Nghiên cứu trao đổi

Nhiếp ảnh gia Kiều Anh Dũng – Lưu giữ khoảnh khắc đẹp luôn ở quanh ta

(HNTTO) – Gốc là thầy giáo kiêm thêm nghề kinh doanh điện, nón…vậy mà vẫn không nguôi nghiệp cầm máy ảnh đã theo anh suốt gần 30 năm qua. Với anh, người cầm máy ảnh có nhiệm vụ ghi nhận lại từng thời kỳ, từng khoảnh khắc trong cuộc sống để lưu lại cho thế hệ trẻ sau này biết được sự chuyển biến của từng giai đoạn, đó là điều quan trọng của một nhiếp ảnh gia.

Để được anh chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp, chúng tôi hẹn anh ngay quán cafe hè nằm trên một con phố nhỏ của Quận 11, với tôi đây là chàng nhiếp ảnh thân thiện dễ gần nhất trong số hàng trăm nhiếp ảnh gia mà tôi quen biết. Anh giản dị, hoà đồng, sẵn sàng trao đổi mọi góc cạnh của nghề ảnh. Từ việc thi và đoạt giải thưởng, tiền lương thu nhập của nghề và cả những việc vui buồn trong những lần anh tác nghiệp trên khắp nẽo đường trong và ngoài nước.

Ảnh của anh đa dạng, từ vẻ đẹp của sông núi, thị thành, từ con người đến cảnh vật…Tất cả diễn ra trong cuộc sống quanh ta cứ ngỡ như bình thường, nhưng qua góc nhìn và góc chụp của Kiều Ảnh Dũng luôn làm người xem có cảm giác gần gủi, thân quen, lung linh ảo diệu…Anh bảo: “Trong mắt người chụp ảnh, cái đẹp luôn hiện hữu xung quanh, quan trọng là cách nhìn, cách chuẩn bị đầu tư như thế nào để có được những bức ảnh đẹp. Người cầm máy khác với người thường ở điểm đó, chỉ cần quan sát nheo mắt và “bấm cò” là đã có những khoảnh khắc vô cùng sung sướng mà không biết kể cùng ai”.

Kiều Anh Dũng cho rằng, có nhiều loại nhiếp ảnh, từ ảnh quảng cáo, ảnh nghệ thuật, ảnh cưới và cả ảnh đời thường… Kiểu nào anh cũng chơi và luôn đặt trong tâm thế: Chơi đến “hơi thở” cuối cùng để thoả mãn niềm đam mê. Nhớ lại thời bắt đầu chơi ảnh từ năm 1991, lúc đó cầm cái máy đi kiếm cơm bằng dịch vụ ảnh cưới. Cứ tưởng dễ ăn, nào ngờ hàng trăm thứ phát sinh, từ việc chìu chuộng khách hàng, chạy theo phong trào, bắt kịp xu hướng…Nội nhiêu đó đã đủ mệt, vì song song đó anh còn phải kiêm thêm nghề chính là đi làm… thầy giáo.

Theo Kiều Anh Dũng tâm sự: “Lúc đó Ba tôi có cái máy ảnh hơi xịn, tôi lấy chụp chơi rồi đi học với nhiều thầy. Thầy Thọ bên trường đại học Tổng hợp là tôi nhớ nhất. Thầy chụp rất đẹp và sự đam mê của thầy xem như là vô đối. Hàng tuần thầy rủ tôi đạp xe đạp đi khắp xứ, từ Vũng Tàu, Long Hải, Bửu Long, Đồng Nai, Long Khánh rồi miền Tây để săn ảnh là chuyện thường. Nhiều lúc rảnh rổi, tôi tranh thủ nhận show chụp cho các trường học, rồi tiếng lành đồn xa tôi trở thành “đầu nậu” chuyên chụp cho tất cả các trường ở Quận 6,rồi các đám cưới từ các đồng nghiệp, người thân, cứ có show là cứ réo tên tôi. Chụp lấy tiền có, nhưng “chụp chùa” là nhiều lắm.

Cũng theo Kiều Anh Dũng, nhiều tiền nhất là show chụp cho các trường học, nhận bồi dưỡng hậu hỷ đến độ dư tiền anh mua được cái máy Tiệp Khắc L5B, lần đó về nhà ngủ vẫn còn ôm cái máy trong tâm trạng như lơ lửng ở chín tầng mây.

Hỏi anh khoảnh khắc nào đáng nhớ trong nghiệp cầm máy?

Anh cười, hỏi gì mà to tát thế, vì lúc mới vào nghề tôi chỉ nghĩ chụp cho vui, rồi kiếm thêm chút đỉnh. Nhưng một bà chị thân quen có tiệm áo cưới lớn nhất vùng Chợ Lớn rủ tôi về hợp tác, đó là lần khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, vì khi chụp ăn tiền thì không bao giờ đơn giản, phải tập trung và cực lực vì tiệm rất ư đông khách, đông đến độ tôi phải viện binh từ nhiều anh em quen biết thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của khách.

Chụp thương mại một thời gian, Dũng nhà ta cảm thấy chưa thoả chí, thế là chuyển về Trung tâm Thông tin thương mại tử, chụp ảnh làm thành những quyển sách. Thế là được thoả sức từ Nam chí Bắc, được ăn ở khách sạn ngon lành. Đi tỉnh 15 ngày 1 tháng là thường xuyên,riêng tiền bạc lúc đó được xem là rủng rỉnh.

Có lần, hãng Canon trong đợt quảng cáo có chính sách giảm 50% cho nhà báo, anh nhờ người bạn đăng ký mua luôn, rồi đi học vi tính, photoshop, cứ thế mà miệt mài nghiên cứu. Đây được xem là giai đoạn chuyên nghiệp, nên Kiều Anh Dũng chăm chút từng cú bấm máy trong những lần săn ảnh với các bậc đàn anh để mong có được tác phẩm để đời.

Vận may đến khi anh tham dự cuộc thi ảnh ở Indonesia, anh may mắn trúng giải qua tác phẩm: Giặt lưới. Đây là cuộc thi quốc tế với hàng ngàn tác phẩm trên thế giới gởi về dự thi. Tiền thưởng tuy không nhiều nhưng anh được tài trợ một chuyến đi ở Indonesia. Theo Dũng, đây là một chuyến đi vinh dự vì Việt Nam chỉ có hai người trúng giải. Bảy ngày trên đất khách, ít nhiều anh cũng được mở tầm mắt trong thế giới ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia bậc thầy từ các nơi tụ về.

Sau chuyến đi này, anh như lên tinh thần, liên tục tham gia nhiều chuyến đi sáng tác và chỉ vài tháng sau anh đã dư tiêu chuẩn để được kết nạp vào Hội viên Hội nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA). Đi nhiều chụp nhiều, nhưng anh không nhớ mình đã đoạt được bao nhiêu giải thưởng, chỉ biết là mỗi lúc kiến thức về ảnh của mình sâu hơn, đặc biệt là được giao lưu với nhiều tay máy chuyên nghiệp.

Vui nhất là mỗi lần lảnh thưởng anh đều dành lại để đầu tư cho nghiệp vụ của mình. Các cuộc thi quốc tế bây giờ cũng dễ, chỉ cần lên google tìm hiểu là có hết. Hơn nữa các bạn trẻ giờ thông minh và có rất nhiều điều kiện để tiếp cận công nghệ mới, nên tiến bộ nhiều lắm…Với tôi tác phẩm đâu đâu cũng có, chỉ cần mình chịu suy nghĩ, sáng tạo là có thôi.

Mỗi lần đi sáng tác đều phải có sự chuẩn bị rất công phu, không thể ngang nhiên đi vào bấm máy được, tất cả đều phải có sự tính toán.. Chụp ảnh là phải có tư duy, cứ mỗi lần đi chụp sẽ làm cho đầu óc mình phong phú lắm, phải chọn mẫu, canh ánh sáng, tính đến trang phục, đao cụ…Thông qua buổi trò chuyện, Kiều Anh Dũng cho hay hiện đang ấp ủ một cuộc triển lãm cá nhân chỉ với mong muốn tác phẩm của mình đến với công chúng nhiều hơn.

Chúng tôi hỏi anh có nhắn nhũ gì với các bạn trẻ đang mê chơi ảnh?

Kiều Anh Dũng, nhấn mạnh: “Hãy sống với đam mê của mình, đừng nghĩ đến giải thưởng gì cả, cái đẹp luôn ở xung quanh mình, hãy mạnh dạn sáng tạo, ghi nhận và lưu lại như một phần lịch sử của cuộc sống quanh ta, đó là giá trị đích thực của nhiếp ảnh.

(Bài xuất bản tập san in Thương trường và Doanh nghiệp số T10/2022 thuộc Viện IMRIC)

Lữ Đắc Long

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button