Nghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Hành vi bùng nợ có thể được khép vào hành vi hình sự

(HNTTO) – Vay tiêu dùng trực tuyến là một trong những dịch vụ được nhiều công ty tài chính áp dụng để phổ cập tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho mục đích tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy nhiên trong thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện một số hội nhóm có nội dung hướng dẫn cách “bùng nợ” vay tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ

Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính chính thống hiện tăng mạnh trong thời gian qua, thậm chí lên tới 20% ở một số công ty khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ. Nguyên nhân còn một phần đến từ hình thức cho vay với thủ tục đơn giản như vay qua app, chỉ cần CMND/CCCD… Hành vi “bùng nợ” trước mắt ảnh hưởng trực tiếp đến người đi vay, một khi vay nợ mà không trả là vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý. Mặt khác, sẽ gây ảnh hưởng hoặc tác động xấu đến những người đã và đang vay tiền của các công ty cho vay tiêu dùng chính thống.

Dưới góc độ chuyên gia, Ông Hồ Minh Sơn cho biết người “bùng nợ” vay tiêu dùng sẽ không giống như lời giới thiệu “không sao đâu” của các hội, nhóm mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có thể thấy, tùy vào từng mức độ, người vay có thể sẽ bị khép vào tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” nếu cố tình vay để bùng tiền của người cho vay, khung hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.

Đối với trường hợp người vay cố tình làm giả giấy tờ, cung cấp thông tin cá nhân giả (danh bạ, tài khoản mạng xã hội…) sẽ bị khởi tố với hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Ngoài ra, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm, ông Sơn cho hay.

Gần đây, trên không gian mạng xã hội xuất hiện rất nhiều từ khoá, chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “nhân viên thu hồi nợ”, ngay lập tức xuất hiện nhiều bài báo và video với nội dung “nhân viên thu hồi nợ bị đánh bầm dập”, “nhân viên thu hồi nợ bị đâm trọng thương”, “nhân viên đòi nợ bị con nợ bắt quỳ”…Câu chuyện nhân viên đi đòi nợ bị ‘tấn công’ bởi chính những người đi vay tưởng chừng như ngược đời nay đã không còn là chuyện lạ. Việc con nợ đuổi đánh chủ nợ đang là một trong những vấn đề nhức nhối mà các công ty tài chính tiêu dùng phải đối mặt.

Theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, quyền Tổng giám đốc của FE Credit cho biết, thực trạng nhân viên thu hồi nợ bị người đi vay dọa ngược, vu khống tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nếu như 2 năm trước, chỉ có 2 nhân viên thu nợ bị con nợ làm khó thì nay con số này đã tăng lên 24 người trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay.

Được biết, từ dọa nạt, vu khống, nhiều người đi vay rủ nhau lập các hội nhóm “cùng nhau bùng nợ”, “chia sẻ bí quyết bùng nợ tín dụng” trên các trang mạng xã hội. Các hội nhóm này có tới hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn người tham gia và hầu như ngày nào cũng có thêm bài đăng mới hỏi về cách bùng nợ.

Mới đây, Fiin Group thông tin, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% trong cuối năm 2022 lên 12,5% trong 6 tháng đầu năm 2023. Nhiều công ty có mức nợ xấu lên tới 8 – 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20% khiến hoạt động kinh doạn gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ khi phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Trong lúc đó, tín dụng đen phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt với nhiều hình thức biến tướng khác nhau.

Chia sẻ về điều này, ông Sơn cho biết trong năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị số 12, lực lượng công an đã khởi tố 89 vụ án với 434 bị can, có cả người nước ngoài liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đen với lãi suất lên tới hàng nghìn %. Có thể thấy, có tới 51% người tham ra khảo sát cho rằng việc vay tín dụng “dễ vay, dễ quỵt”, dẫn đến việc nhiều người cố tình bùng nợ. Trong đó, 22% cho rằng người đi vay không có tiền trả nợ nên bùng nợ và 27% cho rằng người đi vay không nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Phân tích thêm, việc cho vay tiêu dùng khác với cho vay thông thường, cho vay của ngân hành thương mại khác với cho vay của công ty tài chính. Các ngân hàng thương mại hướng đến đối tượng khách hàng đạt chuẩn và trên chuẩn thì các công ty tài chính lại hướng đến khách hàng dưới chuẩn, nhóm đối tượng dễ bị rơi vào khó khăn kinh tế, từ đó dễ đi đến quyết định bùng nợ khi không có tiền trả. Sự nhập nhằng giữa tín dụng đen và các công ty tài chính cũng khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy tín dụng đen. Hiện nay, có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Tuynhiên, sự xuất hiện tràn lan của các tín dụng đen gắn mác công ty tài chính cũng như các app cho vay khiến người dân rơi vào ma trận “công ty tài chính”, gặp khó khăn trong việc phân biệt các công ty tài chính được cấp phép với các tổ chức tín dụng đen, ông Sơn thông tin.

Theo tìm hiểu, nhiều bài đăng trong một số hội nhóm dạy nhau các bùng nợ tín dụng, không ít người cho rằng các công ty tài chính đều là tín dụng đen và vì thế họ cho rằng việc bùng nợ là đương nhiên bởi “dẫu sao thì các công ty này cũng đều là lừa đảo”. Do vậy, người nọ rỉ tai người kia, người này dạy người khác cách vay tiền nhưng không trả.

Ông Sơn nói đối với hành vi bùng nợ có thể được khép vào hành vi hình sự song gần như 16 công ty tài chính chính thống không muốn kiện tụng vì khoản nợ cho vay tiêu dùng nhỏ trong khi chi phí về thời gian, nhân lực kiện ra tòa thì quá nhiều. Nhấn mạnh thêm: “Tại Việt Nam, nhiều người  đang có quan niệm sai lầm, đó là lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người đi vay. Câu chuyện giữa người đi vay và người cho vay giống như va chạm xảy ra giữa ô tô và người đi bộ, khi xảy ra va chạm, lỗi luôn thuộc về người lái ô tô. Như vậy, có quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay”.

Khuyến nghị thêm, cần luật hóa quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên vay và cho vay để công bằng hơn, cần cưỡng chế làm sao để người đi vay tâm phục khẩu phục. Điển hình, cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu vay tiêu dùng tín dụng, từ đó có thể công khai cá nhân có hành vi tín dụng xấu trong quá khứ, giúp các công ty tài chính có thêm thông tin trước khi quyết định cung cấp hồ sơ cho vay.Ngân hàng Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức, chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ban hành các văn bản, thông tư về quyết định hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng và đáng chú ý là nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp, ông Sơn khuyến nghị.

Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE, World Bank vừa có thống kê, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Vì lẻ đó, các công ty tài chính có thể được xem là cứu cánh cho những nhu cầu từ nhỏ nhất của người đi vay.

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015: Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…”. ông Sơn dẫn chứng luật.

 

Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác; Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý…”. Dẫn chứng thêm, ông Sơn cho biết: Căn cứ theo Điều 351 Bộ luật dân sư 2015 về vi phạm nghĩa vụ dân sự:Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ; Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”

Tương tự, tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định, các hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Ông Sơn nói người thực hiện một trong các hành vi trên có thể bịphạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi: Giá trị tài sản từ 04 triệu đến dưới 50 triệu đồng; Giá trị tài sản dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Ông Hồ Minh Sơn cho hay, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác là: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm…; Phạt tù từ 05 – 12 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; Phạt tù từ 12 – 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. Cùng với đó, hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo ông Sơn, người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, phạt tiền đến 100 triệu. Tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, bên vay có nghĩa vụ: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác; Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý; Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác; Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác. Song song đó, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Vì vậy, cần kịp thời ngăn chặn sự bành trướng của tín dụng đen và tình trạng bùng nợ tiêu dùng, các công ty tài chính chính thống sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt. Thế nhưng, ngay sau đó sẽ là những người tiêu dùng, nhất là những người từng rủ nhau bùng nợ tín dụng bởi chính họ đã tự tay chặn đứng con đường tiếp cận nguồn vốn vay minh bạch, chính thống và được pháp luật bảo vệ. Tin rằng, người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin nhằm lôi kéo, tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp, hoặc sử dụng dịch vụ “bùng nợ” do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội, vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen./.

Văn Hải – Công Danh

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button