Kinh tế

Hiệp hội VFAEA tham dự Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc

(HNTTO) – Sáng ngày 08/05/2025, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường – NN&MT) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư (năm 2024) về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Tham dự hội nghị còn có đại diện Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA).

ThS. Nguyễn Dũng – PCT Hiệp hội VFAEA trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị

Được biết, các sản phẩm tổ yến sạch, sản phẩm được chế biến từ tổ yến (chưa có tổ yến thô) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chính thức được ký kết giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), (nay là Bộ NN&MT – Nghị định thư 2022). Có thể thấy, đây là một thành công lớn, mở ra thị trường vô cùng tiềm năng cho ngành yến Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị

Qua đó, ngay sau khi ký Nghị định thư 2022, Bộ NN&PTNT trước đây (nay là Bộ NN&MT) đã tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của bạn để xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc. Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15-4-2025 (gọi tắt là Nghị định thư 2025 – bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022).

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó trưởng phòng Giống vật nuôi, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ NN&MT) Đỗ Văn Hoan cho biết, cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố hiện có nhà nuôi chim yến, với tổng số nhà yến hiện khoảng 29.320. Các địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là tỉnh Khánh Hoà, Kiên Giang và Đắk Lắk.

Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất  (2.981 nhà yến, giảm so với 2.995 nhà yến năm 2022), kế đến là Tiền Giang (1.732 nhà yến), sau đó Đắk Lắk (1.725 nhà yến) và Bình Thuận (1.680 nhà yến).

Theo tìm hiểu của Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nhà nuôi yến nhất cả nước với 12.657 nhà yến, chiếm 43,17%. Tiếp đến là vùng Nam Trung Bộ với 6.747 nhà yến, chiếm 23,01%; vùng Đông Nam Bộ với 5.485 nhà yến, chiếm 18,71%. Vùng Tây Nguyên với 4.114 nhà yến, chiếm 14,03%. Các tỉnh phía Bắc với 289 nhà yến, chiếm 1,09%, vùng các tỉnh phía Bắc do khí hậu lạnh về mùa đông, nên không phù hợp cho yến. Năm 2024, sản lượng tổ yến ước đạt 270 tấn (tăng 8% so với năm 2023). Kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng tổ yến dự kiến đạt 350-400 tấn/năm.

Tổ yến thô chưa qua sơ chế

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho biết, việc triển khai nghị định thư này là rất quan trọng. Ngành hàng yến là sản vật quý hiếm – tinh hoa của ngành chăn nuôi Việt Nam, do được thiên nhiên ưu đãi. Tổ yến là sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp trong việc dẫn dụ (chăn nuôi) yến, sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến. Theo đó, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng “tỷ đô” của Việt Nam.

Như vậy, nhằm xây dựng phát triển bền vững ngành hàng có giá trị kinh tế…Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất, từ dẫn dụ (chăn nuôi) yến đến sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến một cách căn cơ, bài bản, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của sản phẩm tổ yến Việt Nam trên thị trường.

(Tin xuất bản số T6, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)

(Tin xuất bản số T5, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)

Minh Sơn – Đặng Hưởng

Bài viết liên quan

Back to top button