ Vũ
https://giaoducthoidai.vn/chan-troi-rong-mo-khi-tot-nghiep-nganh-khoa-hoc-du-lieu-post621603.html