Khoa học công nghệ

Vi mạch bán dẫn: Xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực trình độ cao

(HNTTO) – Công nghệ bán dẫn có tầm quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch.

SInh viên tham dự Talkshow

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) vừa tổ chức Talkshow “Vi mạch bán dẫn: Xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực trình độ cao”, nhằm giúp sinh viên hiểu nhu cầu của thị trường lao động đối với nhân lực thiết kế vi mạch; cơ hội việc làm của kỹ sư vi mạch và định hướng học tập trong tương lai.

Tại buổi Talkshow, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhấn mạnh, công nghệ bán dẫn có tầm quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch. Để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng sẽ mở chuyên ngành đào tạo lĩnh vực này từ khóa tuyển sinh năm 2024.Talkshow này là cơ hội để các em sinh viên cùng chuyên gia trực tiếp trao đổi, thảo luận để định hướng cho bản thân những mục tiêu học tập cụ thể trước khi trở thành một kỹ sư thiết kế vi mạch.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết, nhà trường hiện đã phối hợp cùng các đơn vị như FPT miền Trung, NIC… để mở các khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch cho giảng viên và sinh viên vào tháng 02/2024 (dự kiến).

Tham dự Talkshow, ông Nguyễn Bảo Anh – Cựu Sinh viên Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Khóa 2002 -2007), hiện là Giám đốc Kỹ thuật, phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng đảm nhận việc điều hành, quản lý công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tầm ảnh hưởng của công nghệ bán dẫn tiên tiến tại Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị.

Chuyên gia Nguyễn Bảo Anh – Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam

Theo đó ông Nguyễn Bảo Anh đã giới thiệu đến các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng những thông tin cơ bản về chip, những ứng dụng của chip, 03 giai đoạn chính trong sản xuất chip, kỹ năng cần có của một kỹ sư thiết kế vi mạch và yêu cầu đối với sinh viên khi ứng tuyển tại các doanh nghiệp vào vị trí kỹ sư thiết kế vi mạch.

Ông Nguyễn Bảo Anh nhấn mạnh, chip hiện diện trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống, thậm chí cấy vào cơ thể người. Chip đóng vai trò quan trọng và là tài sản giá trị đối tất cả các quốc gia. Chip được gọi là “Gạo của thời đại mới” (It’s rice of the new era).

Chia sẻ với sinh viên, ông Bảo Anh cho biết, 03 giai đoạn chính trong chip, đó là: Design (60%); Fabrication sản xuất (25%); Assembly and Test (15%). Các vị trí công việc gắn liền với quá trình sản xuất chip: Circuit Designer; Layout Designer và Digital Designer.

TS. Lê Quốc Huy – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến trình bày các học phần liên quan thiết kế chip

Đối với kỹ sư thiết kế vi mạch cần trang bị những kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng giao tiếp (tài liệu tiếng Anh, giao tiếp với chuyên gia bằng tiếng Anh; nói và viết thành thạo, rõ ràng, đúng ý để khách hàng hiểu); Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng quản lý công việc; Kỹ năng học tập, học hỏi không ngừng để nâng cao kiến thức, kỹ năng giải quyết công việc.

Sinh viên sau tốt nghiệp muốn ứng tuyển vị trí Kỹ sư thiết kế vi mạch cần đảm bảo các điều kiện cơ bản như: Tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan (Điện tử – Viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Hệ thống nhúng và IoT…); điểm học tập cao; kiến thức cơ bản về MOSFET; hiểu biết về quy trình thiết kế vi mạch; năng lực về tiếng Anh, kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề, làm việc nhóm; đam mê sáng tạo phát triển bản thân…

Tại buổi Talkshow, TS. Lê Quốc Huy – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến thông tin đến sinh viên các học phần liên quan thiết kế chip. Đặc biệt, TS. Lê Quốc Huy nhấn mạnh, quá trình thực tập tại doanh nghiệp vô cùng quan trọng, giúp sinh viên có cơ hội được tiếp cận doanh nghiệp, thể hiện năng lực và có thể được tuyển dụng sau khi thực tập.

Giảng viên và các chuyên gia giải đáp thắc mắc của sinh viên (ảnh ĐHBK)

Các sinh viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung: các môn học cốt lõi sinh viên ngành gần cần nắm rõ trong chương trình học; nguồn tài liệu để tìm hiểu; cơ hội thực hành tại trường; các khóa đào tạo ngắn hạn; yếu tố cạnh tranh giữa sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành thiết kế vi mạch và sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan; kỹ năng thực chiến của kỹ sư thiết kế vi mạch trong doanh nghiệp…

Bên cạnh việc giải đáp cặn kẽ những mối quan tâm của sinh viên, các giảng viên và chuyên gia nhắn nhủ đến các bạn sinh viên cần học tập thật tốt, trang bị các kỹ năng, chủ động học hỏi, nâng cao ngoại ngữ, mạnh dạn theo đuổi, nắm bắt các cơ hội và đăng ký khóa đào tạo kỹ năng, thay vì lo lắng thì hãy hành động vì mục tiêu của bản thân.

Các sản phẩm của chip bao gồm:

+ Không phải sản phẩm bộ nhớ (Key Non-Memory Products): Micro Processor; Micro Controller, FPGA; Special Purpose Chip; ASIC; Analog IC

+ Sản phẩm bộ nhớ (Memory Products): DRAM; Nand Flash; ROM; SRAM

+ Các loại chip khác: MEMs; Optoelectronics

HÀN BĂNG

https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/vi-mach-ban-dan-xu-huong-cong-nghe-va-nhu-cau-nhan-luc-trinh-do-cao-post6745.html#6745%7Czone-highlight-26%7C0

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button