Nghiên cứu trao đổiSức khỏe

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Cần có biện pháp chế tài thật nặng để ‘lấp’ lỗ hổng quản lý cơ sở thẩm mỹ

(HNTTO) – Gần đây, nhiều trường hợp không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề lén lút phẫu thuật thẩm mỹ trong khách sạn, nhà trọ và đã gây ra tai biến tử vong, đang thách thức cơ quan chức năng. Mới đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra các cơ sở thẩm mỹ hoạt động ‘chui’ với tình trạng lao công hoặc người chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 thực hiện những thủ thuật, phẫu thuật cho khách.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, vào cuối tháng 10/2023 CA quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng kiểm tra cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (toạ lạc tại số 265-267, đường Hùng Vương), bắt quả tang nhân viên chỉ có bằng cấp 3 nhưng xưng bác sĩ, thực hiện thủ thuật nâng ngực cho khách. Trước đó, hồi tháng 8/2023, lực lượng chức năng Thành phố Đà Nẵng cũng đã bắt quả tang nhân viên lao công căng da mặt cho khách ở cơ sở thẩm mỹ Kangzin tại quận Thanh Khê…

Chia sẻ về điều này, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng đây là những thông tin giật gân, gây sốc. Bởi, không hề mới vì đã có rất nhiều ca tai biến, thậm chí tử vong do các “bác sĩ” giả phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng trước đó ở một số địa phương khác…

Theo ông Hồ Minh Sơn cho rằng đã đến lúc thực hiện việc chế tài thật nặng về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ vì còn quá nhẹ nhàng, thực tế là hầu như chỉ khi các sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người dân thì các chủ cơ sở hoặc “bác sĩ” thực hiện mới bị xử lý hình sự. Còn lại chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính. Trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) đã bất chấp để “vượt rào”, ngang nhiên vi phạm. Bị xử lý, nộp phạt một ít rồi đổi tên, đổi biển hoặc tái phạm theo nhiều hình thức khác nhau…

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, ngành y tế cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép. Mấu chốt của sự việc xuất phát từ ý chí chủ quan của người hành nghề, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh thẩm mỹ. Tuy nhiên, phải nhắc đến công tác quản lý của lực lượng chức năng và trách nhiệm liên quan. Ông Hồ Minh Sơn khuyến nghị, để tình trạng những lao công, người mới tốt nghiệp cấp 3 nghiễm nhiên trở thành “bác sĩ” sử dụng dao kéo, phẫu thuật cho người dân là tình trạng phổ biến thì rõ ràng lỗi là do công tác quản lý. Không thể vì lý do này, lý do kia mà không chịu thừa nhận rằng, hiện công tác quản lý ở lĩnh vực này lỏng lẻo.

Theo ông Sơn nhận định phải sớm “lấp” ngay lổ hổng quản lý này, không phải chờ đến khi dấu hiệu tội phạm rõ ràng, hậu quả xảy ra, công an vào cuộc thì mới kiểm tra, xử phạt…Căn cứ theo quy định, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Trong đó, phòng khám chuyên thẩm mỹ thuộc hình thức phòng khám chuyên khoa.

Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động); Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

Qua đó, phải có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở; Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa; Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.

Ông Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Hoạt động loại hình thẩm mỹ viện hay viện thẩm mỹ “chui”, không đủ điều kiện, đã xuất hiện và tồn tại khá lâu nhưng vì sao những tổ chức, cá nhân này vẫn tồn tại và đến khi xảy ra sự cố mới vào cuộc là vấn đề rất đáng lưu ý. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, có chế tài mạnh hơn, nghiêm hơn để chấn chỉnh loại hình kinh doanh này nếu không sẽ còn nhiều vụ việc đáng tiếc và thương tâm có chiều hương gia tăng, tiếp tục xảy ra. Ngoài ra, một số cơ sở chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ spa, phun xăm thẩm mỹ, nhiều cơ sở hoạt động vượt khả năng, làm phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này, tạo ra cuộc canh tranh không công bằng với các cơ sở được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa. Điều quan trọng là khách hàng phải chịu thiệt thòi lớn, đẹp thì chưa thấy mà hậu quả lại lãnh đủ.

Căn cứ theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởiđiểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) như sau: Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

Trong đó, còn có hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này; Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách chuyên môn của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và các điểm b, e khoản 6 Điều này.”. Theo đó, thẩm mỹ viện “chui” hoạt động trái phép có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, Ông Sơn dẫn chứng.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, Ông Sơn nói.

Cùng với đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết 02 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Theo ông Sơn cho biết

Song song đó, căn cứ theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), có mức hình phạt nhẹ nhất từ 01-05 năm tù, nặng nhất là 15 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, ông Sơn dẫn chứng thêm.

Theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không thuộc ngành Y tế quản lý. Nếu điều kiện để thành lập các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ là rất khắt khe thì điều kiện để thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ là rất dễ dàng. Theo quy định, các cơ sở chỉ cần thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp và đăng ký mã ngành nghề phù hợp. Không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, các cơ sở chỉ cần có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về phòng y tế huyện/thành phố/thị xã trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Dịp này, ông Hồ Minh Sơn phân tích thêm về những vi phạm phổ biến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hiện nay gồm: Sử dụng biển hiệu “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ viện”, gây hiểu nhầm là phòng khám, bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; không niêm yết giá dịch vụ; quảng cáo và thực hiện những dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép; chưa được tập huấn phòng chống lây nhiễm qua đường máu, sinh học; không thông báo hoạt động lên cơ quan có chức năng; sử dụng các loại thuốc, hoá chất, máy móc không rõ nguồn gốc…Những vi phạm này của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đã, đang gây nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân…

Tin rằng, người dân cần phải thông thái trong việc lựa chọn địa chỉ thẩm mỹ đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Song song đó, những cơ sở này phải đáp ứng được các tiêu chí: Hoạt động minh bạch, được Bộ Y tế cấp phép; sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm trong nghề; hệ thống phòng phẫu thuật đảm bảo tiêu chí vô trùng; chính sách bảo hành rõ ràng, uy tín; cập nhật các phương pháp và xu hướng thẩm mỹ hiện đại…Khi phát hiện vi phạm thì cần tố cáo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động.

Văn Hải – Trần Danh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button