Bất động sản

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Giấy mua bán đất viết tay hiệu lực pháp lý không – Công chứng xong, chủ nhà không hợp tác sang tên sổ đỏ, làm thế nào?

(HNTTO) – Hiện nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, các giao dịch mua bán nhà đất cũng ngày càng tăng, việc quan tâm đến các quy định pháp luật về vấn đề này là vô cùng cần thiết. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, người dân dù đã công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, chuyển hết tiền nhưng vẫn có thể gặp rủi ro…Do bên bán không giao sổ đỏ, không hợp tác hoàn thiện thủ tục sang tên hoặc thủ tục sang tên bị từ chối…

Cụ thể, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp thành viên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người dân đã liên hệ, hầu hết đều thắc mắc Liệu giấy tờ mua bán đất viết tay thì có giá trị pháp lý hay không? Nếu không thì có ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích của các bên giao dịch không?. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp đã công chứng mua bán đất xong, nhưng chủ đất cố tình chây ỳ, không hợp tác sang tên sổ đỏ…

Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp những vấn đề trên, cụ thể:

Giấy mua bán đất viết tay, có hiệu lực pháp lý hay không?

Giấy mua bán đất viết tay được hiểu là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ không có công chứng hoặc chứng thực.

Cụ thể, giữa các bên giao dịch sau khi thống nhất trên cơ sở tự nguyện mua bán, sẽ lập nên một giấy viết tay được xem như là một hợp đồng mua bán. Trên giấy mua bán đất này có đầy đủ chữ ký của các bên, tuy nhiên không được công chứng, chứng thực.

Theo đó, một bản hợp đồng được viết theo hình thức là giấy mua bán nhà đất viết tay sẽ không có được sự công nhận của nhà nước và pháp luật mà chỉ có sự thỏa thuận của các bên với nhau dành cho hoạt động mua bán này.

Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Đồng thời tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực nên bị vô hiệu do không tuân thủ về mặt hình thức.

Mặc dù vậy, không phải mọi trường hợp giao dịch mua bán đất không có công chứng chứng thực (tức trường hợp mua bán đất bằng giấy viết tay) đều vô hiệu. Điển hình, Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền như sau:

“Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật: Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008; Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này”.

Đồng thời, trường hợp đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01/7/2014 thì khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.Qua đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực. Khi đó, việc mua bán đất thông qua giấy tờ viết tay không làm ảnh hưởng đến giá trị hiệu lực của giao dịch này.

Công chứng mua bán đất, nhưng chủ đất cố tình chây ỳ, không hợp tác sang tên sổ đỏ, sẽ như thế nào?

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp mua bán đất mà bên mua và bên bán đã ký hợp đồng chuyển nhượng  có công chứng, chứng thực. Bên mua đã chuyển đủ tiền cho bên bán nhưng sau đó bên bán không giao sổ, không phối hợp để thực hiện thủ tục sang tên.

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì hình thức của hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản ngắn liền với đất phải được công chứng (tại Văn phòng công chứng/Phòng công chứng) hoặc chứng thực (tại UBND xã) nơi có đất. Cụ thể điểm a, Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định công chứng hợp đồng như sau: Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

Theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Tức là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa thể có hiệu lực ngay tại thời điểm các bên lập xong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, chứng thực mà phải chờ đến thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên  sổ cho bên mua tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương nơi có mảnh đất đang được mua bán/giao dịch thì bên mua mới chính thức là chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng, sở hữu nhà đất đó.

Căn cứ Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Căn cứ theo Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.”

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký biến động thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.

Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động. 

Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.”

Trong khi đó, không phải ai cũng có kinh nghiệm mua bán đất nhà, khi ký hợp đồng mua bán cần một số động tác như vẫn giữ lại tiền, yêu cầu cung cấp đầy đủ số lượng bản công chứng các hồ sơ khi ký công chứng hợp đồng mua bán. Nhiều trường hợp mua bán tách thửa nhưng thiếu thủ tục tách thửa trước…Đặc biệt, có rất nhiều sơ suất dẫn đến việc chủ nhà lợi dụng sơ hở, cố tình không hợp tác, gây khó khăn cho việc sang tên sổ đỏ. Đương nhiên, nếu chủ nhà không hợp tác cũng rất khó có thể cưỡng chế, bắt ép được. Về thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước yêu cầu tuân thủ đầy đủ, đúng thủ tục mới sang tên sổ đỏ được. Sự việc bế tắc, kéo dài, các bên đôi co nhau cũng không giải quyết được gì. Trong trường hợp này, bên mua hoàn toàn có quyền khởi kiện công nhận giao dịch mua bán đất. Trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ triển khai làm sổ đỏ mà không cần sự hợp tác của bên bán nữa.

Tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thành viên Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE); Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và người dân nếu cần hỗ trợ, chúng tôi không những giải quyết thấu đáo, làm nhịp cầu nối và luôn đồng hành tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm TTLCC

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button