Nhà khoa học đạt giải thưởng Quả Cầu Vàng nhận bổ nhiệm Phó Giáo sư ở tuổi 35
(HNTTO) – ‘Trên một hành trình không có giới hạn như nghiên cứu khoa học, tôi thấy hạnh phúc vì tình yêu, nỗ lực dành cho nghiên cứu đã được chứng thực. Ở cương vị mới, tôi sẽ tiếp tục phát huy năng lực để khám phá, chinh phục những mục tiêu cao hơn để xứng đáng với sự kỳ vọng của nhà trường và xã hội’.
Đó là chia sẻ của PGS.TS. Lê Thanh Long ngay sau lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) vừa qua.
Sau quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2023 của Hội đồng Giáo sư nhà nước, TS. Lê Thanh Long (SN 1988, sinh ra và lớn lên ở Pleiku, Gia Lai) – Giảng viên bộ môn Thiết kế máy, khoa Cơ khí chính thức nhận bổ nhiệm Phó Giáo sư của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) chiều 11/1.
PGS.TS. Lê Thanh Long đã công bố 51 bài báo khoa học, trong đó có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế và hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học và hội thảo trong nước.
Anh cũng chủ nhiệm 5 đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu; 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về “Mô-đun container (phòng) ngăn ngừa vi-rút phát tán ra môi trường trong trường hợp di chuyển của nhân viên y tế và bệnh nhân”; chế tạo thành công các sản phẩm có tính ứng dụng thực tế như buồng phun dịch khử khuẩn, máy check-in IoT Bách khoa, phòng áp lực âm, máy lọc nước thông minh.
“Trên một hành trình không có giới hạn như nghiên cứu khoa học, tôi thấy hạnh phúc vì tình yêu, nỗ lực dành cho nghiên cứu đã được chứng thực. Ở cương vị mới, tôi sẽ tiếp tục phát huy năng lực để khám phá, chinh phục những mục tiêu cao hơn để xứng đáng với sự kỳvọng của nhà trường và xã hội”, PGS.TS. Lê Thanh Long chia sẻ.
PGS.TS Lê Thanh Long là một trong những giảng viên trẻ của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) nhận bổ nhiệm Phó giáo sư năm 2023. Ảnh: NVCC.
Hướng nghiên cứu hiện tại của PGS.TS Long xoay quanh ứng dụng tính toán động lực học chất lưu trong lĩnh vực vi cơ chất lỏng và các phương tiện tự hành; thiết kế và chế tạo các thiết bị cơ khí, tự động hóa, robot có ứng dụng công nghệ AI, IoT.
Trong tương lai, PGS.TS Long ấp ủ dự định nghiên cứu về giải pháp sử dụng công nghệ cao, ứng dụng AI, IoT để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân trong nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây trong bối cảnh chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, PGS.TS Lê Thanh Long đảm nhận vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, để định hướng và phát triển các sân chơi khởi nghiệp cho sinh viên.
“Nhiều người thường nghĩ, nhà khoa học lúc nào cũng ở phòng nghiên cứu nhiều hơn ở nhà. Nhưng tôi lại khác, tôi trích một phần quỹ thời gian để tham gia nhiều hơn các hoạt động giao lưu, kết nối với sinh viên, thậm chí đảm nhận vai trò cán bộ Đoàn của khoa Cơ khí một thời gian. Từ chính những hoạt động cộng đồng đã tạo động lực cho tôi cống hiến nhiều hơn nữa bằng nghiên cứu mới và có nhiều ý nghĩa hơn”, PGS.TS Long nói.
PGS.TS Lê Thanh Long (ngoài cùng bên phải) và sinh viên tham gia hoạt động giao lưu Việt -Hàn. Ảnh: NVCC
PGS.TS Lê Thanh Long trên giảng đường.
Một số thành tích, khen thưởng nổi bật của PGS.TS Lê Thanh Long:
– Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023;
– Cán bộ trẻ tiêu biểu điển hình ĐHQG-HCM 3 lần liên tục (2019, 2021, 2023);
– Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng năm 2022 lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa;
– Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn;
– Giải Nhất lĩnh vực Cơ khí của cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016.
Châu Linh
https://tienphong.vn/nha-khoa-hoc-dat-giai-thuong-qua-cau-vang-nhan-bo-nhiem-pho-giao-su-o-tuoi-35-post1603766.tpo