Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC: Vì sao một số cơ quan, đơn vị yêu cầu “tréo ngoe” Luật Báo chí?

(HNTTO) –  Trong suốt những ngày qua, Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO) đã liên tục thông tin về việc Toà án nhân dân huyện Phước Long (Tỉnh Bạc Liêu) yêu cầu nhà báo (có thẻ nhà báo) phải xuất trình giấy giới thiệu mới được phép tác nghiệp…

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, ngày 16/1/2023, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm công khai xét xử bị cáo Giang Quang Vinh về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản ở TAND huyện Phước Long (Tỉnh Bạc Liêu). Theo đó,phóng viên của cơ quan này đã xuất trình thẻ nhà báo để tác nghiệp thì chủ tọa phiên tòa không cho tác nghiệp với lý do người này có thẻ nhà báo mà không có giấy giới thiệu đi kèm.

Sau đó, vào sáng ngày 17/1/2023, phóng viên tiếp tục đến TAND huyện Phước Long gặp thẩm phán Tạ Văn Cung trao đổi lại việc đưa ra yêu cầu giấy giới thiệu. Ông Cung vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ chấp nhận cho phóng viên tác nghiệp khi có thẻ nhà báo và cả giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản.Theo báo PLO phản ánh, thẩm phán trên nói: “Phiên tòa công khai không cấm phóng viên. Ngày xử trước, phóng viên đến trình thẻ và giấy giới thiệu, tôi đã cho tác nghiệp bình thường. Còn anh chỉ có thẻ nhà báo mà không giấy giới thiệu, tôi đâu biết cơ quan chủ quản là cơ quan nào. Giả sử ai đó nhặt được thẻ đến tác nghiệp thì sao?”.

Dẫn chứng Luật Báo chí, Tiến sĩ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho rằng căn cứ theo Điều 25 Luật Báo chí 2016 có quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo như sau: Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo; Nhà báo có các quyền sau đây: + Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; + Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; + Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; + Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật; + Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí; + Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.

Đồng thời, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm Luật Báo chí, Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây: + Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; + Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; + Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; + Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đặc biệt, Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; + Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn còn cho biết thêm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao (quy định về nội quy phiên tòa) trước đó có quy định nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa. Thế nhưng, thông tư này đã được thay thế bởi Thông tư 02/2017 và quy định về nhà báo phải xuất trình cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu khi tác nghiệp tại phiên tòa công khai đã được bãi bỏ.

Điển hình, vào tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Pháp lệnh 02/2022 về Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tại điểm i khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh này nêu rõ phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Cùng với đó, tại Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ khi tác nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đối với hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo thì sẽ được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết…

Có thể thấy, theo các quy định của Luật Báo chí hiện hành, Pháp lệnh xử phạt hành chính và Thông tư quy định quy chế, tổ chức phiên tòa của ngành tòa án không có bất cứ quy định nào yêu cầu khi tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai, nhà báo phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Pháp luật hiện hành quy định nhà báo chỉ cần có thẻ nhà báo là đủ điều kiện tác nghiệp theo sự bố trí, sắp xếp của hội đồng xét xử.

Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay với việc không cho nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa nêu trên là muốn thêm loại “giấy phép con”, điều này vô tình nhằm hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Báo chí có giá trị pháp lý cao nhất, điều chỉnh về vấn đề hoạt động báo chí và có giá trị pháp lý cao hơn cả Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn của hệ thống ngành Tòa án. Ngoài ra, Bộ TTTT khi cấp thẻ nhà báo có ghi thông tin như họ tên, bút danh, cơ quan chủ quản và thời hạn sử dụng thẻ nhà báo. Theo tôi, thẩm phán chủ tọa phiên tòa của Toà án nhân dân huyện Phước Long đã lập luận không có giấy giới thiệu “là giấy phép con” là chưa có yếu tố thuyết phục. Mặt khác, khi có trường hợp phát hiện thẻ nhà báo giả, thông tin sai sự thật hoặc khi tác nghiệp nhà báo không tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa thì HĐXX có thể kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, xử lý theo đúng qui định pháp luật.

Còn nhớ tại phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Tại đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó từng đặt câu hỏi: “Vì. Sao đã có thẻ nhà báo, lớn hơn giấy giới thiệu mà còn đòi phải có giấy giới thiệu? Như vậy, có phải thủ tục hành chính phiền hà lắm không?”. Những phản ánh như trên, tưởng chừng sẽ không còn xảy ra, phóng viên đi tác nghiệp yên tâm thực hiện nhiệm vụ…Tuy nhiên, hiện nay khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển và đi vào cuộc sống mà vẫn còn yêu cầu phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo phải có thêm giấy giới thiệu.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khuyến nghị việc cẩn trọng với những người lạ đến trao đổi công việc, nhất là các nhà báo, của cơ quan, đơn vị là đúng. Vì yếu tố công tác phải đề phòng nạn giả danh nhà báo đến lấy thông tin viết bài, làm điều phi pháp vốn từng xảy ra ở một số nơi. Mặc dù vậy, chỉ cần yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo là đủ, nếu thấy nghi ngờ thì có thể chụp lại các giấy tờ này, kịp thời phản ánh đến cơ quan công an cùng cấp, Sở Thông tin và Truyền thông…Vì sao phải đòi phải có giấy giới thiệu, vô tình ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ hoặc làm khổ phóng viên. Họ không thể đáp ứng yêu cầu vì cơ quan báo chí, nơi quản lý bản thân họ ở cách xa tỉnh Bạc Liêu thì làm sao kịp thừoi phản ánh, thông tin đến bạn đọc….

Đằng này, Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, ở mục 4, Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Điều này đồng nghĩa với việc, thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp. Trong đó, Luật Báo chí còn quy định: Các tổ chức, cá nhân phải tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là gốc của vấn đề, cơ quan, đơn vị…có thể dựa trên tinh thần đó khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của báo chí. Đã nói tạo điều kiện thì không được gây khó khăn, nếu cứ yêu cầu phóng viên theo quy định của riêng mình, có nghĩa đẻ thêm “giấy phép con”, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định, tại Điều 38, 39, 40 có quy định về cung cấp thông tin báo chí, trả lời báo chí, họp báo, cải chính trên báo chí, phản hồi thông tin báo chí như sau: Điều 38 -Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố; Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Song song với đó, Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường. Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

Tại Điều 39 ghi rõ: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí. Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hằng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng.

Theo Điều 40 ghi rõ: Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bằng các hình thức phù hợp. Người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn. Điểm này, người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó. Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn tiếp tục dẫn chứng Luật Báo chí.

Như vậy, về mặt quy định thì nhà báo có quyền được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, khi đến làm việc chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo là được. Có thể thấy, các quy định trong Luật Báo chí chỉ yêu cầu nhà báo khi tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ báo chí thì nhà báo có thể tác nghiệp, còn về Giấy giới thiệu mà Toà án nhân dân huyện Phước Long nêu thì không bắt buộc phải có, cũng như không có mẫu quy định. Đây chỉ là giấy tờ mà cơ quan báo chí cung cấp thêm để các nhà báo, phóng viên đó để khẳng định là người đang thực hiện nhiệm vụ của chính cơ quan báo chí đó đến tác nghiệp hay không chứ cũng không bắt buộc…

Văn Hải – Trần Danh

 

 

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button