Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Nhiều hệ luỵ từ lối ‘sống ảo’ là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ

(HNTTO) – Trong thời gian gần đây, cư dân mạng xôn xao về những hình ảnh nhóm người trải thảm giữa đường, dừng xe tập aerobic để chụp hình hay thậm chí nhảy múa khi đi qua vạch kẻ ngang cho người đi bộ. Nhiều ý kiến bức xúc và đề nghị xử lý nghiêm các tình trạng này vì nó có thể gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, sự việc được cho diễn ra ở một tuyến đường trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, Lâm Đồng; được camera hành trình của một ô tô đi đối diện ghi lại vào lúc 13 giờ 45 ngày 17-5.Tương tự, ngày 17/5, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh nhóm hơn chục phụ nữ mặc đồ tập thể thao trải bạt giữa đường rồi nằm cụm chân, hướng đầu ra phía ngoài, trong lúc các phương tiện đang lưu thông. Địa điểm mà nhóm phụ nữ nằm tập được xác định là Quốc lộ 37, đoạn qua địa bàn thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip một đoàn xe sang rước dâu dừng giữa đường, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để cô dâu, chú rể xuống quay phim, chụp ảnh. Sự việc khiến nhiều phương tiện đang lưu thông phải dừng lại, gây ùn tắc giao thông tại khu vực ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 38B và đường trục Bắc – Nam.

Theo cơ quan công an, tranh thủ đám cưới của một nhân viên cũ, có nhiều xe sang tham gia rước dâu, Phạm Đức Hải (còn gọi là “Hải Idol”, sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã tranh thủ quay clip rồi đăng lên tài khoản cá nhân trên các kênh mạng xã hội. Hành vi này nhằm đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng của Hải.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Đức Hải và Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết hành vi của nhóm người trải thảm giữa đường để tập yoga, nhóm người tập aerobic dừng xe giữa đường hay kể cả hành vi các bạn trẻ nhảy nhót trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ đều là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ theo quy định pháp luật giao thông đường bộ. Đồng thời, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ dưới lòng đường khi tham gia giao thông được thiết kế là nơi để người đi bộ qua đường chứ không phải nơi để mọi người nhảy nhót theo trend. Hành vi dừng xe nhảy múa giữa đường có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng vì gây mất trật tự công cộng. Hành vi dừng xe nhảy múa giữa đường rất phản cảm và thiếu ý thức, coi thường luật lệ giao thông, gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người đang tham gia giao thông.

Khuyến nghị thêm, ông Sơn cho biết nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác cũng như hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, người dân không nên đi bộ, chạy bộ, nhảy múa dưới lòng đường, quốc lộ…Hoạt động này chỉ nên diễn ra tại công viên, phòng tập, bãi đất trống… nơi không có các phương tiện lưu thông qua lại. Căn cứ quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 thì “Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép” là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 8.

Theo ông Hồ Minh Sơn dẫn chứng, tại khoản 2 Điều 35 Luật này thì các hành vi không được thực hiện trên đường phố bao gồm “tụ tập đông người trái phép trên đường bộ” hoặc thực hiện “hành vi khác gây cản trở giao thông”, ngoại trừ các trường hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội… được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Nhấn mạnh thêm: “Nhiều ý kiến cho rằng việc nhảy nhót trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ khi đang có tín hiệu đèn xanh qua đường dành cho người đi bộ xét về luật không vi phạm. Theo tôi không phải vậy, đây vẫn là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ”.

Căn cứ vào khoản 1 điều 36 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông”. Vì lẻ đó, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ dưới lòng đường được thiết kế là nơi để người đi bộ qua đường chứ không phải nơi để mọi người nhảy nhót theo trend hay sáng tạo nội dung rồi đăng tải lên mạng xã hội, hơn nữa việc thực hiện tụ tập đông người, nhảy nhót cũng có thể gây cản trở những người đi bộ khác tham gia giao thông. Theo ông Sơn cho rằng: “Việc thực hiện các hành vi nói trên là vi phạm pháp luật, phản cảm và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các sự cố gây mất trật tự an ninh xã hội, trật tự an toàn giao thông”.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về những hành vi không được thực hiện trên đường bộ như sau: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; Thả rông súc vật trên đường bộ; Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; Hành vi khác gây cản trở giao thông. Ông Sơn dẫn chứng thêm.

Ngoài ra, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự) quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này, ông Sơn chia sẻ.

Tiến sĩ Hồ Minh Son cũng khuyến nghị trong trường hợp không may xảy ra các sự cố như ùn tắc giao thông hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng mà việc lấn chiếm trái phép lòng lề đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hậu quả trên thì vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ Điều 260, 261 Bộ luật hình sự 2015 có quy định những người thực hiện hành vi hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự về các tội danh như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tội cản trở giao thông đường bộ hay tội gây rối trật tự công cộng.

Đây cũng là bài học đắt giá cho những người thường đề cao lối “sống ảo” mà coi thường kỷ cương, pháp luật. Những vụ việc trên cho thấy lối “sống ảo” không còn là hành vi đơn lẻ, mà trở thành một trào lưu độc hại và được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Điển hình, những trò “câu view” thiếu ý thức này lại đang được “khích lệ” trên một số nền tảng, nhất là trên Tik Tok và liên tục hiển thị tới người sử dụng mạng xã hội. Mặt khác, đối tượng tham gia trào lưu “sống ảo” rất đa dạng, cả người lớn tuổi, người trẻ tuổi, với nhiều thành phần xã hội, đối tượng khác nhau. Với họ, bất kể chỗ nào cũng có thể trở thành địa điểm để họ thể hiện. Đáng lên án, những hành động phản cảm, vô ý thức lại nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận người sử dụng mạng internet, ông Sơn nói.

Tin rằng, từ những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến lối “sống ảo”, trào lưu “câu like” trên mạng xã hội xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề: Cần phải xử lý kiên quyết vi phạm, không nên xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, lối sống, và thiếu định hướng trong sử dụng mạng xã hội của một bộ phận người dân, sẽ là một hệ lụy lớn cho xã hội.

Trần Danh – Kiên Cường

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button