Du lịchNghiên cứu trao đổi

ThS. Mai Thanh Hải – Phó Viện trưởng Viện IMRIC: Cần có chiến lược xúc tiến quảng bá song hành để du lịch khởi sắc bền vững

(HNTTO) – Có thể thấy, Lượng khách tại các điểm du lịch phục hồi từ 70 – 80% đến thời điểm gần cuối năm 2023. Để giữ được đà tăng trưởng phục hồi và phát triển trong năm 2024 và các năm tiếp theo, bên cạnh sản phẩm du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đang cần chiến lược xúc tiến quảng bá song hành.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách đến với Việt Nam.  

Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập về số liệu mới do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa công bố, trong 10 tháng đầu năm 2023 gần 900.000 lượt khách Việt Nam đến Thái Lan, cao gần gấp đôi lượng khách Thái Lan đến Việt Nam là gần 500.000 lượt…

Chia sẻ về điều này, ThS. Mai Thanh Hải – Phó Viện trưởng Viện IMRIC cho rằng các tỉnh thành phố ở miền Trung, cần tăng cường triển khai liên kết vùng và hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch. Bởi, việc liên kết và hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu tiếp thị điểm đến sẽ góp phần phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch; đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản phẩm, du khách có nhiều sự lựa chọn. Việc liên kết xúc tiến quảng bá như vậy đã giúp các địa phương giải quyết bài toán khó khăn về kinh phí trong hoạt động xúc tiến quảng bá và cùng nhau tham gia các hội chợ quốc tế có uy tín và tổ chức các chương trình quảng bá ở các địa phương, xây dựng các sản phẩm chung góp phần quảng bá hình ảnh các địa phương ra thị trường khách quốc tế.

Tương tự, khách du lịch Việt Nam cũng nằm trong Top 10 thị trường khách lớn đến Hàn Quốc. Theotìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 227.300 khách Việt Nam đến Singapore, đưa Việt Nam xếp thứ 11 về thị trường gửi khách đến Singapore.

ThS. Mai Thanh Hải khuyến nghị, sở dĩ du khách Việt rủ nhau ra nước ngoài du lịch vì trong nước phần lớn vẫn chưa thể sửa lề lối cũ kỹ manh mún, tranh thủ, với tư duy tận thu một lần rồi thôi và hậu quả là du khách không muốn quay lại. Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nhiều nước để tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, du lịch TP Hồ Chí Minh đến với Australia, Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore…Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 6 vùng trong cả nước nhằm kích cầu du lịch vùng, du lịch nội địa và tăng khách quốc tế cho địa phương.

Tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) lượng du khách dần vắng. Những năm trước vào mỗi dịp nghỉ lễ và cuối tuần Đà Lạt thường đông đúc bởi du khách từ khắp nơi đổ về. Nơi đây cũng luôn nằm trong top những địa điểm du lịch thu hút đông khách nhất nhì ở Việt Nam. Nhưng lượng khách đến Đà Lạt giảm sâu thời gian gần đây…Điển hình, trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua số phòng lưu trú chỉ đạt công suất 55%. Thời điểm này, nhiều hàng quán đã buộc phải đưa ra quyết định sang nhượng hay có những nơi tìm cách thay đổi để có thể tiếp tục hoạt động…

ThS. Mai Thanh Hải cho biết, người ta làm du lịch cần cho đi rồi mới có thể nhận lại. Cụ thể là thái độ thân thiện, giá cả phải chăng, dịch vụ chuyên nghiệp… thì du khách mới trở lại và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chúng ta chỉ tận thu 1 lần thì tỷ lệ quay lại của khách thấp, thậm chí người nọ truyền tai người kia những người mới cũng e ngại không muốn đến nên số lượng ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, chúng ta cần đổi mới tư duy làm du lịch, nên nhìn tổng thể thì du lịch mới tốt lên, đừng mạnh ai nấy kiếm, hãy để du khách thấy giá cả minh bạch, ổn định ở các nơi để tạo sự tin tưởng. Vì thế những người làm du lịch cần đổi mới cách làm vì lợi ích chung. Qua đó, kiến nghị Bộ VHTTDL quan tâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế, thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có cơ hội tiếp cận các đối tác tiềm năng.

Qua chuyến công tác tại Liên bang Nga của đoàn công tác Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy thị trường khách quốc tế và quảng bá xúc tiến, chúng tôi mong muốn hằng năm Bộ VHTTDL sẽ có cuộc làm việc với các địa phương, bộ ngành để định vị, phân tích cho các địa phương biết kế hoạch năm tới, các năm tiếp theo, thị trường khách quốc tế và trong nước cần có định hướng gì; tránh sự chồng chéo. Cần đầu tàu để định hướng mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương trong chuỗi liên kết. Cần tìm hiểu về thị trường phù hợp có những cuộc xúc tiến lớn, mang tầm quốc tế, phải làm sớm, làm từ xa để quảng bá sản phẩm của địa phương được hiệu quả hơn.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, ngành du lịch đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, riêng tháng 10 Việt Nam đón khoảng 1,11 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng với 2,9 triệu lượt và Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với 1,3 triệu lượt. Cả hai thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đứng thứ ba là thị trường Mỹ với 667.000 lượt, tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 606.000 lượt, thị trường Nhật Bản 469.000 lượt… Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu số lượng khách đến Việt Nam với 392.000 lượt khách, tiếp đến là Malaysia với 372.000 lượt, Campuchia xấp xỉ 326.000 lượt. Thị trường Australia và Ấn Độ cùng đạt 314.000 lượt.

Trong tháng 10, du lịch Việt Nam cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, như: lần thứ 7 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017 – 2023); lần thứ 2 liên tiếp được bình chọn là Điểm đến Spa tốt nhất châu Á (2022 – 2023). Thành phố Hà Nội được bình chọn là Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 và Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023. Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) đón nhận Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UNWTO. Căn cứ tình hình thực tế, vừa qua Bộ VHTTDL đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 – 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, việc ngành du lịch Việt Nam sẽ đón thêm khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng cuối năm là hoàn toàn khả thi.

Cũng theo ThS. Mai Thanh Hải chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Cần những nghiên cứu về số liệu du khách như: Có bao nhiêu khách du lịch ở Việt Nam trên 3 ngày, bao nhiêu khách chỉ ở lại 1 ngày. Hoặc chi tiêu trung bình một ngày của du khách…Tuy nhiên, hiện những số liệu như thế lại không có. Nhìn sang các nước việc này phải được điều tra hằng năm rất minh bạch để thấy được mặt hạn chế kịp thời tham mưu Chính phủ những chính sách tháo gỡ ngay. Trong khi Luật Du lịch đã có định nghĩa thế nào là khách du lịch.

Hiện tại, Việt Nam đã đạt mục tiêu 10 triệu khách. Thế nhưng, để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2025, cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng. Cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc và đảm bảo công tác triển khai. Mặt khác, không thể chỉ một mình Cục Du lịch Việt Nam, mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp. Năm 2023 ngành du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi với nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Vì vậy, kiến nghị ngay trong hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương có phần giới thiệu về du lịch Việt Nam. Không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam mà còn về vẻ đẹp du lịch Việt Nam để mời gọi khách đến với Việt Nam cũng như quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, ThS. Hải nhận định.

Đối với các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, ThS. Hải cho rằng vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam dường như còn khá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch chưa thật sự được doanh nghiệp quốc tế quan tâm. Các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự văn hóa, kinh tế gắn với du lịch…

ThS. Mai Thanh Hải nhìn nhận: “Khách du lịch rất ít quan tâm đến các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng nghìn diễn viên không chuyên, những người phải bỏ hàng tháng để tập luyện. Họ chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Do vậy, cần cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Mỗi quốc gia đều có những chiến lược để phát triển du lịch, đặc biệt là với Thái Lan. Câu chuyện du lịch chính là cán cân để phát triển kinh tế, vì vậy, Thái Lan sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ, trợ giá cho những dịch vụ nhằm thu hút khách như máy bay, khách sạn, lữ hành… và phần trợ giá đó sẽ được nhà nước khéo léo lấy lại qua các dịch vụ mà khách du lịch sử dụng. Từ đó, khai thác triệt để những giá trị mà du khách mang lại mới tạo được sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch.

ThS. Mai Thanh Hải cho rằng, việc nâng mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12 – 13 triệu lượt khách của du lịch là phù hợp. Chủ trương này hứa hẹn tạo động lực để các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút quốc tế. Bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, cùng với cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8, du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn mở rộng việc đón khách, nhất là khách quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp luôn sẵn sàng triển khai các kế hoạch đón khách, hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục mở rộng các thị trường mới để thu hút thêm nhiều khách. Để đạt được cũng như vượt xa hơn nữa mục tiêu mới đề ra, bên cạnh những công việc đang làm, ngành du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận thị trường mới.

Tin rằng, Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược xây dựng hình ảnh, xây dựng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lớn quốc tế để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Văn Hải – Thuỳ Duyên

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button