Bất động sảnNghiên cứu trao đổi

Năm 2023: Luật Đất đai (sửa đổi) – Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, giữ gìn và phát huy nguồn lực từ nguồn tài nguyên

(HNTTO) – Năm 2023 được xác định là năm hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung thận trọng, kỹ lưỡng cho dự thảo Luật càng phải được chuẩn bị chu đáo để Quốc hội quyết định thông qua một đạo luật quan trọng của quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời giữ gìn và phát huy nguồn lực từ nguồn tài nguyên đặc biệt này.

Ảnh minh hoạ

Vào ngày 29 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật đất đai 2013. Ngày 09 tháng 12 năm 2013, Luật đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh công bố. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2014.

Trong đó, Luật Đất đai 2013 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bao gồm 14 Chương và 212 Điều…

Cụ thể: Chương I. Quy định chung (gồm 12 Điều, từ Điều 1 đến Điều 12); Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai (gồm 16 Điều, từ Điều 13 đến Điều 28); Chương III. Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai (gồm 6 Điều, từ Điều 29 đến Điều 34); Chương IV. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 17 Điều, từ Điều 35 đến Điều 51); Chương V. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gồm 9 Điều, từ Điều 52 đến Điều 60); Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gồm 34 Điều, từ Điều 61 đến Điều 94); Chương VII. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gồm 12 Điều, từ Điều 95 đến Điều 106); Chương VIII. Tài chính về đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất (gồm 13 Điều, từ Điều 107 đến Điều 119); Chương IX. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gồm 5 Điều, từ Điều 120 đến Điều 124); Chương X. Chế độ sử dụng các loại đất (gồm 42 Điều, từ Điều 125 đến Điều 165); Chương XI. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (gồm 29 Điều, từ Điều 166 đến Điều 194); Chương XII. Thủ tục hành chính về đất đai (gồm 03 Điều, từ Điều 195 đến Điều 197); Chương XIII. Giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (gồm 12 Điều, từ Điều 198 đến Điều 209); Chương XIV. Điều khoản thi hành (gồm 3 Điều, từ Điều 210 đến Điều 212).

Được biết, các địa phương trong cả nước hiện đang bước vào giai đoạn nước rút tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham vấn, góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hạn chót vào ngày 15/3/2023tới đây; để Chính phủ chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, trước khi báo cáo và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều đóng góp về tham vấn sửa đổi nội dung dự thảo đến đối tượng tham gia góp ý. Qua đó, có đông đảo các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân đã tham gia các hội nghị đóng góp ý kiến từ thành phố đến cấp quận/huyện, phường/xã cư trú.

Từ đó, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị 17 nội dung liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường để đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Đồng thời, TP HCM kiến nghị địa phương được quyền chủ động xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. TPHCM cũng kiến nghị cơ chế áp dụng bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Bên cạnh đó, đô thị đầu tàu kinh tế cả nước cũng góp ý về tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B; khuyến khích hoặc có hành lang cơ chế cho phép thí điểm việc các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đất đóng tiền hàng năm…

Trong đó, nhiều ý kiến khi góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các vấn đề tồn đọng của Luật Đất đai hiện hành. Điển hình, đề nghị sửa đổi quy định của Luật theo hướng có cơ chế đủ mạnh để thu hồi đất các dự án vi phạm; góp phần tạo nguồn thu ngân sách. Đồng thời, nếu có quy định cụ thể về cơ chế này, không chỉ Hà Nội, TP HCM mà các đô thị trực thuộc Trung ương có điều kiện để thí điểm, trong đó được phép áp dụng quy định, chế tài mạnh mẽ, quyết liệt để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, dự án vi phạm pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, từ thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai cho thấy việc áp dụng Luật Đất đai vào thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung. Đây là một đạo luật khó, phức tạp, có tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong hoạt động kinh tế – xã hội của quốc gia. Vì vậy, quá trình lấy ý kiến tham vấn, phản biện cũng như góp ý, hiến kế cho các nội dung dự thảo được cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước, Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Căn cứ kế hoạch xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới được tại Nghị quyết 150/NQ-CP năm 2022, thì hiện nay dự án Luật Đất đai sửa đổi vẫn đang trong quá trình được góp ý mà chưa được hoàn thiện cũng như chưa được thông qua. Theo đó thì Luật Đất đai có hiệu lực áp dụng trong năm 2023 là: Luật Đất đai 2013 ; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018.

Mặt khác, tham khảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 còn hiệu lực bao gồm: Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai; Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất; Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 35/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao; Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai; Nghị định 135/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất; Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước…

Cùng với đó, tham khảo các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2013 còn hiệu lực bao gồm: Thông tư 11/2022/TT-BTNMT sửa đổi một số Thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư quy định hướng dẫn Luật Đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 27/2018/TT-BTNMT về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai và sửa đổi thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 33/2016/TT-BTNMT Định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 60/2015/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 02/2015/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 44/2014/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 47/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 35/2014/TT-BTNMT về điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về bản đồ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Thông tư 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Như vậy, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2013 trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi.

Có thể thấy, với việc tổ chức lấy kiến Nhân dân về Dự thảo Luật nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Song song đó, tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong suốt thời gian qua, việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm…

Tin rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023 là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tiến sỹ. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button