Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn: Người càng nổi tiếng, nên tự soi mình – Phải thượng tôn pháp luật

(HNTTO) – Sáng ngày 22/05/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tiếp tục tổ chức hội nghị truyền thông tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các độc giả, doanh nghiệp thành viên bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp…Có thể thấy, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật đã được Trung tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở; truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Với mong muốn thông qua hoạt động tư vấn đã giúp cho người dân, người được trợ giúp pháp lý biết được quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của mình, giảm thiểu việc khiếu kiện, khiếu nại trái pháp luật, góp phần hạn chế những phát sinh mâu thuẫn, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tại buổi tham vấn pháp lý lần này, TS. Hồ Minh Sơn đã giải thích, khuyến nghị và trả lời nhiều sự việc được quý độc giả và doanh nghiệp thành viên quan tâm, xin trích dẫn về các tình huống luôn được hầu hết các độc giả và công đồng doanh nghiệp quan tâm điển hình như sau:

Sự phổ biến của người nổi tiếng và KOL trong quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều này đi kèm với nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, gây hại cho người tiêu dùng.

Hậu quả pháp lý khôn lường khi người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Không thể phũ nhận, ngành tiếp thị bằng người nổi tiếng và người ảnh hưởng (KOL) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao và niềm tin của người tiêu dùng vào những nhân vật trực tuyến.

Theo tìm hiểu của Viện IMRIC; Viện IRLIE và Tc DN&TTVN từ nghiên cứu Influencer Advertising – Asia của Statista Market Insights, tính đến năm 2024, tại Việt Nam đã có 1.132 người ảnh hưởng trên mạng xã hội khi sở hữu trên 1 triệu người theo dõi. Mặt khác, còn có hơn 32.000 người ảnh hưởng có dưới 100.000 người theo dõi, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong nước. Đồng thời, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng sử dụng người ảnh hưởng trong marketing là một hình thức marketing hiệu quả, cao hơn mức trung bình toàn cầu (84,8%). Từ đây, phản ánh mức độ phổ biến và tầm quan trọng của người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng cáo hiện nay.

Tại Việt Nam, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quảng cáo bao gồm nhiều văn bản quan trọng. Luật Quảng cáo 2012 là nền tảng chính, quy định về tính trung thực và chính xác của thông tin quảng cáo, đồng thời nghiêm cấm các hành vi quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và 2023 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông tin sai lệch và cho phép họ yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai sự thật.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về các hình phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, bao gồm cả quảng cáo sai sự thật, với các mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.

Trong đó, trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo là phải đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp là chính xác, không gây hiểu lầm và đã được kiểm chứng. Nhất là lĩnh vực như thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm, nơi mà thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm này càng được nhấn mạnh. Các hình phạt có thể bao gồm phạt hành chính, yêu cầu gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai sự thật, phải đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng nếu có…

Ngày 11/06 tới đây, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến biểu quyết thông qua, trong đó có nội dung đề xuất tăng trách nhiệm của người nổi tiếng và người ảnh hưởng trong quảng cáo.

Người nổi tiếng phải có trách nhiệm  pháp luật

Ngay sau khi, cơ quan chức năng vào cuộc, khởi tố vụ án. Nhiều độc giả khi tham gia hội thảo, toạ đàm đã đặt ra những câu hỏi lớn về đạo đức và trách nhiệm của những người nổi tiếng. Với sức ảnh hưởng đến công chúng, liệu họ có được phép dễ dãi trong việc chọn lựa và quảng bá sản phẩm? Liệu niềm tin từ người hâm mộ có thể bị đánh đồng những hợp đồng lợi nhuận?

Dưới góc nhìn chuyên gia truyền thông, khi tham gia hoạt động thương mại như quảng cáo sản phẩm, người nổi tiếng cần phải tìm hiểu thật kỹ, có ý thức rõ ràng về hậu quả pháp lý của những lời giới thiệu sai sự thật. Nhất là đối với lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe, thì sự sai lệch về thông tin có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ việc của Thùy Tiên, tại cơ quan điều tra đã thừa nhận khi bản thân là người nổi tiếng thì trách nhiệm của mình rất lớn. Đây là sự thừa nhận muộn màng, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đang sở hữu sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Danh tiếng luôn đi kèm trách nhiệm. Và khi trách nhiệm bị xem nhẹ thì không chỉ pháp luật, mà chính công chúng, những người từng tôn vinh họ cũng sẽ là “tòa án” nghiêm khắc nhất.

Có thể thấy, thông qua vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố không chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa danh tiếng, trách nhiệm và pháp luật trong xã hội hiện đại. Ngay sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, nhưng khi liên quan đến sản phẩm kẹo Kera mà cô đồng sáng lập, quảng bá đã “cho thấy một mặt tối của sự nổi tiếng”. Việc dùng danh tiếng để quảng cáo sai sự thật là hành vi không thể dung thứ, bởi “danh tiếng không thể là tấm khiên trước pháp luật”.

Qua đó, bất kỳ ai kể cả người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ, hoa hậu hoặc các KOLs họ cần phải hiểu rằng, sự nổi tiếng là một quyền lực đi kèm nghĩa vụ. Họ không chỉ được công chúng kỳ vọng bởi tài năng hay nhan sắc, mà còn bởi tính gương mẫu và trách nhiệm xã hội. Đây là lời cảnh tỉnh cho người có ảnh hưởng và cơ quan quản lý, rằng: Trong một xã hội pháp quyền, chỉ có sự trung thực và tuân thủ pháp luật mới tạo dựng được giá trị bền vững.

Người nổi tiếng phải đặt trách nhiệm đạo đức 

Thông qua các sự việc gần đây cho thấy, hậu quả không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý. Về mặt xã hội và hình ảnh cá nhân, người nổi tiếng có thể mất đi niềm tin từ công chúng, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và sự nghiệp. Việc mất niềm tin công chúng có thể dẫn đến việc mất các hợp đồng quảng cáo và các cơ hội hợp tác khác.

Đặc biệt, hành vi vi phạm của một người nổi tiếng có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành nghề liên quan…Qua đó, công chúng thường có xu hướng “mặc định tin tưởng” vào những lời giới thiệu của người nổi tiếng. Khi một người nổi tiếng giới thiệu một sản phẩm, người tiêu dùng thường coi đó là một lời khuyên đáng tin cậy. Điều này, đòihỏi một yêu cầu đạo đức rất cao đối với người nổi tiếng, họ không được vì lợi nhuận cá nhân mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra cho người tiêu dùng.

Các tiêu chí cân nhắc có thể bao gồm, sản phẩm có an toàn cho người sử dụng không, đã được kiểm định chất lượng đầy đủ chưa, nguồn gốc xuất xứ có minh bạch và rõ ràng không?

Nhằm đảm bảo trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp, người nổi tiếng cần tuân thủ nguyên tắc “biết – kiểm chứng – chịu trách nhiệm”. Những người nổi tiếng, cần phải tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, kiểm chứng các tuyên bố quảng cáo trước khi phát ngôn và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những lời nói công khai của mình.

Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm quan trọng

Thượng tôn pháp luật không phải là “việc nên làm”, mà là “nghĩa vụ bắt buộc” của mọi công dân, trong đó người nổi tiếng càng cần gương mẫu. Khi có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, hành vi của họ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, mà còn tạo ra hiệu ứng xã hội.

Một hành vi sai lệch từ người nổi tiếng rất dễ trở thành “chuẩn lệch” cho một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không thể đánh đồng danh tiếng với đặc quyền miễn trừ trách nhiệm. Bằng không thì ngược lại, càng nổi tiếng thì càng cần nghiêm khắc với bản thân, cả trong phát ngôn, hành xử và việc tuân thủ pháp luật. Vì sự tử tế và trách nhiệm mới là thứ làm nên chiều sâu bền vững cho một thương hiệu cá nhân, chứ không phải chỉ hào quang nhất thời.

Dưới góc độ chịu trách nhiệm, một khi đã là người của công chúng, càng cần phải ý thức được rằng mình phải sống chuẩn mực hơn những người bình thường. Trong đó, nếu cố tình phạm tội, bất kể là tội danh gì, người nổi tiếng phải bị xử lý thích đáng. Sức ảnh hưởng của họ lớn đến mức một hành vi cố ý vi phạm có thể tạo ra tiền lệ xấu khiến nhiều người lầm tưởng rằng, người nổi tiếng thì có thể làm mọi thứ mà không bị sao.

Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, người bình thường cũng rất dễ để tự nhận mình là người nổi tiếng bởi những câu chuyện họ chia sẻ hay những phiên livestream. Trong thời đại số, danh tiếng không đến từ năng lực thực thụ hay đóng góp cho cộng đồng, mà nhiều khi chỉ cần… một cú “viral”. Chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của những “hiện tượng mạng”, nơi danh xưng “người nổi tiếng” bị phẳng hóa, dễ dãi hóa, thậm chí bị lạm dụng.

Có thể thấy, việc quản lý không phải là kiểm soát theo nghĩa hành chính cứng nhắc, mà là xây dựng một cơ chế giáo dục truyền thông và trách nhiệm số…Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc nổi tiếng không đồng nghĩa với đúng, với chuẩn mực. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cần có bộ quy chuẩn rõ ràng hơn về nội dung, hành vi vi phạm, nhất là xử lý nghiêm minh các trường hợp kích động, lệch chuẩn văn hóa, hay vi phạm pháp luật. Đối với xã hội cần kiến tạo lại khái niệm “người có tầm ảnh hưởng” để danh tiếng gắn liền với giá trị thật, chứ không phải chỉ là lượng view hay số lượt theo dõi.

Người nổi tiếng vi phạm pháp luật thời gian qua một đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với vấn nạn quảng cáo sai sự thật.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã và đang xem xét, sửa đổi một số luật liên quan đến lĩnh vực này, như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, dự thảo đã đưa vào nội dung về trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng, cũng như việc người có ảnh hưởng với công chúng đứng ra để quảng bá các sản phẩm này. Ví dụ, vừa tăng chế tài hình phạt tù, vừa tăng chế tài hình phạt tiền.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền 60 – 80 triệu đồng (với cá nhân) và 120 – 160 triệu đồng (với tổ chức).

Điều 197 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 197, trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối, quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 10 – 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Bên cạnh hình phạt chính cải tạo không giam giữ đến 3 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. Đây là động thái rất cần thiết để siết chặt các quy định của pháp luật, tăng tính răn đe.

Người nổi tiếng: Ranh giới sẽ bước qua mất tiền, uy tín và tự do

Ví dụ: liên quan vụ hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả của việc quảng cáo sai sự thật.

Dưới góc nhìn pháp lý, niềm tin của người tiêu dùng đã bị tổn thương nghiêm trọng. Như vụ kẹo rau củ Kera không phải là cá biệt, việc quảng cáo sai sự thật, “nổ” công dụng sản phẩm trở thành một “thói quen” của nhiều người nổi tiếng.

Cụ thể, thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt clip quảng cáo mỹ phẩm “bôi là trắng da”, “hết nám trong 3 ngày”, hay “xóa nếp nhăn cấp tốc”. Những quảng cáo này đều có dấu hiệu lừa dối khách hàng, bởi không một sản phẩm mỹ phẩm đã được công bố chính thức nào có thể đạt hiệu quả “thần kỳ” như vậy nếu không kèm theo liệu trình y tế chuyên sâu.

Sự gian dối lan rộng sang cả thực phẩm, thực phẩm chức năng, thậm chí cả thuốc điều trị – những sản phẩm gắn liền với sức khỏe, sinh mạng của con người.

Qua theo dõi trên không gian mạng xã hội, những đoạn video như: “Nhà tôi ba đời chữa khỏi…”, “Uống 3 viên khỏi hẳn…”, tưởng như vô hại nhưng thực chất đang dẫn dắt người tiêu dùng vào sự hiểu lầm nguy hiểm. Một niềm tin sai lệch vào thứ “chữa được tất cả” có thể khiến nhiều người chần chừ khám bệnh, bỏ qua điều trị y khoa chính thống và hậu quả đôi khi là không thể cứu vãn.

Đây không chỉ là sai sót nhất thời của một số cá nhân, mà phản ánh một hệ sinh thái bị suy thoái từ gốc, nơi lương tâm nghề nghiệp bị đánh đổi cho con số doanh thu, nơi mà có cơ quan quản lý buông lỏng, xử phạt không đủ sức răn đe.

Khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ kẹo rau củ Kera, đây không đơn thuần là trừng phạt một vài cá nhân mà là động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh toàn bộ ngành hàng, khôi phục lại lòng tin nơi người tiêu dùng và thiết lập lại một thị trường tiêu dùng lành mạnh.

Từ vụ việc này, nhiều người độc giả, doanh nhân băn khoăn nêu câu hỏi vì sao những người đã có tiền bạc, danh tiếng, ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội vẫn “phóng lao” dù biết đó là việc làm sai trái, vi phạm đạo đức?

Có thể do những người nổi tiếng, các KOLs thiếu hiểu biết về các sản phẩm mình quảng cáo cũng như xem nhẹ hoặc không hiểu đầy đủ quy định của pháp luật. Cạnh đó, cái tôi cá nhân trấn át sự hiểu biết. Khi một người đồng nhất giá trị bản thân với danh tiếng, của cải, lượt theo dõi trên mạng… họ dễ rơi vào ảo tưởng mình là bất khả xâm phạm, chỉ cần khéo léo thì mọi hành vi đều có thể qua mặt dư luận hoặc pháp luật. Khi đó, tâm lý này chi phối, mọi công cụ, kể cả niềm tin người tiêu dùng, cũng sẽ bị sử dụng như phương tiện để phục vụ cho cái tôi ấy.

Thông qua các sự việc trên, có thể nhìn nhận không phải là sự trừng phạt bao nhiêu năm tù mà là kịp thời nhận ra và dừng lại. Không phải chỉ những người có hành vi bị truy cứu mới cần nhìn lại. Tất cả những doanh nghiệp, cá nhân hiện đang vận hành kênh bán hàng, quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội cần xem vụ rau củ kẹo Kera như một lời cảnh báo nghiêm khắc, để tôi luyện về đạo đức nghề nghiệp làm nền móng, pháp luật là ranh giới. Bước qua ranh giới đó, cái mất đi không chỉ là tiền hay uy tín, mà còn có thể là tự do.

Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì người nào có hành vi gian dối trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ- như cân, đong, đo, đếm gian dối hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để hưởng lợi- có thể bị phạt tù đến 5 năm, kèm theo hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề.

Trong xã hội hiện đại, công tác truyền thông ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (TC DN&TTVN) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương…

CTVTVPL Trần Ngọc Danh – Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn

Bài viết liên quan

Back to top button