Kinh tế

Phát triển công nghiệp bán dẫn: Những điều quan trọng hơn cả đất hiếm

(HNTTO) – Việc các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư vào công nghiệp bán dẫn đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có thể thực sự mở ra nếu đáp ứng được yếu tố nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi công tác đào tạo phải chạy đua với thời gian đầu tư xứng đáng.

Chạy đua với thời gian để đào tạo nguồn nhân lực

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu đặt ra với 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn là con số không hề nhỏ. Tính riêng quy mô của sinh viên đại học đang theo học tại các trường kỹ thuật và công nghệ trên toàn quốc thì số lượng sinh viên trong các ngành điện tử viễn thông hiện có khoảng 26.000.

Nếu thu hút được từ 20-30%, một số trường có thể thu hút đến 40-50% số lượng sinh viên học chuyển đổi sang ngành sản xuất chip bán dẫn và tuyển sinh mới trong năm 2024 khi các trường mở ra chương trình đào tạo chuyên sâu hơn nữa về thiết kế vi mạch (dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển mới ngay khoảng 5.000 sinh viên đại học) sẽ là một con số đáng kể để đáp ứng mục tiêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra những mục tiêu về đào tạo sau đại học. Dự kiến trong năm 2024, các trường có thể tuyển khoảng trên dưới 1.000 học viên cao học và sẽ có khoảng 100 nghiên cứu sinh tiến sĩ nhập học.

Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, ngành bán dẫn liên quan đến rất nhiều ngành công nghệ khác nhau. Một trong những thế mạnh khi Chính phủ đặt niềm tin liệu chúng ta có đủ năng lực phát triển ngành này hay không là dựa trên nhiều yếu tố về con người. Đó là nội lực, năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức – khi Việt Nam có đội ngũ nhân lực rất tốt, có khả năng trong các ngành liên quan như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu,…

Điều quan trọng theo PGS TS Nguyễn Phú Khánh là chúng ta phải đào tạo nhân lực như thế nào. Bên cạnh việc đào tạo chính quy từ 4 đến 5 năm thì có thể đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Đào tạo ngắn hạn yêu cầu thời gian ngắn hơn, nhưng đôi khi các tập đoàn, doanh nghiệp lại cần những kỹ sư ở giai đoạn ngắn hạn này. Đào tạo chính quy thiết kế vi mạch thường chọn lựa những em có tiềm năng, còn những nhà máy, tập đoàn cũng cần rất nhiều kỹ sư khác có kiến thức ngắn về vi mạch hoặc về khâu tích hợp, kiểm tra, đóng gói.

Ông cũng nhấn mạnh trong đào tạo, đó là bài toán thị trường. Chúng ta đào tạo là một chuyện, để đào tạo tốt cần rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành, cần rất nhiều chuyên gia; nhưng vấn đề đặt ra là khi thiết kế ra sản phẩm, liệu có hợp thức hóa được không?

Chính vì thế, trường cũng chọn thêm một hướng đi bên cạnh ra mắt Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch, đó là ra mắt công ty làm về thiết kế vi mạch – gọi là Phenikaa X. Đồng thời, chúng tôi cũng hợp tác với các tập đoàn công nghiệp, doanh nghiệp để chế thử sản phẩm. Từ thiết kế, đào tạo, nghiên cứu đều phải có chế thử và chắc chắn rằng bên cạnh những sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, chúng ta vẫn phải đầu tư vào những sản phẩm mới.

Thế giới đánh giá sinh viên Việt Nam có tư duy tốt về toán học, logic. Đó là lợi thế của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận trong các ngành công nghiệp chung, cũng như ngành vi mạch thì yếu tố kỹ năng rất quan trọng. Khi chúng ta sản xuất sản phẩm mới hay tham gia công đoạn nào mới trên thị trường quốc tế sẽ đòi hỏi kỹ năng của “công dân toàn cầu”. Người ta không hỏi rằng bạn nghĩ gì hay cảm thấy thế nào, mà hỏi bạn đưa ra giải pháp thế nào.

Tố chất quan trọng của các kỹ sư hiện nay, bên cạnh kiến thức về chuyên ngành thì tôi nghĩ vấn đề kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng tham gia chuỗi toàn cầu hóa là rất quan trọng, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng dám đưa vấn đề ngược dòng,…

“Tôi từng nghe một số tập đoàn lớn như Intel hay Synopsys nói rằng, họ đánh giá kỹ sư của chúng ta rất cao, bởi có những ý tưởng hay. Tuy nhiên, kỹ sư của chúng ta đôi khi hơi rụt rè. Như vậy thì kỹ năng và sự tự tin rất quan trọng, bên cạnh tố chất các em có sẵn”, ông Khánh nói.

Mà muốn sinh viên tự tin, không thể nào thiếu vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo. Doanh nghiệp cũng nên có những cơ chế trong vấn đề đào tạo. Bản thân các doanh nghiệp không chỉ nhận đầu ra, mà cần tham gia cùng các cơ sở đào tạo để đào tạo ra kỹ sư có đủ phẩm chất từ kiến thức đến kỹ năng.

Ảnh: Internet

Với những kỹ sư đã có kiến thức cơ bản ở các ngành như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông,… không có gì đào tạo chuyển đổi nhanh bằng những dự án thực tế. Vì thế, nên có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhận sinh viên đào tạo trong các khóa ngắn hạn hay dài hạn tại doanh nghiệp. Như vậy sẽ giúp đào tạo đầu ra cho các cơ sở đào tạo, cũng như hỗ trợ đầu vào cho chính doanh nghiệp tốt hơn.

PGS TS Nguyễn Ngọc Bình – nguyên Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết, công nghiệp bán dẫn là một ngành học khó và đòi hỏi người theo đuổi ngành học này phải giỏi cả về phần cứng lẫn phần mềm. Không chỉ có vậy, cơ sở đào tạo cũng phải đáp ứng được cho sinh viên về điều kiện thực hành với những trang thiết bị về phần cứng và phần mềm hết sức đắt tiền.

Khi Việt Nam có lợi thế về tài nguyên đất hiếm

Với công nghiệp bán dẫn, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu. Hiện Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm hàng đầu thế giới với con số 70%. Còn Việt Nam đứng thứ nhì với 30 triệu tấn.

Rõ ràng, đây là “vũ khí kinh tế” để đảm bảo cho tương lai khi công nghiệp bán dẫn phụ thuộc lớn vào tài nguyên này theo khẳng định của GS TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài. Và cũng cần nói thêm, việc các nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp bán dẫn quan tâm đến Việt Nam có lẽ chính vì nguồn tài nguyên đất hiếm của chúng ta chứ không phải về yếu tố nguồn nhân lực như nhiều người vẫn ảo tưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, chúng ta đang thu hút việc công nghiệp chip và bán dẫn. Nếu chúng ta chế biến sâu được đất hiếm sẽ phục vụ ngay cho chúng ta, ngoài ra còn nghiên cứu để xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, thực trạng trước đây của chúng ta là chưa thực sự nghiên cứu một cách tổng thể, nên chưa chế biến sâu được.

Bộ trưởng cho biết hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, thứ nhất là đánh giá chính xác trữ lượng đất hiếm để báo cáo, thứ hai là trong quá trình thực hiện gắn với những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và gắn với công nghiệp của Việt Nam, yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, cố gắng để chế biến sâu và phục vụ cho đất nước.

Theo TS Vũ Thị Hồng Nhung – Giảng viên của Đại học RMIT Việt Nam, đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, một ngành công nghiệp cốt lõi toàn cầu. Nó cũng thiết yếu trong nhiều lĩnh vực khác như thông tin, viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông vận tải và quân sự. Đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thiết bị quốc phòng.

Thực tế, từ hơn một thập niên trước, vào năm 2012, Nhật Bản và Việt Nam đã có sự hợp tác thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu chung đặt tại Hà Nội nhằm khai thác đất hiếm tại Việt Nam. Các nhà nghiên cứu của hại nước đã đạt nhiều thành công khi tách được các kim loại từ khoáng sản đất hiếm nhưng tất cả chỉ mới ở phạm vi phòng thí nghiệm mà chưa triển khai thương mại, dù các bên đặt mục tiêu xây dựng được phương pháp tối ưu để sản xuất sản phẩm chất lượng cao từ đất hiếm. Nguyên nhân là vào thời điểm đó, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc tăng mạnh khiến giá cả rẻ nên việc bắt tay vào khai thác chưa thể tối ưu.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định một khi khai thác thành công nguồn đất hiếm, Việt Nam có tiềm năng tạo doanh thu 2 tỉ USD/năm. Đó là chưa kể có thể nhận được hàng loạt lợi ích khác từ hợp tác phát triển công nghệ cho đến tạo vị thế quan trọng với các đối tác lớn trên thế giới. Bởi lẽ hiện nay một số nước đóng vai trò cung cấp chính nguồn đất hiếm cho toàn cầu đã thu hẹp nguồn cung.

TS Vũ Thị Hồng Nhung nhận định hiện nay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phương Tây đang tìm kiếm giải pháp để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ một số nước. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam với trữ lượng đất hiếm lớn, để trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Tuy vậy, để tận dụng nguồn đất hiếm của mình, Việt Nam có thể tìm kiếm hợp tác quốc tế và đầu tư nước ngoài để tăng cường kỹ thuật, quản lý và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung vào nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng chuỗi cung ứng địa phương từ khai thác đến sản xuất sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách và quy định phù hợp để đảm bảo khai thác bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực trong lĩnh vực này là thiết yếu để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và chuyên môn cao.

Cần sự cam kết đủ mạnh của Chính phủ

Tại một nước láng giềng của Việt Nam trong khu vực Đông nam Á là Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết Malaysia dự định đầu tư ít nhất 500 tỉ ringgit (107 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình, nhằm đạt mục tiêu là một trong những trung tâm sản xuất công nghệ cao toàn cầu. Ông Anwar cho biết khoản đầu tư sẽ dành cho thiết kế mạch tích hợp, thiết bị sản xuất và đóng gói tiên tiến cho chip bán dẫn.

Malaysia cũng muốn thành lập ít nhất 10 công ty địa phương về thiết kế và đóng gói tiên tiến cho chip bán dẫn, với doanh thu từ 210 triệu USD đến 1 tỉ USD. Thủ tướng Anwar cho biết, Chính phủ sẽ chi khoảng 5,3 tỉ USD hỗ trợ tài chính để đáp ứng các mục tiêu này.

“Chúng tôi có khả năng mạnh mẽ để đa dạng hóa và phát triển hơn trong chuỗi giá trị, hướng tới sản xuất cao cấp hơn, thiết kế chất bán dẫn và đóng gói tiên tiến hơn”, ông Anwar chia sẻ.

Vào cuối tháng 4/2024, Chính phủ của ông Anwar thông báo kế hoạch xây dựng khu phức hợp thiết kế mạch tích hợp lớn nhất Đông Nam Á và sẽ đưa ra các ưu đãi, bao gồm giảm thuế, trợ cấp và miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ và nhà đầu tư toàn cầu. Ông Anwar cho biết khu phức hợp thiết kế mạch tích hợp này là một phần trong nỗ lực của Malaysia nhằm tự chủ trong thiết kế sản xuất có giá trị kinh tế cao bên cạnh việc lắp ráp và thử nghiệm hiện nay.

Trong khi đó tại Việt Nam, tuy khẳng định chúng ta có cơ hội sâu về công nghiệp bán dẫn nhưng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới chỉ cho biết với các đại biểu Quốc hội là phải cần đến 7 tỷ USD cho sản xuất thử nghiệm. Còn về thực tế cho chuyện này thì hiện chưa thấy kế hoạch gì về khoản tiền đầu tư này.

Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực này cần nguồn đầu tư rất lớn, có thể sản xuất hàng trăm lần mới ra được 1 sản phẩm đạt yêu cầu, nên cần phải có sự tham gia của cả Nhà nước và khối doanh nghiệp.

Vậy một khi không có những đầu tư lớn của Chính phủ thì tương lai công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ sao mà nhất là trong bối cảnh còn phải chạy đua với thời gian để đào tạo nguồn nhân lực?.

Cần lưu ý rằng, các nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này tuy đã đến Việt Nam để nghiên cứu tình hình nhưng sau đó họ đặt chân cả tới Malaysia. Vậy thì Việt Nam đương nhiên sẽ phải cạnh tranh với đất nước này để thu hút đầu tư về công nghiệp bán dẫn. Malaysia tuy không có lợi thế về trữ lượng tài nguyên đất hiếm nhưng họ hoàn toàn có thể nhập khẩu từ Việt Nam.

Với sự cam kết đầu tư của Chính phủ đã rõ ràng cùng yếu tố nguồn nhân lực mà Việt Nam có lẽ còn phải học tập, Malaysia đương nhiên có lợi thế hơn hẳn để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Trịnh Nguyễn

https://vietnamfinance.vn/phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-nhung-dieu-quan-trong-hon-ca-dat-hiem-d113090.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button