LS. Phan Đức Hiếu – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm nêu tình huống pháp lý vụ cán bộ trung tâm quỹ đất và vụ tài xế Lexus đánh shipper đánh người sau va chạm giao thông
![](https://huongnghiepthitruong.vn/wp-content/uploads/2025/02/image0-2-5-780x470.jpeg)
(HNTTO) – Sáng ngày 15/02/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi hội thoại pháp luật, nhằm tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE, Câu lạc Câu lạc bộ báo chí truyền thông và Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và một số người dân…
Tại đây, Luật sư Phan Đức Hiếu – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã phân tích tình huống pháp lý liên quan đến vụ cán bộ trung tâm quỹ đất và vụ tài xế Lexus có hành vi côn đồ sau va chạm giao thông…
Tình huống pháp lý thứ nhất: Vụ cán bộ trung tâm quỹ đất đánh người sau va chạm giao thông
Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, người phạm tội có thể đối diện mức án từ 2-7 năm tù.
Cụ thể, ngày 22/1, tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất đã xảy ra xô xát giữa ông Nguyễn Huy Văn và anh T.H.Th (ở xã Tân Sơn, Phú Thọ). Khi đó, ông Văn điều khiển xe ô tô 4 chỗ va vào xe ô tô bán tải của anh Th từ phía sau. Sau đó, không phân biệt đúng sai, ông Văn xuống xe và hành hung anh Th.làm người này bị thương. Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Văn, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Luật sư Phan Đức Hiếu cho rằng, đối với những hành vi vi phạm quy tắc chung, làm gián đoạn hoạt động bình thường tại nơi công cộng đều bị coi là gây rối trật tự công cộng. Các hành vi đánh người, đập phá tài sản không chỉ gây mất trật tự mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhiều người, do đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, người có hành vi Gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với hành vi này trong đó có phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, nhưng chế tài để răn đe, bảo đảm trật tự công cộng và bảo vệ sự an toàn của xã hội trước những hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, nếu hành vi gây rối có tính chất có tổ chức, sử dụng vũ khí, phá hoại tài sản, gây cản trở giao thông nghiêm trọng, xúi giục người khác hoặc hành hung lực lượng bảo vệ trật tự, mức phạt tù có thể lên đến 2-7 năm.
Vụ thứ hai: Tài xế Lexus đánh shipper
Vào ngày 10/2, anh Lê Xuân Hưng có đơn trình báo về việc bị một người đàn ông điều khiển ô tô 5 chỗ nhãn hiệu Lexus dùng chân, tay, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích tại trước cửa nhà số 41B ngách 50/310 Nghi Tàm (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ). Qua đó, Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế Tống Anh Tuấn để điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Kết luận sơ bộ của Trung tâm pháp y Hà Nội xác định, anh Lê Xuân Hưng (nam shipper, SN 1994, trú tại quận Tây Hồ) bị tài xế ô tô Lexus Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh gây chấn động não, tỉ lệ tổn hại thương tích là 3%.
Có thể thấy, việc thiếu kiềm chế cảm xúc và hành vi khi va chạm giao thông hiện nay đang là một vấn đề đáng báo động, khi liên tiếp xảy ra những vụ việc hành hung người khác khi va chạm giao thông.Hành vi tác động vật lý với người khác sau khi va chạm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của người bị hại mà còn có thể gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người. Quyền này được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, đòi hỏi các cá nhân và chủ thể khác trong xã hội phải tôn trọng.
Một hành vi bạo lực khi va chạm giao thông có thể thỏa mãn yếu tố cấu thành của nhiều tội danh khác nhau trong Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017). Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tội danh phổ biến nhất đối với hành vi hành hung người khác khi va chạm giao thông có thể bị xử lý.
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 134, khung hình phạt cho tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Có tính chất côn đồ,…
Trong trường hợp nạn nhân có thương tích dưới 11%, theo quy định tại khoản 1, Điều 134 BLHS thế nhưng hành vi được xác định là “có tính chất côn đồ” hoặc dùng hung khí nguy hiểm, với người không có khả năng tự vệ … thì vẫn có thể xử lý hình sự người đàn ông đã đánh shipper về tội Cố ý gây thương tích.
Trường hợp nạn nhân có tỉ lệ thương tích dưới 11%, căn cứ theo quy định tại Điều 318 BLHS, nhưng không đề nghị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc rút đơn trong quá trình tố tụng thì CQĐT vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý với người đàn ông đánh shipper về tội Gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi này vì hậu quả mà nó gây ra không chỉ cho nạn nhân trong sự việc mà còn cho an ninh trật tự, an toàn xã hội là rất lớn. Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, phổ biến tới người dân về ý thức chấp hành pháp luật trong cuộc sống, cạnh đó tăng cường sự hiện diện ngay lập tức khi va chạm, mâu thuẫn xảy ra.
Căn cứ theo điểm d khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, có thể xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “có tính chất côn đồ” đối với nghi phạm. Dưới góc độ khoa học hình sự, hành vi thuộc nhóm “có tính chất côn đồ” được hiểu là hành vi bao gồm những yếu tố như coi thường pháp luật; luôn phá rối trật tự trị an; sẵn sàng, thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác và vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.
Trong vụ việc này, điều đáng chú ý khi shipper là người khuyết tật, chỉ có một bàn tay, chi tiết này làm tăng tính chất nghiêm trọng của sự việc, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Bùi Văn Hải (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)